Tác giả “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình” nổi tiếng qua đời

(Dân trí)- Stanley Karnow, phóng viên chiến trường từng gắn bó với Việt Nam trong cuộc chiến ác liệt đã qua đời ngày 27/1, thọ 87 tuổi. Các tờ báo lớn của Mỹ đều đồng loạt đưa tin về sự ra đi của ông - một tác gia lớn trong ngành báo chí - xuất bản Mỹ.

Stanley Karnow

Stanley Karnow

Trong sự nghiệp của mình, những thành tựu lớn nhất mà Karnow đạt được gói gọn trong thập niên 1980 với 2 tác phẩm quan trọng là “Vietnam: A History” (1983) và “In Our Image: America's Empire in the Philippines” (1989). Hai tác phẩm này được đánh giá là những tác phẩm đỉnh cao trong sự nghiệp của nhà sử gia - nhà báo Stanley Karnow. Cuốn “In Our Image: America's Empire in the Philippines” đã đạt giải Pulitzer dành cho tác phẩm lịch sử.

Ngoài ra, Karnow còn nổi tiếng với hàng loạt những tác phẩm khác khắc hoạ chân dung của nhiều quốc gia trong các thời kỳ khác nhau như “Mao and China” (tập 1: 1972, tập 2: 1984), cuốn “Paris in The Fifties” (1997). Phong cách viết của Karnow là sự tổng hợp của việc đưa tin trực tiếp, đánh giá cá nhân và tôn trọng lịch sử.

Nhờ tính chính xác của tác phẩm “Vietnam: A History” - tác phẩm phân tích, khắc hoạ lại cuộc chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, nó đã được tin tưởng sử dụng để dựng nên bộ phim tài liệu của hãng PBS với tựa đề “Vietnam: A Television History” (1983). Loạt phim tài liệu dài tập này khi đó đã giành được 6 giải Emmy (giải thưởng trao cho các chương trình truyền hình xuất sắc của Mỹ) và trở thành bộ phim tài liệu được nhiều người xem nhất thời bấy giờ với khoảng 9,7 triệu lượt xem mỗi tập.

Về sự ra đi của Karnow, được biết trước đó ông đã mắc bệnh tim, theo lời của con trai ông, anh Michael Karnow, ông đã qua đời trong giấc ngủ vì một cơn nhồi máu cơ tim.

Từng là phóng viên của nhiều tờ báo lớn tại Mỹ như Time, Washington Post và có các đầu sách được những nhà xuất bản uy tín đứng ra phát hành, Karnow là một trong những phóng viên đầu tiên của Mỹ trực tiếp đến Việt Nam đưa tin về cuộc chiến hồi cuối thấp niên 1950 khi Mỹ bắt đầu tham chiến tại miền Nam Việt Nam.

Đồng nghiệp của ông - nhà báo Morley Safer, phóng viên kỳ cựu của hãng tin CBS News cũng từng tới Việt Nam đưa tin về cuộc chiến, nhận định rằng Karnow là hiện thân của “cây bút kỳ cựu và khôn ngoan khi viết về đề tài Châu Á”. Karnow nổi tiếng vì sự chính xác trong bất cứ tác phẩm nào, dù là một bài báo hay một cuốn sách. Người ta không thể “bẻ gẫy” các lập luận của ông vì trước đó, Karnow luôn dày công tìm hiểu thông tin, kiểm tra và đối chứng.

Là một tác giả có những bình luận và phản ánh trung thực về cuộc chiến tranh tại Việt Nam, từng phản đối dữ dội cuộc chiến tranh phi nghĩa này, nhưng ban đầu Karnow vẫn là một người cổ vũ cho cuộc chiến. Lập trường của ông đã thay đổi dần dần khi trực tiếp quan sát cuộc chiến tại Việt Nam.

Sau này, khi được mời tư vấn cho chính sách của Mỹ đối với Afghanistan, Karnow đã liên tưởng về sự tương đồng của hai cuộc chiến, tại Afghanistan và tại Việt Nam: “Chúng ta chưa học được gì từ cuộc chiến tại Việt Nam hay sao? Chúng ta đã học được rằng: Ngay từ đầu đã không nên có mặt ở đó”.

Từ khi còn học trung học, Karnow đã thể hiện thiên hướng báo chí của mình khi ông luôn là người viết lời dẫn cho chương trình phát thanh và là biên tập cho tờ báo giấy của trường. Tại trường Đại học Harvard danh tiếng, ông học chuyên ngành văn học và lịch sử Châu Âu, đồng thời là cây bút thường xuyên cộng tác với tờ Crimson - tờ báo riêng của trường.

Năm 1958, khi đã làm cho tạp chí Time, ông được cử tới Hong Kong với vai trò trưởng đại diện của báo tại khu vực Đông Nam Á. Ngay khi đó, ông đã tới Việt Nam để đưa tin. Giống như nhiều người trẻ khác, ban đầu ông ủng hộ cuộc chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam với niềm tin vào “học thuyết domino”, rằng nếu để chủ nghĩa cộng sản thắng lợi ở Việt Nam thì dần dần những nước lân cận cũng sẽ đi theo chủ nghĩa cộng sản.
 

Stanley Karnow



Cuốn sách vĩ đại trong sự nghiệp của ông - “Vietnam: A History” cho tới nay, sau hàng thập kỷ, vẫn là một tài liệu quan trọng, được sử dụng trong công tác dạy và học tại các khoa lịch sử.

Douglas Pike, một thành viên cấp cao trong bộ máy chính quyền Mỹ đặt tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đã từng viết trên tờ New York Times về tác gia Karnow rằng: “Ông ấy có một nhãn quan sắc bén và tinh tế trước những phút giây lịch sử, một đôi tai thính nhạy, một đầu óc phân tích thông minh trước những phát ngôn, tác phẩm của ông chính là cuốn sách hạng nhất cho những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam”.

 
Pi Uy
Theo LA Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm