Nhà văn Trang Hạ:
“Sự khắt khe của công chúng sẽ có lợi cho tân Hoa hậu Việt Nam”
Những ngày qua, dư luận bàn tán xôn xao về nhan sắc của tân Hoa hậu Việt Nam 2014. Nhưng phân tích ở góc độ truyền thông, nhà văn Trang Hạ cho rằng, đó sẽ là mặt tích cực để Hoa hậu nỗ lực hơn nữa, thay vì bằng lòng với chiếc vương miện danh giá mà mình vừa đạt được.
Tân hoa hậu Việt Nam Kỳ Duyên trong buổi giao lưu trực tuyến gần đây. (Ảnh: TPO)
Được đội lên đầu chiếc vương miện danh giá cũng chính là lúc Hoa hậu Kỳ Duyên “gánh” thêm vô số “gạch đá” từ công chúng. Theo dõi câu chuyện Hoa hậu Việt Nam những ngày qua, nhà văn Trang Hạ gặp không ít những bình luận mà vô tình đã hạ thấp giá trị của người chê. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ truyền thông công chúng, nhà văn Trang Hạ cho rằng, những lời chê trong trường hợp này không hề vô nghĩa.
Nhà văn Trang Hạ phân tích: “Lâu nay, người ta hay dễ dãi gắn mác cho các câu chuyện xã hội “cái mũ” văn hóa. Nào là “văn hóa Internet”, “văn hóa comment”… Những người làm truyền thông đã quá nâng quan điểm vì phạm trù này không nằm ở văn hóa. Không nên và đừng lấy văn hóa ra để làm “cái mũ” quy chụp cho hành vi mang tính đám đông. Trước hết, phải công nhận một điều là công chúng có quyền đánh giá, quyền phát ngôn về hoa hậu có xứng đáng hay không bởi danh hiệu Hoa hậu là đại diện sắc đẹp cho một quốc gia. Còn việc chê bai đó có làm cho xã hội tốt đẹp lên hay không thì cần phải bàn thêm, nhưng tôi khẳng định, “một đám đông câm mồm” chỉ làm cho xã hội tồi tệ hơn mà thôi. Vậy nên đừng “tấn công” đám đông khi họ bình luận về một vấn đề hấp dẫn như là Hoa hậu”.
“Nhiều người cho rằng, việc “tấn công cá nhân” của số đông công chúng sẽ khiến cho họ bị tổn thương, không còn động lực để phấn đấu. Sự tiêu cực nếu có này là tùy thuộc vào người tiếp nhận chứ không phải do người nói. Không phải khi anh có quyền, có chút hơn người là “bịt mồm” người khác, hay chỉ thích nghe những lời khen. Với riêng tôi, những lời khen không đúng còn đáng sợ hơn là lời chê. Ngược lại, chính lời chê với một cô gái trẻ, đang ở trên đỉnh cao của sắc đẹp sẽ trở thành động lực lớn để nhìn nhận bản thân, ví trí, vai trò của mình trong lòng công chúng. Hơn nữa, sự mổ xẻ cũng chứng tỏ một điều, Hoa hậu đang có vai trò vô cùng quan trọng trong mắt công chúng. Nó sẽ khiến Hoa hậu phải biết nỗ lực hơn, bắt đầu bằng việc biết làm đẹp cho bản thân…”, nhà văn Trang Hạ nói.
Nhà văn Trang Hạ
Công chúng mới nhìn chứ chưa biết cảm nhận
Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông, nhà văn Trang Hạ cho biết một thực tế đáng ngạc nhiên rằng, lời chê sẽ mang lại giá trị và ý nghĩa tích cực cho người bị chê. Nhà văn Trang Hạ cho biết: “Lấy từ ví dụ của chính tôi khi ra sách, những người khen tôi thì rất ít người mua. Nhưng nếu họ chê tôi thì họ lùng sục tất cả những tác phẩm của tôi, ra cái gì là họ mua cái đó để tìm những sơ hở, những cái dở của tôi để chê bai, bình luận. Ở đây cũng vậy, còn chê tức là họ còn quan tâm đến bạn. Nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy, thời gian gần đây có trào lưu trong showbiz là rất nhiều người tung những phát ngôn gây sốc để tìm kiếm antifan, bởi lực lượng này sẽ theo sát bước đi của họ nhất để bình luận trên mạng, chính là đang giúp cho các “sao” trở nên ngày càng nổi tiếng mà có khi họ không hề nhận ra”.
Dù công nhận quyền đánh giá về Hoa hậu của công chúng, nhưng theo nhà văn Trang Hạ, đám đông đang “lệch hướng” khi đánh giá về Hoa hậu. Nhà văn Trang Hạ nói: “Hãy quên đi chiếc vương miện của cô ấy để nhìn nhận vào giá trị đích thực. Hãy cảm nhận chứ không chỉ nhìn bằng mắt thường”.
Đánh giá về tân Hoa hậu, nhà văn Trang Hạ cho rằng, chị có niềm tin mang tính “cảm tính” với Kỳ Duyên khi cô gái trẻ này là người Nam Định. Nhà văn Trang Hạ chia sẻ: “Tôi chơi với nhiều người Nam Định và rút ra một nhận xét là họ rất giỏi giang trong cuộc sống. Điều này hoàn toàn là trải nghiệm mang tính cá nhân của riêng tôi. Khác với mọi người, chỉ nhìn vào thời điểm khi cô ấy đăng quang nên hay đặt câu hỏi, tại sao lại trao vương miện cho người như thế? Với tôi, chiếc vương miện đặt lên đầu ai cũng được, vì tôi quan tâm đến những gì phía sau đó. Danh hiệu Hoa hậu chỉ thực sự có ý nghĩa khi chủ nhân lan tỏa được những điều tích cực đến công chúng. Để làm được điều đó, bản thân Hoa hậu hãy là người hạnh phúc chứ không phải là gánh nặng của xã hội. Xã hội đang quá dư thừa những số phận Hoa hậu trầm luân. Nào là gia đình tan vỡ, chồng vướng vào vòng lao lý, thậm chí là đi bán dâm. Hoa hậu hạnh phúc sẽ là niềm cảm hứng cho nhiều người chứ không nhất thiết là phải làm từ thiện thật nhiều như rất nhiều “cỗ máy” người đẹp đang thực hiện.
Ở khía cạnh này, tôi đánh giá Hoa hậu Mai Phương là người hạnh phúc nhất. Cô ấy có thể thua các Hoa hậu về độ hở ngực của những chiếc áo, độ xuyên thấu của những bộ váy hàng hiệu, nhưng cô ấy đã cho công chúng thấy một cuộc sống không ăn bám quá khứ, để sống bằng chính khả năng của mình trong vai trò là một công chức ngành thuế ở Hải Phòng”.
Theo Minh Nhật
Gia đình & Xã hội