Sự thật về khu ổ chuột trong phim “Triệu phú ổ chuột”
(Dân trí) - Khu ổ chuột Dharavi ở thành phố Mumbai, Ấn Độ là khu ổ chuột lớn nhất Châu Á. Ở đây có hơn một triệu dân sinh sống trong điều kiện hết sức nghèo nàn, tạm bợ nhưng dù cuộc sống có khá giả hơn, người dân ở đây cũng không rời bỏ Dharavi.
Dharavi là một trong những khu ổ chuột lớn nhất thế giới với không gian sống chật hẹp, môi trường mất vệ sinh, thiếu thốn đủ thứ… nhưng điều kỳ lạ là khi dạo bước trong khu ổ chuột này, bạn sẽ thấy những hộ gia đình mà điều kiện sống của họ không đến nỗi nào, tuy vậy, họ vẫn kiên quyết không rời khỏi Dharavi.
Hơn một triệu người đang sinh sống chen chúc trong một hệ thống ma trận những ngôi nhà bé xíu, tạm bợ, trải rộng trên một diện tích 2,4 km2 trong khu ổ chuột Dharavi, thành phố Mumbai, Ấn Độ.
Ước tính cứ 100 hộ gia đình ở đây mới có một hộ có nhà vệ sinh riêng. Thường cả gia đình phải nằm ngủ trên sàn đất, trong những căn phòng hình hộp, nhỏ xíu như những bao diêm, tường nhà thường chỉ là những mảng xi-măng để trần, không được sơn quét gì.
Thế nhưng trong khu ổ chuột này có cả những bác sĩ, luật sư, kế toán… những người đang làm việc cho những công ty lớn với thu nhập cao và ổn định. Họ vẫn sống trong khu ổ chuột Dharavi và không chịu rời đi bởi ở đây có một thứ mà ở nhiều khu dân cư khác không có, đó chính là “tình làng nghĩa xóm”, sự đoàn kết, gắn bó khăng khít giữa những người bà con.
Ngoài ra, khu dân cư nghèo khó, đông đúc này cũng đã hình thành nên một khu vực kinh tế riêng với hơn 20.000 doanh nghiệp lớn nhỏ đã mọc lên trong khu ổ chuột Dharavi nhằm phục vụ cho nhu cầu của hơn một triệu người đang sinh sống ở đây.
Dharavi là khu ổ chuột lớn nhất Châu Á.
Một người đàn ông làm nghề thu mua đồ nhựa cũ. Cách khu ổ chuột Dharavi không xa là những khu vực giàu có hơn ở thành phố Mumbai.
Một xưởng nấu nhựa tái chế ở Dharavi.
Ở khắp thành phố Mumbai, bạn có thể bắt gặp những người ăn xin trên phố nhưng tuyệt nhiên, khi đến Dharavi, bạn sẽ không tìm thấy bất cứ một người ăn xin nào bởi ở đây, dù cuộc sống còn rất khó khăn, vất vả nhưng mọi người đều chăm chỉ lao động kiếm sống.
Khu ổ chuột này trở nên nổi tiếng sau khi nó truyền cảm hứng cho bộ phim “Slumdog Millionaire” (Triệu phú ổ chuột - 2008). Một số cảnh trong phim đã được quay tại đây.
Mumbai là thành phố của những điều đối lập khi nó vừa có khu ổ chuột Dharavi vừa có khu dân cư cao cấp phía nam - nơi có những người giàu nhất đất nước sinh sống. Các công ty du lịch ở Mumbai từ lâu đã mở ra những tour du lịch đến thăm khu ổ chuột Dharavi dành cho các du khách phương Tây.
Khi đưa khách du lịch đến đây tham quan, hướng dẫn viên không cần phải cảm thấy lo lắng bởi Dharavi tuy là một khu dân cư nghèo khó nhưng nơi đây có những người dân rất tử tế. Sống ở đây còn có các nhân viên khách sạn, nhân viên hãng hàng không, giáo viên, bác sĩ, nhân viên sở thuế, luật sư, cảnh sát… Thực tế, không phải tất cả người dân ở đây đều là người nghèo.
Nhiều gia đình đã sống ở Dharavi từ lâu, họ quá gắn bó với nơi này, vì vậy, khi điều kiện kinh tế gia đình đã khá hơn, họ vẫn không muốn chuyển đi vì sợ để mất những người hàng xóm thân thiết. Dù đời sống ở Dharavi khó khăn nhưng trộm cắp là điều rất hiếm gặp vì ai cũng có tư tưởng phải tự lao động kiếm sống. Ở đây, mọi người sống hòa đồng, vui vẻ và rất đoàn kết.
Trong khu ổ chuột này, bạn có thể tìm thấy những xưởng gốm, xưởng tái chế, xưởng thuộc da, xưởng dệt… Nhân công của các xưởng này phải lên tới hàng chục ngàn người.
Phía nam thành phố Mumbai, chỉ cách khu ổ chuột Dharavi vài km là nơi những người giàu sinh sống.
Dharavi tuy là một khu dân cư nghèo khó nhưng rất năng động.
