Sử dụng gừng, tỏi, chanh trong nấu ăn đúng cách để phòng bệnh

Nguyên An

(Dân trí) - Các bà nội trợ cần lưu ý trong chế biến để tỏi, gừng, chanh không bị mất đi công dụng phòng bệnh hữu hiệu.

Tỏi, gừng, chanh không chỉ là gia vị, mà còn là "vị thuốc". Rất nhiều món ăn hàng ngày được chế thêm gừng, tỏi, chanh mà thêm dậy hương, hấp dẫn hơn. Cùng tìm hiểu một vài thông tin trước khi sử dụng các gia vị này vào nấu ăn để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch cho cả gia đình bạn nhé. 

Tỏi

Trong tỏi có chứa allicin giúp chống lại các vi rút và vi khuẩn gây bệnh viêm nhiễm, ăn tỏi tươi hoặc cho vào trà, món ăn đều rất tốt cho sức khỏe. Nhưng cách thức sử dụng, chế biến nếu không đúng cách sẽ giảm công hiệu phòng bệnh của tỏi.

Sử dụng gừng, tỏi, chanh trong nấu ăn đúng cách để phòng bệnh - 1

Khi bạn chiên, xào… các gia vị như dầu ăn, hành, tỏi thì nên cho tỏi vào sau cùng. Điều này sẽ tránh cho tỏi bị cháy, một nguyên nhân khiến cho món ăn có vị đắng. Hơn nữa, tỏi nấu quá chín cũng như các loại rau xanh, sẽ bị mất đi một lượng vitamin đáng kể.

Sau khi bóc vỏ tỏi thì không nên nấu ngay vì làm mất hoạt tính của enzym allinase, mà chúng ta nên để tỏi đã dập sau 15 phút rồi đem ra chế biến món ăn mới phát huy được tác dụng hoàn hảo của tỏi.

Hơn nữa, tỏi tươi luôn có giá trị hơn những củ tỏi đã héo, mềm, mọc mầm. Vì thế, bạn chỉ nên tích lượng vừa đủ dùng trong vài ba ngày, khi hết lại mua thêm để đảm bảo tỏi luôn tươi ngon.

Các bà nội trợ cũng cần lưu ý, tuy tỏi rất tốt, có thể làm gia vị cho nhiều món ăn, nhưng với một số món, nó lại rất kị nhau, nếu nấu cùng sẽ không tốt cho sức khỏe người ăn. Như món trứng vịt nếu trộn với tỏi băm rồi tráng rất độc. Tương tự, với món cơm rang mọi người thường cho tỏi, thì cũng không nên dùng trứng vịt mà hãy thay bằng trứng gà. Hay nếu ăn tỏi lúc đói sẽ gây kích thích niêm mạc dạ dày và thành ruột. Khi bị dạ dày, cần kiêng ăn hành tỏi sống. Ngứa ngáy rôm sẩy, dị ứng cũng cần kiêng tỏi.

Gừng

Theo chuyên gia dinh dưỡng - bác sĩ Maria Chernyaeva  của Nga, gừng là một loại thảo mộc giàu chất dinh dưỡng, nó chứa nhiều vitamin và các nguyên tố vi lượng có lợi. Gừng có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có đặc tính chống viêm, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và giúp duy trì khả năng miễn dịch.

Sử dụng gừng, tỏi, chanh trong nấu ăn đúng cách để phòng bệnh - 2

 "Bạn có thể dùng gừng dưới mọi hình thức, thực phẩm này có nhiều tác dụng tuyệt vời với sức khỏe. Ví dụ, để bảo quản gừng quanh năm nên sấy hoặc phơi khô nó. Bạn có thể dùng củ gừng tươi, trộn với mật ong, thêm vào trà, pha chế các loại đồ uống khác nhau", bác sĩ Maria Chernyaeva lưu ý. 

Gừng hiếm khi gây ra các tác dụng phụ khi dùng quá liều. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng gừng, bác sĩ cảnh báo. Tốt nhất là dùng gừng như một gia vị cho những món ăn khác nhau và không nên ăn quá 80-100g một lần. 

Tuy nhiên, theo bà Maria Chernyaeva, có cả những trường hợp chống chỉ định.

"Gừng có thể tăng cường tác dụng của các loại thuốc làm loãng máu bởi vì bản thân gừng có khả năng gây loãng máu. Ngoài ra, gừng có thể có tác dụng tiêu cực trong các bệnh về túi mật, vì nó làm tăng dòng chảy của mật. Nếu có biểu hiện sưng, viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày thì cũng không nên lạm dụng thực phẩm này", bác sĩ Maria Chernyaeva cảnh báo.

Chanh

Chanh và nước ép chanh nổi tiếng với công dụng detox cơ thể. Loại quả bổ dưỡng giàu vitamin C này còn có khả năng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt nước chanh được sử dụng rộng rãi vì những ích lợi tuyệt vời cho gan. Những chất chống oxy hóa có trong chanh có tác dụng làm giảm viêm, loại bỏ các gốc tự do và cải thiện khả năng xử lý glucose của cơ thể.

Sử dụng gừng, tỏi, chanh trong nấu ăn đúng cách để phòng bệnh - 3

Uống nước chanh mỗi ngày vào buổi sáng làm tăng hoạt động của các enzyme giúp tối ưu chức năng gan, giải trừ các chất độc tích tụ qua đêm ở mật, kích thích bàng quang co bóp, giúp mật chảy vào ruột non. Nhờ đó các chất độc hại được loại bỏ nhanh hơn ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, axit nitric có trong chanh cũng giúp kháng lại vi khuẩn có hại trong cơ thể, giúp việc thải độc hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc uống nước chanh thường xuyên còn có thể hỗ trợ làm giảm cholesterol và lượng đường trong máu, bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh về tim mạch.

Lưu ý khi sử dụng chanh chăm sóc sức khỏe: Luôn pha loãng chanh với nước trước khi sử dụng vì nước chanh nguyên chất có chứa axit gây hại cho men răng và dạ dày.