Tái hiện "chợ sách" - một nét văn hóa của Hà Nội xưa

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Tại sự kiện đậm sắc văn hóa này sẽ có nhiều hoạt động kết nối giữa sách với cộng đồng và sẽ được tổ chức trang trọng trong không gian văn hóa thuần Việt, nhất là tạo lại đường nét văn hóa Hà Nội xưa.

Từ ngày 16-18/4, tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám sẽ diễn ra sự kiện Một nét văn hóa Hà Nội. Sự kiện đậm sắc văn hóa này sẽ có nhiều hoạt động để kết nối giữa sách với cộng đồng và sẽ được tổ chức trang trọng trong sự đậm đà bản sắc văn hóa thuần Việt, nhất là tạo lại đường nét văn hóa Hà Nội xưa.

BTC mong muốn lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống để từ đó khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, tự tôn truyền thống. Tại đây, khách tham dự sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc với những hoạt động như làm giấy gió, làm cốm…, tìm kiếm những giá trị văn học tưởng như đã bị mài mòn qua những cuốn sách cũ, sách cổ được bày bán. Một góc nào đó tại sự kiện, văn hóa Tết cổ xưa của Hà Nội được tái hiện qua những món ăn cổ truyền, cành đào, góc phố.

Tái hiện chợ sách - một nét văn hóa của Hà Nội xưa - 1

Ấn phẩm Kim Vân Kiều in số lượng 100 bản trên giấy dó, có hộp sơn mài.

Ông Hà Huy Chiến, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, cố vấn của chương trình chia sẻ: "Phiên chợ sách theo kế hoạch sẽ là một sự kiện thường xuyên nhằm tạo thói quen, thông lệ cho độc giả. Theo nghiên cứu tìm hiểu của chúng tôi, từ Đông sang Tây, tại thủ đô các nước trên thế giới như từ Bắc Kinh, tới Moskva, Madrid…đều có các phiên chợ sách... Chính vì thế, chúng tôi đã động viên các đơn vị tổ chức sự kiện này. Muốn độc giả thích sách, phải có sự kiện để kéo độc giả đến nơi có sách, chung tay phát triển văn hóa đọc của người Hà Nội nói riêng và văn hóa đọc người Việt nói chung".

Tái hiện chợ sách - một nét văn hóa của Hà Nội xưa - 2

Ông Hà Huy Chiến, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, cố vấn của chương trình...

Tái hiện chợ sách - một nét văn hóa của Hà Nội xưa - 3

BTC mong muốn lưu truyền những giá trị văn hóa truyền thống để từ đó khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, tự tôn truyền thống.

Đánh giá về sự kiện, nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng: "Vài ngày nữa sẽ tới Ngày Sách Việt Nam 21/4 tôn vinh văn hóa đọc. Nói văn hóa đọc ngày nay, chúng ta có thể đọc sách qua mạng, nhưng điều tôi muốn nói ở đây đó là cách tiếp cận cổ điển truyền thống: sách in.
 
Lĩnh vực này có lúc từng băn khoăn với câu hỏi: Sách đọc có còn vị trí trong đời sống hay không? Nhưng thực tế cho thấy đời sống của sách ngày càng phong phú, dù ngôn ngữ phương tiện số ngày càng phát triển mạnh. Sách tích hợp truyền tải giá trị văn hóa nghệ thuật đồng thời thể hiện ngôn ngữ viết, vẽ. Và quan trọng sách đòi hỏi ta phải nâng niu, đòi hỏi đầu tư hơn cho cuốn sách. Sách hiện nay ngày càng đẹp, đến với chúng ta thực sự là tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Đó thực sự là nỗ lực của giới làm sách".
Tái hiện chợ sách - một nét văn hóa của Hà Nội xưa - 4

Nhà Sử học Dương Trung Quốc.

Trong khuôn khổ Một nét văn hóa Hà Nội, các sự kiện sẽ được tổ chức thường xuyên và theo chủ đề. Phiên chợ sách đầu tiên diễn ra từ 16 - 18/4 tới chủ yếu trưng bày các dòng sách quý được làm bằng chất liệu giấy dó, truyền thống. Sau đó, tới tháng 6/2021 là chủ đề về sách thiếu nhi với các bộ sưu tập theo chủ đề này.