Tại sao các nhân vật hoạt hình kinh điển đều… mồ côi mẹ
(Dân trí) - Bạch Tuyết, Lọ Lem, nàng Belle, sư tử Simba, nai Bambi… Rất nhiều nhân vật hoạt hình đồng hành cùng tuổi thơ đều có một điểm chung bi kịch, đó là mồ côi mẹ. Lý giải nằm ở câu chuyện buồn ít biết, từng xảy ra trong cuộc đời nhà làm phim huyền thoại Walt Disney.
Người xem hoạt hình Disney đã từng đau lòng khi chứng kiến cái chết của sư tử Mufasa trong phim hoạt hình “Vua sư tử”, hay cái chết đau lòng của mẹ chú nai Bambi trong bộ phim hoạt hình cùng tên, ngoài ra, những nàng công chúa Disney như Bạch Tuyết, Lọ Lem, nàng Belle, nàng tiên cá Ariel… cũng đều mồ côi mẹ.
Điểm lại nhiều nhân vật hoạt hình nổi tiếng của Disney, có thể thấy một điểm chung bi kịch, đó là các nhân vật này đều mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc mồ côi mẹ. Lý do đằng sau điểm chung này nằm ở một câu chuyện bi kịch riêng tư khác trong cuộc đời nhà làm phim huyền thoại Walt Disney…
Lý do khiến nhiều nhân vật hoạt hình của Disney chịu cảnh mồ côi bắt đầu từ một câu chuyện buồn có thật trong cuộc đời nhà làm phim Walt Disney.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ tạp chí Glamour, nhà làm phim của hãng Disney - ông Don Hahn - đã tiết lộ một câu chuyện buồn bã ít biết trong cuộc đời của Walt Disney. Đó là hồi cuối thập niên 1930, lúc này sự nghiệp của Walt Disney đã thành công, ông muốn mua cho cha mẹ mình một ngôi nhà mới.
Nhưng rồi bi kịch đã xảy ra: “Walt Disney đã yêu cầu những nhân viên kỹ thuật của hãng phim tới sửa lò sưởi đốt bằng khí gas trong ngôi nhà mới của cha mẹ mình. Nhưng hỏng hóc vẫn chưa được sửa chữa triệt để, khí gas bị rò rỉ, khiến mẹ của Walt Disney qua đời.
“Người giúp việc của gia đình đến làm vào sáng hôm sau đã kéo cha mẹ Walt Disney từ trong nhà ra ngoài sân. Sau vụ việc đó, chỉ có cha của Walt Disney là còn sống sót, mẹ của ông qua đời vì bị ngạt khí quá nặng. Trong suốt cuộc đời mình về sau, Walt Disney không bao giờ nói lại về sự việc này, nhưng câu chuyện đó đã âm thầm ám ảnh ông suốt phần đời còn lại.
“Từ tận sâu trong lòng mình, Walt Disney luôn cảm thấy trách nhiệm thuộc về mình, bởi chính ông đã mua cho cha mẹ căn nhà đó, đã yêu cầu những nhân viên kỹ thuật không thực sự hiểu về cơ chế hoạt động của lò sưởi đốt bằng khí gas, tới sửa chữa hỏng hóc giúp cha mẹ mình”.
Những nhân viên làm việc thường xuyên với Walt Disney đều hiểu rằng ông rất yêu thương mẹ và cái chết của bà khiến ông bị dằn vặt.
Bà Flora Call Disney - mẹ của Walt Disney - qua đời năm 1938. Sau thành công của phim hoạt hình “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” ra mắt hồi năm 1938, Walt Disney muốn dành tặng cho cha mẹ một căn nhà mới nằm ở khu North Hollywood, gần trụ sở của hãng phim Disney, ở thành phố Burbank, bang California, Mỹ.
Gần một tháng sau khi chuyển vào sống trong nhà mới, bà Flora phàn nàn với con trai rằng dường như có vấn đề với lò sưởi đốt bằng khí gas. Nhân viên kỹ thuật của hãng phim đã được cử tới nhà để giúp sửa chữa lò sưởi, nhưng vấn đề đã không được xử lý triệt để.
Trong một lá thư viết cho con gái (tức em gái của Walt Disney), bà Flora đã rất khen ngợi ngôi nhà nhưng có phàn nàn về việc lò sưởi tỏa ra mùi gây khó chịu. Vài ngày sau đó, trong một đợt rò rỉ khí mạnh hơn, bà Flora đã qua đời vì bị ngạt khí ở tuổi 70.
Thực tế, bên cạnh lý giải về bi kịch gia đình của Walt Disney, còn có một cách giải thích thứ hai về việc nhiều nhân vật hoạt hình của Disney có tuổi thơ côi cút, là bởi chi tiết này giúp đẩy nhanh chuyện phim, để các nhân vật chính phải chịu áp lực của sự trưởng thành. Phim hoạt hình Disney ban đầu thường chỉ dài 80-90 phút, họ không thể để chuyện phim diễn tiến chậm.
>> 7 bài học cuộc đời từ huyền thoại hoạt hình Walt Disney
>> Những sai lầm kinh điển chỉ vì… “nhìn bìa sách, đoán nội dung”
>> Tại sao các nhân vật hoạt hình chính diện không có… móng tay?
Bích Ngọc
Theo Glamour