Sự tử tế trong một cuộc thi ẩm thực
Cuộc thi Chiếc Thìa Vàng - không đơn giản chỉ là cuộc tuyển chọn đầu bếp mà chính là nơi cha con ông chủ gốm sứ Minh Long trút tình yêu ẩm thực Việt. Một cuộc thi không có nhà tài trợ, càng không có cảnh thí sinh lobby giám khảo. Một cuộc thi tử tế!
Hãy cùng trò chuyện với ông Lý Huy Sáng - Phó Tổng giám đốc Công ty Minh Long I, Phó trưởng BTC cuộc thi Chiếc Thìa Vàng - để hiểu hơn “cái sự lạ” về sự tử tế lan tỏa trong cuộc hành trình tôn vinh ẩm thực Việt.
Nhìn lại ba mùa giải Chiếc Thìa Vàng, cảm giác của ông thế nào?
Hãnh diện và hạnh phúc. Chiếc Thìa Vàng thực sự đem lại cho Ban tổ chức những giây phút ngọt ngào.
Cuộc thi đã giúp phát hiện nhiều món mới, gia vị mới, nguyên liệu lạ lẩn khuất trong kho báu ẩm thực nước nhà mà ngay cả các nghệ nhân ẩm thực, các chuyên gia nghề bếp cũng bất ngờ. Lần đầu tiên, tại căn bếp của Chiếc Thìa Vàng, họ được nếm, được thử hạt mắc khén, trái giác dại, củ xá kiến, lá dổi rừng, bông sọ chó, đọt mây đắng…
Qua cuộc thi, nhiều tính năng mới mà nhiều đầu bếp lần đầu được trải nghiệm. Chất lượng đầu bếp tham gia tăng. Các đầu bếp - thí sinh tự tin hơn, chuẩn hóa hơn rất nhiều. Họ chuẩn bị tốt hơn và số lượng thí sinh đến từ các khách sạn, nhà hàng 4-5 sao tham gia nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ uy tín của cuộc thi đang lan tỏa rộng.
Cánh báo giới theo sát Chiếc Thìa Vàng đã chọn “điểm lạ nhất” của cuộc thi này bằng một từ chung nhất là “sự tử tế”. Sự tử tế lan tỏa từ ban tổ chức, cựu thí sinh, giám khảo và các đội thi. Nghe có vẻ lạ đúng không?
Ở Chiếc Thìa Vàng tuyệt đối không có cảnh “lobby, lấy lòng” ban giám khảo. Cuộc thi mà những người cầm cân nảy mực dám đưa ra những quyết định rất can đảm. Ban giám khảo hoàn toàn không bị áp lực. Không một điều gì có thể làm lung lay quyết định của người chấm thi.
Tại cuộc thi này, cũng không có hình ảnh các thí sinh chà đạp nhau để chiến thắng. Ở đây sự hỗ trợ, học hỏi nhau còn lớn hơn danh vị. Nhiều khoảnh khắc rất cảm động. Như sự tương hỗ lẫn nhau giữa các thí sinh. Ví như việc cho nhau mượn dụng cụ, “vay” nguyên vật liệu, rồi cả việc chậm mồ hôi cho nhau… là những hình ảnh không hiếm ở các vòng đấu - kể cả vòng quyết tử giành giải thưởng 1 tỷ đồng. Tôi cho rằng, đây là điều cơ bản tạo nên platform (nền tảng) để các đầu bếp phát triển.
Hoặc sau mùa thi 2013, 2014 chúng tôi có ý định lập Câu lạc bộ để hỗ trợ thí sinh, nhưng khi chưa kịp làm thì các bạn đã tự tụ nhau lại, giúp nhau khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm... Ngay cả việc tổ chức cuộc thi năm 2015, các cựu thí sinh - có người là bếp trưởng của khách sạn 5 sao - vẫn tình nguyện làm “cu li” khiêng dỡ đồ chuẩn bị cho các đầu bếp đàn em dự thi.
Khi những việc nhỏ nhất vẫn được làm với tinh thần tốt nhất, thì tôi tin các đầu bếp từng tham gia Chiếc Thìa Vàng sẽ là những người tử tế, những nghệ sĩ tạo những món ăn hoàn hảo nhất.
Lại nói về sự hoàn hảo, có vẻ như sự cầu toàn, kỹ lưỡng của những người tạo nên thương hiệu gốm sứ Minh Long I đã thẩm thấu ngược với các thí sinh? Nhưng sự cầu toàn đó cũng khiến người ngoài cảm thấy sốt ruột. Như việc chờ hoài đến mùa thi thứ 3 mới ra được quyển sách cho mùa đầu tiên?
