Gia Lai
Tái hiện hội Hát cầu huê hơn 50 thất truyền
(Dân trí) - Ngày 13/2, tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai (TP Pleiku, Gia Lai) đã diễn ra lễ tái hiện lại hội Hát cầu huê của người Việt vùng An Khê (Gia Lai), trong dịp lễ hội Tế Xuân của người Việt vùng An Khê. Đây là lễ hội đã thất truyền hơn 50 năm qua.
Từ nửa đầu thế kỷ XX về trước, hội Hát cầu huê trong khuôn khổ lễ hội Tế Xuân (Quý Xuân) là lễ hội lớn nhất trong các hoạt động lễ hội của người Việt ở An Khê. Trung tâm tổ chức lễ hội là ấp Tây Sơn Nhất (thôn An Lũy, nay là tổ 14, phường Tây Sơn, TX An Khê, Gia Lai). Thời điểm chính là ngày 10/2 âm lịch hàng năm.
Nội dung lễ hội nhằm thể hiện rõ nét nhất tinh thần đoàn kết Kinh- Thượng trong buổi đầu người Kinh tiến lên lập nghiệp trên vùng sơn nguyên phía tây tổ quốc- vùng đất An Khê ngày nay. Lễ hội gồm có: khu vui chơi, giao lưu của người Kinh và người Thượng; khu vực chợ Kinh- Thượng; khu vực hát cầu huê (gồm hát bội, hát bài chòi, hát giao duyên, cồng chiêng…). Nhằm tạo một không gian du xuân vui tươi lành mạnh, gây ấn tượng sâu sắc về lễ hội mùa xuân cho người dân Gia Lai.
Hội hát Cầu huê sau hơn 50 năm thất truyền nay được tái hiện
Không chỉ vậy, hơn 50 năm qua, lễ hội này gần như không còn tồn tại, đặc biệt là hoạt động của khu vực chợ Kinh- Thượng tại Gò Chợ đã mất hẳn. Hiện nay, ở An Khê chỉ còn 3 cụ đã được chứng kiến lễ hội này và các cụ đã trên 80 tuổi.
Gian hàng của người Thượng được nhiều người ưa thích
Trước nguy cơ mai một của một lễ hội đặc sắc, các ban ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu phục dựng lại nét văn hóa đặc sắc này của người dân nhằm ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đoàn kết Kinh- Thượng.
Gian hàng của người Kinh
Lễ hội đã thu hút rất nhiều người dân tham dự, đặc biệt là trẻ em. Các bé rất hứng thú với những thứ rất đơn giản từng gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam như: cối giã gạo, cối xay lúa… cùng các trò chơi dân gian, khiến lễ hội càng mang nhiều ý nghĩa về tính nhân văn.
Một số hình ảnh khác của lễ hội:
Thiên Thư