Sự khởi đầu khó khăn của những tác phẩm văn học ăn khách

(Dân trí) - Hầu hết mọi người đều cho rằng, những tiểu thuyết nổi tiếng đều không gặp trở ngại gì khi phát hành. Tác giả chỉ việc viết ra giấy, gửi cho nhà xuất bản, cuốn sách được phát hành và sau đó được công chúng yêu thích ngay lập tức...

Thế nhưng, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.

Harry Potter (J.K. Rowling)

harrypotter-books-48bd9

Đứng đầu danh sách chính là một trong những bộ truyện nổi tiếng nhất thế giới hiện đại, cũng là những cuốn sách phải trải qua gian khó mới có thể tới tay độc giả. Với 7 cuốn tiểu thuyết, hàng loạt bộ phim và cả một công viên giải trí được xây dựng dựa theo câu truyện về cậu bé phù thủy, hẳn ai cũng nghĩ rằng tác giả J.K. Rowling đã gặp may mắn ngay từ tập truyện đầu tiên của mình.

Tuy nhiên các nhà xuất bản lại không đồng tình với ý kiến đó. Bản thảo của J.K. Rowling đã bị từ chối đến 12 lần. Lý do duy nhất bà có được hợp đồng xuất bản sách là nhờ con gái của chủ tịch nhà xuất bản Bloomsbury, người đã đòi đọc hết bản thảo được gửi tới. Ngay cả khi đã nhận được hợp đồng, tác giả này vẫn được dặn dò rằng bà không thể trở thành một nhà văn viết sách cho trẻ em và không nên bỏ công việc chính của mình. Tuy nhiên, J.K. Rowling đã cho mọi người thấy điều hoàn toàn ngược lại.

Peter Rabbit (Beatrix Potter)

peterrabbit-books-8a8e4

Câu truyện đầy cuốn hút của Peter Rabbit đã thu hút được sự chú ý của trẻ em trên toàn thế giới. Tuy nhiên, quá trình đưa cuốn sách đến với các độc giả nhỏ tuổi lại không hề đơn giản như tác giả Beatrix Potter đã dự tính. Bà đã gặp khó khăn trong việc thu hút sự chú ý từ công chúng. Nỗ lực đầu tiên của bà được đáp lại bằng 6 lần từ chối của các nhà xuất bản. Sau đó, Beatrix Potter quyết định tự làm tất cả, bà tự in sách và bán ra để bảo đảm cuốn sách giữ đúng những gì bà đã tưởng tượng. Điều này cũng gặp trở ngại khi một nhà xuất bản sách cho rằng đó là một ý tưởng rất tồi. Khi đó, phụ nữ bị cho là không thể làm công việc kinh doanh. Nhưng Beatrix Potter vẫn kiên trì và in tới 250 bản sách. Bà đạt được thành công tới mức một trong 6 nhà xuất bản lúc đầu đã đồng ý in cuốn sách này. Ngày nay, Peter Rabbit đã bán được 2 triệu bản sách trên toàn thế giới.

Alice ở xứ sở thần tiên (Lewis Carroll)

alice-books-33d13

Không phải cuốn sách nào cũng gặp trở ngại từ quá trình in ấn. Một số bộ truyện nổi tiếng đã phải nhận gạch đá sau khi được bày bán trên kệ sách. Đây là trường hợp của cuốn Alice ở xứ sở thần tiên, sau khi được xuất bản năm 1865. Cuốn sách đã gặp rất nhiều vấn đề với công chúng. Trường trung học Woodsville ở New Hampshire (Mỹ) đã cấm cuốn sách này vì có đoạn nhắc tới "các giấc mộng mang tính tình dục". Tới năm 1931, sách bị bấm ở Trung Quốc vì sự xuất hiện của các loài vật biết nói trong truyện. Một vị cán bộ của Trung Quốc khi đó tuyên bố rằng động vật không được sử dụng ngôn ngữ con người, và việc xếp động vật với con người ngang nhau là một thảm họa.

Winnie the Pooh (A.A. Milne)

pooh-books-8e6a4

Đây là câu truyện rất được yêu thích về một chú gấu mê mật ong và được trẻ em biết tới trên toàn thế giới. Nhưng nó cũng là nạn nhân của nhiều sự chỉ trích và từng bị cấm vì rất nhiều lý do khác nhau. Cuốn sách này từng bị cấm ở một trường học tại Anh vì nỗi lo sợ nhân vật Piglet sẽ xúc phạm tới người Hồi giáo tại đây. Sau đó, Hội đồng Hồi giáo nước Anh đã phải đưa ra thông báo cho biết họ không bị xúc phạm vì nhân vật này. Một đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ cũng cấm loạt phim hoạt hình Winnie the Pooh vì lý do tương tự, thậm chí họ còn đề xuất việc xóa bỏ Piglet khỏi chương trình. Tuy nhiên quá trình này mất quá nhiều công sức và kế hoạch đó đã bị loại bỏ. Winnie the Pooh cũng phải hứng chịu lệnh cấm ở Mỹ với lý do tương tự tác phẩm Alice ở xứ sở thần tiên.

Winnie the Pooh còn bị gắn liền với hình ảnh của Đức Quốc xã. Năm 2009, tài sản của một nhà hoạt động chính trị cực đoan đã bị phát hiện, trong đó có cả hình ảnh Winnie the Pooh đeo chữ thập ngoặc. Theo Bộ Tư pháp Nga khi đó, chú gấu vô tội đã trở thành biểu tượng của Đảng Quốc xã và phải bị cấm.

Carrie (Stephen King)

carrie-books-f4498

Cuốn sách này có một quá khứ rất trắc trở. Khi đó, tác giả Stephen King còn rất nghèo và cảm hứng của ông đến từ một bài viết cho rằng thần giao cách cảm tồn tại mạnh nhất ở các cô gái đang lớn. Điều đó cùng với kinh nghiệm làm lao công ở trường học đã khuyến khích ông viết nên cuốn tiểu thuyết Carrie. Tuy nhiên việc viết sách là một trở ngại với ông. Stephen King không biết nhiều về cộng đồng nữ giới trong trường học, ông phải xây dựng hình ảnh nhân vật chính dựa trên các cô gái ông quen khi còn đi học. Trong quá trình viết sách, cả hai người đều qua đời do bệnh tật, khiến quá trình viết sách càng khó khăn hơn với Stephen King. Ông trở nên chán nản và vứt đi ba trang sách, quyết định từ bỏ. Nếu vợ ông không lục thùng rác và cứu bản thảo này, có thể độc giả sẽ không bao giờ được đọc câu truyện của ông. Ngay cả sau khi cuốn sách hoàn thành, ông vẫn bị từ chối tới 30 lần cho tới khi nhà xuất bản Doubleday Publishing đồng ý. Từ đó, sự nghiệp của một trong những nhà văn giàu có nhất thế giới đã được bắt đầu.

Phan Hạnh

Theo Toptenz

 

 

Sự khởi đầu khó khăn của những tác phẩm văn học ăn khách - 6