Ở Dharavi có rất nhiều xưởng tái chế, tái chế đồ nhựa, đồ sắt, giấy vụn… Bởi cuộc sống còn nhiều khó khăn nên họ không bỏ đi bất cứ thứ gì, món đồ nào còn dùng được đều được người ta nghĩ ra cách để tái chế, tái sử dụng.
Cuộc sống lao động của người dân ở đây rất vất vả, có những người làm việc tới 12 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần. Có người làm thêm cả vào Chủ Nhật để kiếm thêm phụ giúp gia đình.
Khoảng 85% số người sinh sống trong khu ổ chuột Dharavi có việc làm, tuy vậy, điều kiện an toàn lao động của họ rất tồi tệ. Những xưởng tái chế nằm ngay trong khu dân cư khiến không chỉ công nhân làm việc tại xưởng mà ngay cả người dân sống xung quanh cũng thường xuyên phải gánh chịu những nguy cơ đối với sức khỏe.
Xét trên nhiều mặt, cuộc sống ở Dharavi tích cực hơn nhiều so với những gì người ngoài vẫn hình dung về nó, nhưng bên cạnh đó, cũng có những mặt trái rất đáng sợ như điều kiện sống, điều kiện lao động của người dân quá tệ.
Điều đáng sợ là những người dân lao động ở đây lam lũ, vất vả từ đời này sang đời khác, đến cuối đời, hầu như ai cũng trở nên bệnh tật vì đã phải lao động vất vả suốt một đời, nhưng cuối cùng, họ vẫn truyền cái nghèo lại cho những thế hệ sau. Dường như nghèo khó là di sản lớn nhất ở khu ổ chuột Dharavi.
Một người phụ nữ làm việc ở xưởng gốm.
Thu mua và nấu nhựa tái chế là nghề phổ biến nhất ở đây.
Những đứa trẻ ngày ngày chạy chơi trong những con ngõ hẹp. Hiện giờ, chúng được coi là những người hạnh phúc nhất vì vẫn chưa phải lo tới cơm áo, gạo tiền…
Một người đàn ông làm việc trong xưởng sản xuất sơn.
Tai nạn lao động là điều thường xảy ra ở các xưởng máy như thế này. Nếu tai nạn nghiêm trọng khiến người lao động bị mất sức lao động, gia đình nạn nhân chỉ có thể chấp nhận rằng vận đen đã giáng xuống nhà mình và cuộc sống của họ từ đó sẽ càng thêm khó khăn.
Những chiếc bao tải được tái chế. Có thể nói Dharavi là một khu dân cư vừa nghèo khó nhưng cũng vừa khoa học khi mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất đều diễn ra trơn tru, nhuần nhuyễn, theo cách riêng của nó.
Giá thuê nhà ở Mumbai rất cao nên nhiều người không thể chuyển ra khỏi khu ổ chuột Dharavi.
Vì điều kiện an toàn lao động ở đây quá kém nên về già, thường họ bị mắc các bệnh mãn tính.
Một xưởng thêu với các nhân công chủ yếu là các thanh niên trẻ sớm thất học vì nhà quá nghèo.
Nhiều nhà ở Dharavi thậm chí còn không được xây bằng xi măng mà chỉ được dựng lên tạm bợ từ các tấm sắt rỉ như thế này.
Một con hẻm chật chội trong khu ổ chuột Dharavi.
Dharavi được coi là trung tâm tái chế của Mumbai, ở đây, cái gì cũng có thể tái chế.
Một quán ăn nhỏ nhắn, gọn gàng trong khu ổ chuột Dharavi.
Dù đời sống kinh tế ở đây rất năng động nhưng cuộc sống của người dân Dharavi vẫn rất khó khăn, nghèo khổ.
Khu ổ chuột Dharavi tuy vậy vẫn không phải là “địa ngục trần gian” bởi thực tế nó nhận được sự quan tâm của chính phủ và các tổ chức xã hội. Vì vậy, điều kiện sống ở đây vẫn còn tốt hơn nhiều khu ổ chuột khác trên thế giới.
Những con hẻm chật chội, lắt léo, chạy ngang dọc, chằng chịt khắp khu dân cư là điểm đặc trưng nhất ở Dharavi.
Một gia đình sinh sống trong một căn phòng bé xíu.
Tương lai của những đứa trẻ này liệu có khả quan hơn cha mẹ chúng?
Dharavi là nơi sinh sống của hơn một triệu người.
Cách thức hoạt động của các xưởng kinh doanh tại đây từng khiến nhiều tổ chức xã hội đến thăm phải ngạc nhiên vì mức độ quy củ của nó, chỉ có điều vấn đề an toàn lao động vẫn chưa được đảm bảo.
Những đứa trẻ ngây thơ sống ở Dharavi.
Những đứa trẻ này phần lớn được hưởng nền giáo dục miễn phí do các tổ chức từ thiện cung cấp.
Trong số những đứa trẻ đang sống ở Dharavi, liệu có em bé nào lớn lên và may mắn trở thành một “triệu phú ổ chuột”?
Dharavi từng xuất hiện trong bộ phim “Slumdog Millionaire”.
Dharavi có một tài sản quý giá mà nhiều khu dân cư khác không có được, đó chính là sự cố kết cộng đồng của những người dân sinh sống ở đây.
Bích Ngọc
Theo DM