Nghề gốm cực vô cùng và thử thách cũng vô cùng. Để kế thừa di sản của dòng tộc và 45 năm định vị thương hiệu gốm sứ đỉnh cao - cha tôi (ông Lý Ngọc Minh, TGĐ Công ty gốm sứ Minh Long I - PV) chỉ có một cách là đặt mình vào những chuẩn mực cao nhất của nghề, đồng thời đặt ra những thử thách mới buộc bản thân cùng đội ngũ phải vượt qua. Sự luôn luôn đòi hỏi cao nhất đó, một cách rất tự nhiên, “di truyền” đến thế hệ chúng tôi.
Sách “Chiếc Thìa Vàng & tinh hoa ẩm thực Việt” phát hành tháng 6/2015 sau hơn một năm chuẩn bị. Gần 700 món ăn được các đầu bếp chuyên nghiệp sưu tầm, sáng tạo và giới thiệu tại cuộc thi một lần nữa lại được các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực hàng đầu kỳ công chọn lọc ra những món ăn độc đáo nhất, tinh túy nhất từ đó chế biến, ra công thức, thẩm định món sao cho đạt hương vị ngon nhất có thể. Kế đến, các chuyên gia food stylist đưa ra những ý tưởng, biến tấu và trình bày món ăn sao đẹp mắt, tinh tế, hợp phong cách ẩm thực hiện đại, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế.
Chúng tôi hy vọng qua cuốn sách này, không chỉ giúp mọi người có thể nấu được những món ngon gần giống với các đầu bếp đoạt giải nhất, mà còn là nguồn cảm hứng đối với ẩm thực Việt Nam, nguồn động lực để lên đường khám phá vẻ đẹp của thắng cảnh, con người lẫn sự phong phú về văn hoá của những vùng đất khác nhau… Như vậy, có kỳ công, có khó tính, có cực nhọc cũng xứng đáng để chờ đợi đúng không?
Với sự “di truyền” đòi hỏi mọi sự luôn đạt đến độ tốt nhất đó, ông thấy điều gì chưa được ở cuộc thi Chiếc Thìa Vàng mùa thứ 3?
Điều chưa được là một số thí sinh vẫn phạm những lỗi nhỏ - nhưng cơ bản - với nghề bếp chuyên nghiệp như: đi giày dép không đúng quy định, quên sử dụng bao tay… Có những đội đã bỏ nhiều công sức chuẩn bị, đến giờ G lại phạm những lỗi nhỏ dẫn đến thua đội khác.
“Đã làm là làm đến nơi đến chốn”
Minh Long I đã đưa Chiếc Thìa Vàng thành cuộc thi ẩm thực tầm quốc gia, ban tổ chức có kế hoạch quảng bá ra nước ngoài không, thưa ông?
Ẩm thực Việt Nam rất tuyệt vời, nhưng cái thiếu của chúng ta là sự chuẩn hóa. Và Chiếc Thìa Vàng đang từng bước giúp chuẩn hóa các món ngon, đặc sản của nước nhà. Sách Chiếc Thìa Vàng sẽ như từ điển bách khoa của ẩm thực Việt Nam. Món ăn gì, gia vị như thế nào, nấu ra sao - tất cả sẽ được xoáy vào hết.
Minh Long muốn đã làm là làm đến nơi đến chốn, không phải chỉ làm khơi khơi. Minh Long sẽ đồng hành cùng Chiếc Thìa Vàng dài lâu. Bởi chỉ riêng 2 đề tài “Bản đồ ẩm thực” và “Bản đồ gia vị” đều có thể kéo dài ít nhất 10 mùa thi, mới sưu tầm được hết gia vị Việt.
Về việc quảng bá ẩm thực Việt ra nước ngoài, chúng tôi đang có kế hoạch đưa đầu bếp Trần Ngọc Nghĩa - á quân Chiếc Thìa Vàng 2013, đi dự thi ở Đức vào 9-11/3/2016. Nghĩa có thể nấu đa dạng các món từ Nam ra Bắc, có sự chuẩn bị tốt, rèn luyện tốt. Nghĩa cũng có kiến thức chuyên sâu và rộng về ẩm thực.
Nữ đầu bếp trẻ đến từ Đồng Nai không đoạt giải Nhất nhưng là người rất tâm huyết, có đóng góp rất nhiều cho cuộc thi. Các đơn vị, công ty muốn được thưởng thức những món ngon của Chiếc Thìa Vàng nhờ tới nấu, Nghĩa kéo quân tới nấu ngay mà không đắn đo, nề hà. Cô cũng bỏ công sức nấu nhiều lần các món của sách Chiếc Thìa Vàng để in thành sách.
