Sức lan tỏa của những siêu phẩm nghệ thuật
(Dân trí)- Từ một bức tranh nổi tiếng, sinh ra một cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi, từ cuốn tiểu thuyết một phim điện ảnh doanh thu triệu đô lại ra đời... Vòng tròn sáng tạo trong nghệ thuật thật thú vị, qua mỗi một góc nhìn nghệ thuật, ta lại có những khám phá mới.
Mona Lisa, bức tranh chân dung được vẽ từ thế kỷ 16 bằng sơn dầu bởi Leonardo da Vinci trong thời kì Phục Hưng của Ý là bức tranh nổi tiếng và mang tính hình tượng nhất trên thế giới.
Bức chân dung nửa người này rất bí ẩn bởi sự mơ hồ trong nét mặt của mẫu, sự huyền ảo của phần nền tranh khiến nó có sức mê hoặc lạ thường. Ít có tác phẩm nghệ thuật nào là chủ đề của nhiều đề tài nghiên cứu, được sao chép và truyền cảm hứng cho nhiều sáng tạo nghệ thuật ở những thể loại khác tới như vậy.
Khuôn mặt nàng Mona Lisa trong tranh khiến người ta không thể chắc chắn rằng nàng có đang cười hay không. Nhìn đôi mắt, nó ánh lên rất nhiều niềm vui, sự lạc quan và yêu đời. Nhưng khoé miệng, đôi môi lại nghiêm nghị đến kỳ lạ. Trong cái miệng đó, ta lại thấy sự hồi hộp, lo lắng trong cái nhếch mép cười. Bộ mặt Mona vừa tươi, vừa nghiêm nghị đã trở thành đề tài bàn cãi trong rất nhiều các cuộc tranh luận.
Mặc dù người mẫu đã được xác định là Lisa del Giocondo, nhưng từ lâu đã luôn tồn tại một giả thuyết khác cho rằng da Vinci đã khắc họa chính chân dung của mình. Cách suy luận này đã khiến các họa sĩ khác thể hiện cách hiểu của mình về nàng Mona Lisa qua những bức tranh chép với nhiều nét biến tấu thú vị và cũng trở nên nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi không kém gì bức tranh gốc.
Năm 1883, bức tranh nàng Mona Lisa hút tẩu thuốc đã được trưng bày tại triển lãm Incoherents ở Paris.
Năm 1919, Marcel Duchamp, một trong những họa sĩ nổi tiếng thuộc trường phái siêu thực đã tạo ra bức tranh chép có tên L.H.O.O.Q., trong đó ông vẽ thêm một bộ ria mép và một chòm râu dê cho “nàng”, và viết một dòng ghi chú thô lỗ bằng tiếng Pháp "Elle a chaud au cul" ám chỉ người phụ nữ trong tranh đang ở tình trạng kích động về tình dục. Đây là một trò đùa đầy ẩn ý ám chỉ lời đồn đại bấy lâu rằng da Vinci bị đồng tính.
Salvador Dalí cũng là một họa sĩ thuộc trường phái siêu thực đã vẽ Self Portrait As Mona Lisa năm 1954.
Năm 1963, Andy Warhol đã tạo ra nhiều phiên bản in lụa của bức Nàng Mona Lisa với cái tên khó hiểu Thirty are Better than One (Ba mươi hơn một).
Bức tranh bí ẩn này cùng với bức Tiệc ly hay Bữa tối cuối cùng (The Last Supper) đã khơi nguồn cảm hứng cho tiểu thuyết nổi tiếng Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) của nhà văn Mỹ Dan Brown xuất bản năm 2003. Đây là một trong những sách bán chạy nhất thế giới với trên 40 triệu quyển được bán ra và đã được dịch sang 44 ngôn ngữ.
Cốt truyện của tiểu thuyết kể về âm mưu của Giáo hội Công giáo nhằm che giấu sự thật về Chúa Giê-su. Truyện ám chỉ rằng Tòa thánh Vatican biết rõ âm mưu này từ hai ngàn năm qua, nhưng vẫn giấu kín để giữ vững quyền lực của mình. Sau khi vừa xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã khơi dậy mạnh mẽ sự tò mò khắp thế giới đi tìm hiểu sự thật về Sự tích Chén Thánh, và vai trò của Mary Magdalene trong lịch sử Giáo hội Công giáo.
Năm 2006, cuốn sách đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên với sự tham gia của nam điễn viên Tom Hanks, đạo diễn bởi Ron Howard. Phim cũng như sách đã trở thành đề tài của nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong đó Giáo hội Công giáo luôn lên tiếng chỉ trích gay gắt cả truyện lẫn phim Mật mã Da Vinci. Nhưng càng nhiều tranh cãi thì cả phim và sách càng trở nên nổi tiếng. Trong năm 2006, tác phẩm điện ảnh Mật mã Da Vinci có doanh thu ngoài rạp chỉ đứng sau Cướp biển Caribbean với hơn 758 triệu đô la tiền bán vé với mức đầu tư ban đầu chỉ có 125 triệu đô la.
