Sự điêu luyện trong văn chương của Haruki Murakami
(Dân trí) – Cuốn 1Q84 của tác giả Haruki Murakami, nhà văn nổi tiếng trên toàn thế giới bởi văn ông là sự kết hợp độc đáo giữa văn học Nhật Bản và văn học phương Tây.
Tại trung tâm Văn hóa Nhật Bản tại VN, sáng 18/1, trong buổi tọa đàm mang tên “Thế giới trong gương” cuốn sách mang tên 1Q84 của nhà văn nổi tiếng Nhật Bản là Hamura Murakami đã được giới thiệu đến đông đảo độc giả yêu văn chương. Cuốn sách này ra mắt tại Nhật Bản năm 2009, ngay lập tức lọt vào "căn nhà 1 triệu bản in" – giấc mơ của mọi cây viết trên thế giới.
1Q84 đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống, nó khai thác thế giới nội tâm của các nhân vật trong truyện. Và nội dung của cuốn truyện đi sâu vào thế giới tâm lý và tình cảm của người phụ nữ, vì vậy, tình dục chiếm dung lượng nhiều hơn so với bất cứ cuốn sách nào của Murakami trước đây.
Tengo cũng sống ở năm 1984. Anh dạy toán tại một trường dự bị. Ôm mộng văn chương, có thừa tài năng nhưng mặc cảm quá khứ về người mẹ như một tảng đá khổng lồ đang chặn đứng dòng năng lượng trong anh khiến anh vẫn mãi chỉ là một kẻ bồi bút vô danh. Tuy nhiên một kế hoạch đầy mạo hiểm của Komatsu, biên tập viên lão luyện của tạp chí văn nghệ, đã đẩy anh vào một rắc rối ghê gớm. Chính rắc rối ấy sẽ đưa Tengo gặp lại người bạn gái thời tiểu học vẫn luôn ám ảnh anh.
Với đầy đủ hiện thực lẫn huyền ảo, Murakami đưa ta lạc vào một thế giới chuyện kể quá đỗi hấp dẫn trong1Q84. Cuốn tiểu thuyết gồm các chương xen kẽ về Aomame và Tengo. Khi đọc xong về Aomame, bạn chắc chắn sẽ muốn tiếp tục với Tengo và ngược lại. Một tác phẩm xứng đáng với ba năm chờ đợi của những độc giả yêu mến Murakami.
1Q84 chia làm 3 tập truyện, với dung lượng gần 1500 trang. Giống như trong Kafka bên bờ biển, Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, 1Q84 cũng thay đổi luân phiên giọng kể, một chương từ điểm nhìn của Aomame lại đến một chương từ điểm nhìn của Tengo.
Mới chỉ có 2 tập truyện được dịch ra tiếng Việt, còn tập ba của truyện sẽ tiếp tục được đưa đến với đông đảo công chúng trong năm nay.
Dịch giả Lương Việt Dũng chia sẻ: “Murakami tự nhận mình là “tiểu thuyết gia điêu luyện”, tiểu thuyết gia có thể là những người làm chính trị, diễn giả… tuy nhiên ông tự nhận mình là điêu luyện, vì ông cho rằng mình có thể “lừa đảo” người xung quanh. Văn của Murakami luôn hướng thiện, và dù cái thiện có bị lu mờ, nhưng cuối cùng cái đuôi của sự thật vẫn lòi ra”.
PGS. TS Lê Huy Bắc nhận định: “ Văn của Murakami luôn đi tìm yếu tố dân gian, truyền thống Nhật Bản, tới 1 điểm nào đó thì nó dừng lại để cho độc giả tự suy ngẫm và lấp đày khoảng trống đó. Văn của ông là sự kết hợp tinh tế của văn học Nhật Bản và văn học phương Tây”.
Theo dịch giả Trần Nguyễn Cao Đăng trong một lần gặp và nói chuyện với Murakami cho biết: “Murakami cho biết, văn tôi viết về con người và cho con người dù con người có ở bất cứ đâu”. Điều này cho thấy thế giới “Con người” trong văn của Murakami là rất phong phú, trong văn ông luôn tôn tại 2 hay nhiều thế giới tồn tại song song với nhau, và không bao giờ lặp lại mô típ cũ”.
Dịch giả cho biết thêm, trong lần tiếp xúc với ông tại Tokio, trước những câu hỏi cho rằng văn của ông Tây quá, không phù hợp với văn học Nhật Bản, ông chia sẻ: “Tôi không nợ một giọt nào văn chương Nhật Bản”, bởi ông luôn coi văn học Nhật Bản là cốt lõi, ông lấy chất liệu văn hoá người Nhật, tên tuổi người Nhật, vì ông sống ở Tây, có thể viết tiếng Anh nhưng ông luôn viết văn bằng tiếng Nhật. Điều đó chứng tỏ ông luôn coi văn học Nhật Bản là cội rễ của mình.
Thiên Lam