Đồng hành hỗ trợ phát triển sự nghiệp cho thí sinh có phải là sự khác biệt của Chiếc Thìa Vàng với các cuộc thi đầu bếp khác?
Các cuộc thi nấu ăn khác tập trung tạo ra các cao độ để thu hút khán giả, như một hình thức giải trí. Riêng Chiếc Thìa Vàng tập trung đánh giá tay nghề đầu bếp. Sau cuộc thi, ban tổ chức có nhiều chương trình để phát triển cho đầu bếp như: In sách, lập câu lạc bộ, phát triển nhà hàng… Chúng tôi đồng hành thực sự cùng các đầu bếp chứ không chỉ dừng lại ở việc tỉ thí trong một cuộc thi. Ban tổ chức, ban giám khảo, các thí sinh cùng trở thành bạn, cùng thúc đẩy sự nghiệp của nhau.
“Lợi nhuận” từ sự tử tế
34 tỷ đồng/năm cho một cuộc thi: Thỏa mãn cho một đam mê/tâm nguyện hay là một nước cờ chiến lược kinh doanh?
Hội tụ tất cả. Thứ nhất là tôi thích, đam mê. Thứ hai, chỉ đam mê không đi dài hơi được vì phải kinh doanh tốt mới tài trợ được. Rất may, Chiếc Thìa Vàng kết hợp được cả 2 điều nói trên.
Minh Long là một doanh nghiệp lớn, ông Lý Ngọc Minh và ông vẫn là những doanh nhân gánh trên vai trách nhiệm với hàng ngàn nhân viên. Ở góc độ người kinh doanh, ông đánh giá “hiệu quả kinh tế” từ Chiếc Thìa Vàng như thế nào?
Năm 2015 doanh thu của công ty rất tốt, đạt mức tăng trưởng 25%. Đây là một con số đáng khích lệ trong tình hình kinh tế đất nước nhiều khó khăn.
Mùa giải 2015 với những thành công ngoài mong đợi đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn và truyền thông. Không chỉ vậy, các đối tác lớn cũng đã nhìn thấy sức ảnh hưởng của Chiếc Thìa Vàng. Hiện các hãng hàng không đã có lời mời hợp tác với dự định đưa các món ăn đã đoạt giải Chiếc Thìa Vàng vào thực đơn. Được vậy, khách hàng của hãng bay sẽ nhận được dịch vụ tốt, được chăm chút; còn Chiếc Thìa Vàng được lan tỏa đúng nghĩa “hữu xạ tự nhiên hương”.
Dòng sản phẩm Ly’s Horeca dành cho nhà hàng, khách sạn từ khi tham gia Chiếc Thìa Vàng đã có những thay đổi gì để phù hợp với nhu cầu của người sử dụng?
Chúng tôi có thay đổi mẫu mã, kích thước để phù hợp với nhiều phong cách nấu ăn. Ly’s Horeca vừa cho ra đời 2 dòng sản phẩm mới: Đĩa có màu và Sản phẩm có hoa văn cổ.
Gốm sứ Nhật, Hàn đang đổ bộ vào Việt Nam cùng trào lưu ẩm thực shushi, kimbab. Cá nhân ông đánh giá thế nào về tác động của trào lưu này tới ẩm thực Việt và công việc kinh doanh của riêng ông?
Đánh giá của tôi là thú vị. Sự giao thoa giữa các nền ẩm thực Việt - Hoa - Kh’me - Pháp đã là một nét thú vị của ẩm thực Việt Nam. Sự đón nhận tinh hoa của các nền văn hóa khác sẽ làm đa dạng hơn các món ngon nước Việt.
Ở khía cạnh kinh doanh, theo tôi không có tác động ảnh hưởng xấu. Dòng sản phẩm mới của Ly’s Horeca có thể phù hợp với ẩm thực Nhật - Hàn. Chúng tôi đang chờ xem thị phần có đủ rộng không để mở rộng sản xuất. Biết đâu, sẽ mở ra một cánh cửa mới, một cơ hội mới cho gốm sứ Việt.
Trân trọng cảm ơn ông! Chúc cho hành trình tôn vinh ẩm thực Việt của Chiếc Thìa Vàng tiếp tục lan tỏa đam mê nghề bếp và khát vọng quảng bá du lịch - ẩm thực nước nhà. Đặc biệt, cầu chúc cho tinh thần tử tế tiếp tục được nhân rộng!
An Hưng