Tác giả "Ni cô Đàm Vân" qua đời

(Dân trí) - Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, tác giả của những vở kịch nổi tiếng như "Cà sa giết giặc", "Ni cô Đàm Vân", “Lúa mùa thu”..., cụ thân sinh của nhà văn Chu Lai đã từ trần tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội lúc 14h56 ngày 6/5, thọ 102 tuổi.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà văn Chu Lai, con trai nhà văn, nhà viết kịch Học Phi cho biết nhà văn Học Phi từ trần vào lúc 14h56 ngày 6/5 tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội vì tuổi cao sức yếu.
 
“Cụ ra đi như ngọn đèn cạn dầu, đi rất êm. Khi cụ nhắm mắt, tất cả các con cháu đều ở cạnh nhưng cụ cũng không nói được lời nào”, nhà văn Chu Lai nói.
 
Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi qua đời, hưởng thọ 102 tuổi

Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi qua đời, hưởng thọ 102 tuổi

Nhà văn Chu Lai cho biết, trước khi đổ bệnh cha mình đang viết dở kịch bản phim, trích từ cuốn tiểu thuyết với tên gọi Âm vang Bãi Sậy. Con trai nhà viết kịch Học Phi chia sẻ, cũng may là đã kịp tổ chức mừng thọ cha 100 tuổi năm 2012 và hội nghệ sỹ sân khấu cũng công diễn lại vở Ni cô Đàm Vân như món quà mừng…

Theo nhà văn Chu Lai, tang lễ của nhà văn, nhà viết kịch Học Phi được cử hành vào 7h sáng ngày 12/5 (tức 14/4 ÂL) tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông và sẽ mai táng cùng ngày tại nghĩa trang Mai Dịch.

Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, quê ở Tam Nông, Tiên Lữ, Hưng Yên và tham gia cách mạng và viết văn từ rất sớm. Sự nghiệp của ông đến nay bao gồm hơn 30 vở kịch và 9 cuốn tiểu thuyết.
 
Tác phẩm đầu tay ông viết năm 1936 là tiểu thuyết Hai làn sóng ngược, dựa trên vở kịch ngắn cùng tên của Nguyễn Văn Năng, sau đổi tên thành Xung đột đăng trên báo Đời Nay.
 
Nhà văn Chu Lai luôn dành cho cha mình những lời yêu thương hóm hỉnh và kính trọng

Nhà văn Chu Lai luôn dành cho cha mình những lời yêu thương hóm hỉnh và kính trọng
 
Năm 1944, ông bắt đầu viết kịch, vở kịch đầu tay là Đào Nương. Các vở kịch ngắn về sau có thẻ kể tới Chị Hòa, Bên đường dốc, Một đảng viên, Lúa mùa thu, Mở đường, Mai... đã gây được tiếng vang lớn.
 
Năm1976, sau khi nghỉ hưu ông làm bạn với văn chương và viết được những cuốn tiểu thuyết Ngọn lửa, Hừng đông, Xuống đường, Bà đốc Huệ, Cuộc đời về cuối. Từ các cuốn tiểu thuyết, ông lại rút ra một số vở kịch như Ni cô Đàm Vân, Cô hàng rau, Hừng đông, Hoàng Lan, Đêm dài...
 
Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi từng là Tổng thư ký Văn hoá kháng chiến Liên khu III, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam và Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 1).
 
Các con của ông là nhà văn Chu Lai và nhà văn Hồng Phi. Con dâu ông, Vũ Thị Hồng, cũng là một nhà văn và hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Nguyễn Hằng