Hội An:

Tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương gia người Nhật

(Dân trí) - Lần đầu tiên thành phố Hội An tổ chức tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro trong hai ngày 15 và 16/8. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 14”.

Một đám cưới được diễn ra cách đây gần 400 năm được tái hiện lại trong không gian phố cổ Hội An. Hình ảnh Công Nữ Ngọc Hoa cùng chồng ngồi trên thuyền trở về Nagasaki nhưng đôi mắt vẫn luôn hướng về đất mẹ Việt Nam là một hình ảnh cảm động thường được các bạn Nhật tái hiện trong lễ hội Okunchi tổ chức tại Nagasaki.

Tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương gia người Nhật - 1
Lần đầu tổ chức đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa và thương gia Nhật Bản Araki Sotaro
Lần đầu tổ chức đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa và thương gia Nhật Bản Araki Sotaro

Công Nữ Ngọc Hoa là con của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1619 bà được gả cho Araki Sotaro - thương gia Nhật thường buôn bán tại Cảng thị Hội An vào những năm đầu của thế kỷ 17.

Tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương gia người Nhật - 3
Mỗi bước chân bà đều tưởng nhớ về đất mẹ Việt Nam
Mỗi bước chân bà đều tưởng nhớ về đất mẹ Việt Nam

Năm 1620, bà theo chồng về sinh sống ở đất nước Mặt Trời mọc. Theo truyền tụng, khi về sinh sống tại Nhật Bản, bà đã dạy các điệu múa nước mình cho người Nhật, có công chẩn tế, xây chùa, dạy nấu nướng…

Tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương gia người Nhật - 5
Múa rước đưa bà về nhà chồng Nagasaki Nhật Bản
Múa rước đưa bà về nhà chồng Nagasaki Nhật Bản

Nhờ những đức tính cũng như phẩm giá đáng quý của người phụ nữ Việt Nam, Công Nữ Ngọc Hoa được người Nhật yêu quý, kính trọng, gọi bằng tên thân mật là Anio. Vì thế việc giao thương giữa Hội An và Nhật Bản cũng trở nên tốt đẹp hơn, mối quan hệ giữa hai nước cũng được gắn kết.

Tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương gia người Nhật - 7
Cuộc hôn nhân được xem như nhịp cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại
Cuộc hôn nhân được xem như nhịp cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại

Năm 1635, sau khi chồng mất bà vẫn tiếp tục giúp đỡ và hỗ trợ cho nhiều thương nhân buôn bán tại Nagasaki, thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với triều đình nhà Nguyễn. Năm 1645, Công Nữ Ngọc Hoa qua đời để lại những dấu ấn văn hóa tốt đẹp cho người Nhật cũng như mối quan hệ giao thương tốt đẹp cho đất nước Việt Nam.

Tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương gia người Nhật - 9
Tái hiện đám cưới Công Nữ Ngọc Hoa với thương gia người Nhật - 10
Đám rước qua các con phố
Đám rước qua các con phố

Viện Bảo tàng nghệ thuật Nagasaki hiện vẫn còn trưng bày chiếc gương soi của Công Nữ Ngọc Hoa. Sau khi qua đời, bà được chôn cất tại Đại Âm tự nằm ngay trung tâm thành phố Nagasaki.

Đám rước Công Nữ Ngọc Hoa

Câu chuyện hôn nhân giữa Công Nữ Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro được xem như nhịp cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản từ quá khứ đến hiện tại. Tại Hội An, hiện nay cũng có con đường mang tên Công Nữ Ngọc Hoa chạy dọc sông Hoài từ cầu gỗ nhỏ trước Chùa Cầu đến Quảng trường sông Hoài.

C.Bính.N.Linh