Tại sao chúng ta lại... hôn môi?

(Dân trí) - Ngày Valentine, ngày để chúng ta trao cho người mình yêu những điều ngọt ngào nhất, bạn đã nghĩ đến việc sẽ hôn người ấy như thế nào, tối nay?

Các nhà nhân loại học đã chia thành hai trường phái khi nghiên cứu, tìm hiểu về nguồn gốc của nụ hôn. Một trường phái tin rằng hôn là một bản năng vốn có của con người, là hành động thuộc về trực giác mà khi cảm xúc yêu đương được đẩy lên cao, tự nó sẽ dẫn tới việc trao đi nụ hôn.

Một trường phái khác tin rằng hành động này là sự tiến hóa của đời sống xã hội loài người, vốn xuất phát từ một hành động rất đỗi thân quen trong đời sống sơ khai của người tiền sử, đó là khi các bà mẹ mớm thức ăn cho con.

Tại sao chúng ta lại... hôn môi?


Những tài liệu cổ xưa nhất nói về nụ hôn từng được tìm thấy tại Ấn Độ, đó là dựa trên sử thi nổi tiếng “Mahabharata” được viết từ cách đây 1.500 năm trước công nguyên, trong đó miêu tả trải nghiệm của một đôi trai gái yêu nhau mà ngày nay, chúng ta gọi hành động đó ngắn gọn là “hôn”.

Không rõ nụ hôn với vai trò là biểu tượng tình yêu thực sự xuất hiện ở đâu trước tiên nhưng các nhà sử học tin rằng chính người La Mã cổ đại đã góp phần “truyền bá” nụ hôn tới cộng đồng dân cư ở Châu Âu và Bắc Phi.

Tại sao chúng ta lại... hôn môi?


Nhiều tài liệu được tìm thấy từ thời La Mã đã cho thấy người La Mã coi hôn là một hành động rất thú vị. Ngay từ thời này, người ta đã sáng tạo ra nhiều kiểu hôn khác nhau, như hôn tay, hôn má, hôn môi đóng, hôn môi mở… Mỗi kiểu hôn lại gắn với những ý nghĩa xã hội khác nhau và dành cho những đối tượng khác nhau.

Việc nghiên cứu về lịch sử nụ hôn đã bắt đầu từ thế kỷ 19 và thậm chí còn hình thành hẳn một chuyên ngành có tên “Philematology”, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học nổi tiếng.

Tại sao chúng ta lại... hôn môi?


Ngoài ra, cũng còn có một giả thuyết khác khá hài hước rằng nụ hôn bắt nguồn từ hành động… ngửi. Người tiền sử xưa kia thường nhận ra nhau, chào nhau, thể hiện sự quan tâm tới nhau bằng cách ngửi mùi của nhau.

Các nhà khoa học cho rằng có lẽ nhiều người tiền sử khi đang thực hiện hành động ngửi đã vô tình chạm môi nhau, trực giác liền mách bảo họ rằng hành động này thật thú vị, và thế là nụ hôn ra đời.

Tại sao chúng ta lại... hôn môi?


Ở các nước Á Đông, dù nụ hôn có được phản ánh trong nhiều bức tranh xuân tình cổ xưa, là bằng chứng cho thấy cộng đồng cư dân ở đây đã biết tới nụ hôn từ lâu nhưng người Á Đông không bao giờ hôn một cách công khai.

Thậm chí, ngay cả tới hôm nay, ở nhiều quốc gia Á Đông, hôn nhau ở nơi công cộng vẫn bị coi là một hành động gây phản cảm đối với những người xung quanh.

Ở các nước phương Tây, nụ hôn từ lâu đã là một hành động đẹp, mang đầy tính văn hóa, nhưng đối với người phương Đông, khi sự kín đáo, ý nhị được đề cao, nụ hôn thường được dành cho những giây phút riêng tư.

Có một câu chuyện thú vị là ở Nhật Bản, vào đầu thế kỷ 20, khi bức tượng “Nụ hôn” của nhà điêu khắc người Pháp Auguste Rodin được đem trưng bày tại một triển lãm, nó đã bị đặt sau một... bức trướng.

Bích Ngọc
Tổng hợp