Suy nghĩ từ “liên khúc ba miền làm tan chảy trái tim khán giả”

(Dân trí)- Giữa sự “bùng nổ” của các ca khúc tiếng Anh trên sóng truyền hình, một tiết mục hòa trộn những chất liệu dân tộc với “khói bếp bay lên nhà ai”, với “quê tôi mênh mông lúa mới”, “một thời con nít còn chăn trâu”… đã khiến khán giả bật khóc.

1. Bấy lâu nay, chất liệu dân ca, chất liệu truyền thống vốn đã bị chìm khuất đằng sau sự ồn ào, xô bồ của đời sống thời hội nhập. Trên khắp phương tiện truyền thông, người ta mải miết với những vấn đề đương đại- những vấn đề được cho rằng thiết thực với cuộc sống mới. Sân khấu dân gian, âm nhạc dân gian, văn học dân gian… được xếp vào danh sách những “từ khóa” kén người đọc. Quả thực, cũng kén thật. Chẳng mấy ai còn quan tâm. Người ta thích xem hình ảnh những tòa cao ốc chọc trời, thích đọc về giá vàng “nhảy múa”, thích đọc những vụ án chém giết ly kỳ, thích nghe âm nhạc thời hội nhập ồn ã…. Nhịp sống đương đại với sức mạnh của nó đã lấn át, đã xô đẩy những chất liệu dân gian vào tận đáy đời sống.

Ngay với chương trình Giọng hát Việt- chương trình truyền hình thực tế có sức hút nhất nhì, những bản “Hit” của âm nhạc thế giới cũng thể hiện rõ vị trí “hơn hẳn” của nó. Những ca khúc Việt luôn lép vế. Những ca khúc Việt có chất liệu dân tộc lại càng lép vế hơn. Bởi vậy, khi đội quân nhí của huấn luyện viên Hiền Thục xuất hiện với bộ ba ca khúc Chuồn chuồn ớt (nhạc sỹ Lê Minh Sơn), Về ăn cơm (nhạc sỹ Sa Huỳnh), Bài ca đất phương Nam (nhạc sỹ Lư Nhất Vũ- Lê Giang) đã gây sốt với khán giả.
 
Tiết mục khiến khán giả bật khóc của đội Hiền Thục
Tiết mục khiến khán giả bật khóc của đội Hiền Thục

Bắt gặp lại những ca từ như “khói bếp bay lên nhà ai”, “quê tôi mênh mông lúa mới”, “một thời con nít còn chăn trâu”, “trời xanh, mây trắng soi dòng Cửu Long giang”… khán giả như tìm thấy một khoảng lặng đúng nghĩa. Tiết mục giống như “của độc” giữa không khí ngộp thở của âm nhạc thời hội nhập, truyền hình thời hội nhập.

Rất nhiều người đã khóc.

2. Tiết mục ngay lập tức được báo chí ngợi ca, cư dân mạng truyền tụng, và được đặt tên “tiết mục khiến trái tim khán giả tan chảy”. “Của độc” ấy không chỉ đến từ việc dàn dựng, chọn bài, còn đến từ giọng hát hồn nhiên, hết mình của ba em bé.

Âm nhạc Việt vẫn đi qua giai đoạn bão hòa, xô bồ với nhiều giá trị đảo lộn. Ca khúc đạo, nhái. Ca sỹ hát nhép. Đời sống âm nhạc hỗn loạn với hàng loạt scandal. Một nam ca sỹ nổi tiếng “hiền lành” bỗng bị tống tiền vì đã vay mượn của fan quá nhiều. Một nam ca sỹ bị người yêu đồng giới chơi khăm. Một nam ca sỹ nổi tiếng khác vừa cầm mic, vừa khóc lóc thảm thiết nhưng hóa ra lại đang… hát nhép. Và nhiều nữ ca sỹ bị la ó vì ăn mặc phản cảm trên sân khấu... Những scandal tai tiếng, những ca khúc nhạt nhẽo, những màn trình diễn giả tạo… đã khiến nhạc Việt lâu nay rơi vào suy thoái. Nhắc đến đời sống nhạc Việt là nhắc đến những chuyện thị phi, ồn ào, đạo-nhái.

Bởi vậy, đứng trước phần trình diễn của 3 em bé mặc trang phục dân tộc, hát hết mình, hát hồn nhiên, chân thực, hát say sưa những ca từ sâu lắng, giản dị như thế, người ta có nhiều lý do để xúc động, để khóc.

Những giá trị chân thực bao giờ cũng lay động tận tâm can con người. 
 
 
Xem lại tiết mục của 3 em bé Phương Mỹ Chi, Quang Nhật và Phương Duyên  
 
Âm nhạc dân tộc đang bị "lép vế" giữa đời sống âm nhạc đương đại. Lý do theo bạn?
Cuộc sống hội nhập mang đến nhiều dòng âm nhạc hiện đại, mới mẻ, hấp dẫn người nghe
Âm nhạc dân gian đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với thị hiếu đương đại
  
 
 
H.H