Romeo và Juliet
Romeo và Juliet là một vở bi kịch được viết trong thời kỳ đầu sáng tác của nhà biên kịch lừng danh thế giới William Shakespeare. Truyện kể về hai thanh niên trẻ tuổi yêu nhau say đắm cuối cùng phải chọn cái chết để được ở bên nhau và chấm dứt những ân oán, hận thù giữa hai dòng họ. Romeo và Juliet là một trong những vở kịch lừng danh nhất trong sự nghiệp sáng tác của Shakespeare. Romeo và Juliet thực sự đã trở thành một hiện tượng văn hóa, một hình ảnh quen thuộc và được yêu thích bởi những người trẻ đang yêu.
Tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật thuộc các lĩnh vực, thể loại khác trong phim ảnh, âm nhạc, mĩ thuật, múa ba-lê...
Vở múa ba-lê Romeo và Juliet được coi là một trong những tác phẩm múa xuất sắc trong lịch sử của môn nghệ thuật này, bên cạnh những tác phẩm lừng danh như Hồ thiên nga hay Người đẹp ngủ trong rừng...
Vở múa lần đầu tiên được dựng bởi nhà biên đạo người Nga Sergei Prokofiev vào năm 1935-1936. Tác phẩm này được đánh giá là một trong những bài múa chuyển thể thành công nhất và mở ra một hướng khai thác mới cho các nhà biên đạo khai thác những tác phẩm khác của Shakespeare cũng như những nhà biên kịch khác.
Những tác phẩm mĩ thuật được sáng tạo dựa trên hai nhân vật Romeo và Juliet có rất nhiều. Một số tác phẩm nổi tiếng nhất gồm có:
Bức tranh sơn dầu khắc họa Romeo và Juliet bí mật hẹn hò trên ban công của danh họa Ford Madox Brown vẽ năm 1870
Bức sơn dầu L’ultimo bacio dato a Giulietta da Romeo của danh họa Francesco Hayez vẽ năm 1823
Bức tranh được thực hiện bởi hai chị em họa sĩ người Mĩ Charlotte và Susan Cushman, vẽ năm 1846
Ít nhất đã có 24 vở opera được dựng lên kể từ năm 1776 đến nay với nhiều biến thể khác nhau như thêm bớt nhân vật hoặc thay đổi phần kết để nó không còn là một tác phẩm bi kịch. Nổi tiếng nhất phải kể tới vở opera soạn bởi Tchaikovsky năm 1869.
Những tác phẩm âm nhạc lấy Romeo và Juliet làm nguồn cảm hứng sáng tác có rất nhiều với các thể loại đa dạng như jazz, pop, giao hưởng, nhạc kịch Broadway và thậm chí cả rock, rap. Nổi tiếng nhất là bài hát A time for us – bản nhạc nền cho bộ phim Romeo and Juliet. Bản nhạc được đánh giá là một trong những bản tình ca nổi tiếng nhất mọi thời đại. Giai điệu da diết và nồng nàn đã quyến rũ bao trái tim người và có nhiều phiên bản với nhiều thứ tiếng khác nhau. A time for us còn là tác phẩm tuyệt vời để biểu diễn độc tấu hoặc hòa tấu violin, piano, guitar...
Nghệ sĩ violin Andre Rieu nổi tiếng với bản nhạc không lời A Time for Us
Vở kịch Romeo và Juliet được coi là “phát súng mở màn” cho thể loại bi kịch trong các tác phẩm kịch và văn học sáng tác về chủ đề tình yêu tuổi trẻ. Trong đó, yếu tố tình dục bắt đầu được đặt dưới cái nhìn cởi mở hơn và trở thành gia vị cho những tác phẩm kịch và văn học trong thế kỷ 16. Trong những tác phẩm ra đời ngay sau Romeo và Juliet, người ta thấy rất nhiều cảnh tình tự bí mật trên ban công, thể hiện tầm ảnh hưởng lớn lao của vở kịch đối với xu hướng sáng tác khi đó. Về sau, mỗi khi nhắc tới vở kịch này, hai hình ảnh hiện ra ngay trong trong đầu khán giả là cảnh Romeo và Juliet trên ban công líu lo hạnh phúc và cảnh họ chết bên nhau trong hầm mộ.
Romeo và Juliet là tác phẩm kịch được chuyển thể nhiều nhất trong lịch sử với những tác phẩm thơ, văn xuôi, giao hưởng, đồng ca, kịch nói, opera, múa ba-lê, phim truyền hình, phim điện ảnh và tranh.