Tác giả lên tiếng việc đẩy Khánh "Thương ngày nắng về" vào tận cùng bi kịch
(Dân trí) - Nguyễn Thủy - biên kịch phim "Thương ngày nắng về" chia sẻ: "Đó là những đoạn dài, nặng nề uất ức, và khi làm về giai đoạn này, bản thân tôi cũng nặng lòng, có lúc muốn phát điên".
Bộ phim Thương ngày nắng về với cuộc hôn nhân bi kịch của nhân vật Khánh (Lan Phương thủ vai) nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Ngoài việc phải sống chung với một người chồng nhu nhược, thất bại, Khánh còn phải chấp nhận việc bị mẹ chồng khinh rẻ, bòn rút, bị chị chồng mạt sát chỉ vì cô đã mang thai trước khi cưới.
Đỉnh điểm mâu thuẫn gia đình Khánh là khi chị chồng dàn cảnh cho nhân tình cưỡng bức Khánh để ép vợ chồng cô ly hôn. Phân cảnh Khánh trở về sau khi bị cưỡng bức, đối diện với sự chì chiết của mẹ chồng, sự nghi ngờ của chồng khiến khán giả không khỏi phẫn nộ.
Nhiều người bức xúc vì đạo diễn và biên kịch đã dồn lên nhân vật Khánh quá nhiều bi kịch. Là tác giả chính của kịch bản phim Thương ngày nắng về, chị Nguyễn Thủy đã có những chia sẻ về việc này.
Nguyễn Thủy cho hay, chị không ngạc nhiên khi khán giả phản ứng gay gắt về số phận của nhân vật Khánh:
"Trong mười mấy năm làm nghề, tôi không có nhiều những thời điểm lo lắng đến thế, khi một tập phim phát sóng.
Vì tôi biết kịch bản thế nào, vì đạo diễn từng nói anh phát điên phát khóc trong phòng dựng thương cho Khánh, và vì chính bản thân tôi, một chiều thứ 7 ở phòng hậu kì xem tập phim, đã lặng đi rất lâu vì uất ức, xót xa, dồn nén, bất lực… Cho dù chúng tôi có là người tham gia tạo ra câu chuyện đi chăng nữa, cảm giác đó vẫn dâng lên ngột ngạt, thì huống hồ gì là khán giả?".
Nguyễn Thủy chia sẻ, nhóm biên kịch phim đã cân nhắc rất nhiều khi đặt quá nhiều bi kịch cho nhân vật Khánh:
"Năm ngoái, trong lúc chạy chuyện, nhóm nội dung bàn tình huống với nhau, khi đến đây thì có phần khựng lại, nói thế này thì thương cho Khánh quá. Đêm ấy, tôi nghĩ về Khánh thôi, đã chảy cả nước mắt.
Vậy rồi thì có làm không? Cân nhắc, bàn luận, phân tích. Rồi chúng tôi vẫn làm".
Theo lời nữ biên kịch, việc nhân vật Khánh phải chịu nhiều tổn thương, bi kịch là điều tất yếu:
"Đi đến cùng nỗi bất hạnh của một người phụ nữ như Khánh, không phải đợi khi khán giả phản ứng là "này các bạn làm quá rồi", thì chính chúng tôi cũng đã luôn đặt câu hỏi "có nhất thiết thế này không?", "liệu có lựa chọn khác không?", vì hơn ai hết, thứ chúng tôi mong muốn là một câu chuyện đến được yêu thương, được đồng cảm, được ủng hộ chứ không phải là phản đối hay chê trách.
Nhưng là một người làm nghề, chúng tôi cũng muốn khai thác tới cùng, muốn "tới nơi tới chốn", muốn cho nhân vật có một hành trình dẫu tận cùng cay đắng, thì thứ hạnh phúc sau này họ nhận được, cũng sẽ thật lòng xứng đáng…
Trường đoạn dài về số phận Khánh, là trường đoạn nhóm biên kịch đã viết rất cảm xúc. Đó là những đoạn dài, nặng nề uất ức, và khi làm về giai đoạn này, bản thân tôi cũng nặng lòng, có lúc muốn phát điên…
Rất lâu rồi, mình mới có cơ hội làm một dự án như trong Thương ngày nắng về, khi một cặp đôi ly hôn không phải vì hết yêu, không phải vì người thứ ba nào cả. Vì, "giặc bên Ngô" và bà mẹ chồng kinh khủng, nhưng không phải chỉ có thế; mà trước hết, còn vì ở đó, có một người chồng mãi không trưởng thành và một người vợ không biết thu xếp, cân bằng cuộc sống đầu tiên.
Giọt nước tràn ly có to thế nào đi chăng nữa, thì lý do lớn nhất, vấn đề lớn nhất, vẫn luôn nằm ở 2 đương sự, những người chịu trách nhiệm, những người lãnh hậu quả, và những người trả giá khi hôn nhân tan vỡ".
Nguyễn Thủy cũng gửi lời cảm ơn những khán giả đã quan tâm tới bộ phim. Chị khẳng định cảm xúc của khán giả dành cho nhân vật, cho phim luôn là động lực để ê-kíp tiếp tục hoàn thiện trong những bộ phim sắp tới.
Chia sẻ của Nguyễn Thủy nhận được sự quan tâm của rất nhiều khán giả yêu mến phim Thương ngày nắng về. Đặc biệt, nữ diễn viên Lan Phương - người đảm nhiệm vai diễn Khánh cũng để lại bình luận: "Cảm ơn cậu vì đã tạo ra những vết thương cần thiết này để Khánh được mạnh mẽ hơn để sắp xếp lại toàn bộ cuộc đời của mình và cũng để cả Khánh và Phương trưởng thành hơn".