Tác giả bài thơ nổi tiếng "Nói với con" đột ngột qua đời
(Dân trí) - Nhà thơ Y Phương, tác giả bài thơ "Nói với con", "Tiếng hát tháng giêng",… đột ngột qua đời vào 20 giờ 50 phút ngày 9/2 tại Cao Bằng, hưởng thọ 74 tuổi.
Theo thông tin từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tối 9/2, ông nhận được tin nhà thơ Y Phương qua đời từ con rể nhà thơ là họa sĩ, nhà văn Hoàng A Sáng.
Sự ra đi của nhà thơ Y Phương đột ngột, để lại nhiều tiếc thương trong lòng bạn bè, đồng nghiệp giới văn chương. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, ông bàng hoàng khi nghe tin nhà thơ Y Phương qua đời bởi trước Tết, nhà thơ còn đến Hội nhà văn dự sự kiện và còn nói chuyện vui vẻ với mọi người.
Chia sẻ về nhà thơ Y Phương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: "Nhà thơ Y Phương là người dân tộc Tày, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Ông sống ở Cao Bằng rồi theo con về Hà Nội. Và tôi luôn cảm thấy những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng từ núi cao cố hương ông cũng theo ông về chốn đô thành. Những ngọn gió và những câu hát tháng Giêng ấy ban ngày bị chìm khuất trong ồn ĩ của người và xe nơi thành phố, nhưng đêm đêm lại trỗi dậy thổi qua ngôi nhà ông, làm ông nhiều lúc khóc như một cậu bé Tày ba tuổi, và đưa ông về nơi chôn nhau cắn rốn của ông.
Nhiều lúc, ông phải kêu lên trong buồn bã bởi nhớ quê. Nhất là những năm tháng tuổi già ít về được cố hương ông. Nhưng giờ ông đã hoàn toàn được trở về nơi chốn ấy để gặp tổ tiên, ông bà, cha mẹ ông và để chìm đắm trong những câu hát tháng Giêng thánh thiện của xứ sở mình. Xin cúi đầu tiễn biệt ông, một tài năng đặc biệt và một nhân cách lớn".
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức tang lễ cho nhà thơ Y Phương và sẽ có thông báo tới đồng nghiệp và bạn bè ông.
Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước, sinh năm 1948 tại Trùng Khánh, Cao Bằng trong một gia đình dân tộc Tày. Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ quân đội đến năm 1981. Sau đó ông theo học và tốt nghiệp khóa II (1982-1986) Trường Viết văn Nguyễn Du.
Năm 1986, ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng và từ năm 1991 là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin. Từ 1993, ông là Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên BCH, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI.
Hơn 30 năm cầm bút, gia tài văn chương của nhà thơ gồm các tác phẩm tiêu biểu: "Nói với con" (1980), "Người núi Hoa" (1982), "Tiếng hát tháng giêng" (1986), "Lửa hồng một góc" (1987), "Lời chúc" (1991), "Đàn then" (1996), "Thơ Y Phương" (2002), "Thất tàng lồm" (ngược gió, 2006), tập thơ song ngữ, "Chín tháng" (trường ca), "Đò trăng" (trường ca), "Vũ khúc Tày"...
Nhà thơ Y Phương nhận được nhiều giải thưởng như giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải thưởng loại A của Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ "Tiếng hát tháng giêng". Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc - Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ "Lời chúc", Giải B của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam với tập trường ca "Chín tháng" (2001), Giải B của Bộ Quốc phòng với Trường ca chín tháng (2001)…., trong đó cao quý nhất là Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Tác phẩm của Y Phương gắn với chiều sâu thế giới nội tâm của ông. Những vần thơ của Y Phương được khơi nguồn từ sự sống, từ cuộc đời cụ thể, những trải nghiệm của ông. Khi cuộc sống đã trải qua biết bao thăng trầm thì tác phẩm của Y Phương thể hiện triết lí với nhiều trăn trở và suy ngẫm. Quan niệm văn chương của ông hiện rõ điều này: "Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình".
Lễ viếng nhà thơ Y Phương diễn ra từ 16h - 17h ngày 10/2/ 2022 (tức ngày 10 tháng Giêng năm Nhâm Dần) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào 17h cùng ngày. An táng tại quê nhà làng Hiếu Lễ, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Nói với con
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.
Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.