Tác giả “Thời hoa đỏ” ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn…

(Dân trí) - “Mỗi câu thơ là nỗi mộng mơ, cũng là niềm day dứt về mối tình dang dở, giữa màu hoa đỏ, mãi luôn “diệu kì” trong ký ức. “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Thanh Tùng, đã gắn bó thiết tha với thời tuổi trẻ của chúng tôi”, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang trải lòng.

Nghe lại ca khúc "Thời hoa đỏ" qua tiếng hát NSND Thái Bảo.

Mỗi mùa hoa đỏ về

hoa như mưa rơi rơi

cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi

như nuối tiếc một thời trai trẻ

...

Sau bài hát rồi em lặng im

cái lặng im rực màu hoa đỏ

Sau bài hát rồi em vẫn thế

Em Của Màu Hoa Đỏ Ngày Xưa

Sau bài hát rồi anh cũng thế

Anh của thời trai trẻ ngày xưa”

“Thời hoa đỏ” đã đi vào tâm hồn bao thế hệ học sinh, sinh viên mộng mơ, xao xuyến và ám ảnh như thế.

Bài thơ được nhà thơ Thanh Tùng viết vào khoảng năm 1972 và theo Thanh Tùng là khi ấy cuộc hôn nhân của ông cùng người vợ ở Hải Phòng vừa đổ vỡ. Ông viết để kỷ niệm mối tình với người vợ đầu của ông ở Hải Phòng đã chia tay ông đi lấy người khác ở Quảng Ninh. Tuy chia tay nhau nhưng Thanh Tùng vẫn yêu thương người vợ cũ. Khi nghe tin bà mất, ông tức tốc xuống Quảng Ninh viếng bà. Nỗi bi thương về cuộc tình đã trở thành nguồn cảm hứng cho bài thơ “Thời hoa đỏ” ra đời.

Nghe tin nhà thơ Thanh Tùng đã trở về cát bụi, nhiều độc giả cũng như bạn bè, văn nghệ sĩ không khỏi tiếc thương. Vì thế, bài “Thời hoa đỏ” cũng như bài hát do nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc cũng được tìm nghe lại…

Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang: “Thơ Thanh Tùng là những hoài niệm”

Thời học sinh, sinh viên của thế hệ 7X, 8X, trong cuốn sổ tay, không thể thiếu bài thơ “Thời hoa đỏ” của Nhà thơ Thanh Tùng. Mỗi câu thơ là nỗi mộng mơ, cũng là niềm day dứt về mối tình dang dở, giữa màu hoa đỏ, mãi luôn “diệu kì” trong ký ức. “Thời hoa đỏ” của nhà thơ Thanh Tùng, đã gắn bó thiết tha với thời tuổi trẻ của chúng tôi.

Khi trưởng thành hơn, được nghe bài hát “Hà Nội ngày trở về” của nhạc sĩ Phú Quang phổ từ bài “Hà Nội” của nhà thơ Thanh Tùng, mới thấy thấm thía nỗi lòng của người đã mang niềm yêu phố, mà rời xa phố.

“Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân

Mỗi khi tôi thấy mình xơ xác

Tôi lại về đánh cắp

Dẫu một chút bóng đêm trên đường phố Khâm Thiên…”

Thơ Thanh Tùng là những hoài niệm, là tâm hồn, và cũng là những câu chuyện kể về cuộc đời ông. Thanh Tùng sao, thì thơ của ông như vậy. Mỗi tứ thơ, là sự hòa quyện của sâu sắc của chiều sâu văn chương mơ mộng đậm chất thành Nam, cùng sự khí khái mạch lạc thẳng băng tính cách người dân đất Cảng.

Giữa cuộc đời, ông sống giản dị chân tình, vì vậy, cũng nhận về sự thương mến của bạn hữu, đồng nghiệp. Ông say mê với đời, vui với con người, với những xúc cảm tuôn đầy, cho đến năm tháng cuối cùng đời người. Nhà thơ Thanh Tùng ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn, nhưng những vần thơ ông để lại, sẽ mãi mãi ở trong lòng người đọc.

Nhà thơ Thanh Tùng qua đời tối ngày 12/9, hưởng thọ 83 tuổi.
Nhà thơ Thanh Tùng qua đời tối ngày 12/9, hưởng thọ 83 tuổi.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha: “Thanh Tùng luôn hồn nhiên và lạc quan”

Thanh Tùng là nhà thơ đích thực, là người không tranh giành nổi tiếng, sống lặng lẽ. Ông có những chùm thơ “gây sốc” sau hậu chiến như “Thời hoa đỏ”…

Thanh Tùng ở Hải Phòng lâu và có những bài thơ về Hải Phòng rất hay, rất cảm động. Khi rời Hải Phòng vào Sài Gòn, ông đã viết: “Tôi có khóc đâu mà gió ướt…”. Khi vào Sài Gòn, nơi không gian mới, Thanh Tùg lại khám phá, có nguồn cảm hứng viết những vần thơ rung động lòng người.

Có thể nói, Thanh Tùng là nhà thơ hồn nhiên, lạc quan; mọi nỗi buồn đều lắng ở trong để đem đến cho đời những hương vị đẹp nhất.

“Thời hoa đỏ” là bài thơ hay và nổi tiếng nhất của nhà thơ Thanh Tùng đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc. Năm 1993, bài hát này được giải thưởng Nguyễn Bỉnh Khiêm và năm 1995 được giải thưởng của Hội Âm nhạc Việt Nam.

Cách đây nửa tháng, tôi có ngồi cùng Thanh Tùng ở Sài Gòn. Khi ấy anh cũng yếu rồi. Trước lúc chia tay, tôi có viết mấy câu thơ về anh và gửi lại cho con gái của anh:

“Không tranh giành nổi tiếng

Lặng lẽ chạy đường trường

Thơ thời chiến rơm rớm

Thơ thời bình rưng rưng

Bền bỉ chạy đến cùng

Tới đích cùng số phận

Đời khắc tên Thanh Tùng

Mãi mãi vào bất tận… ”

Vĩnh biệt nhà thơ Thanh Tùng!

Nguyễn Hằng