Sự cố “Đạm Tiên là con trai”: Sẽ bổ sung bản đính chính cho “Truyện Kiều”

"Chúng tôi có thiếu sót, nhưng xin dư luận hiểu rõ: đây chỉ là lỗi đánh máy và thiếu cẩn thận khi kiểm tra. Hoàn toàn không có chuyện  người biên tập hiểu sai về Truyện Kiều ở đây "- ông Nguyễn Khắc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Kiều học, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN).

Như Thể thao & Văn hóa đã thông tin, Hội này vừa phát hành ấn bản kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du.

Tại trang 29 của ấn bản này, lời chú thích "Tống thư có câu: ca nhi, vũ nữ (con trai hát, con gái múa)" (dành cho câu thơ số 62: Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi) đã nhanh chóng nhận về sự thắc mắc của người đọc.

Theo ông Bảo, nguyên văn của ấn bản này không có chữ "trai" (Con hát, con gái múa). Tuy nhiên, người đánh máy bản thảo đã hiểu nhầm rằng đây là chú thích... bị thiếu, và tự thêm chữ "trai" vào để... cân bằng 2 vế. Tiếp đó, do sơ suất, những người biên tập cũng bỏ sót lỗi này và dẫn tới sự việc như trên.

Sự cố “Đạm Tiên là con trai”: Sẽ bổ sung bản đính chính cho “Truyện Kiều” - 1

Ông Nguyễn Khắc Bảo

Thẳng thắn, ông Bảo cũng chỉ ra thêm một số lỗi đánh máy khác trong ấn bản này khi trao đổi. Chẳng hạn, tại câu thơ số 1686 (Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng), từ "đâu" bị in nhầm thành "dâu". Tại câu số 1760 (Nỗi lòng no những bàn hoàn điềm tây), 2 từ cổ "bàn hoàn" (băn khoăn, nghĩ quanh quẩn) cũng bị in thiếu, khiến câu thơ còn có 6 chữ.

"Hiện tại, Hội Kiều học đang khẩn trương in bản đính chính liệt kê các lỗi này, để bổ sung vào những cuốn Truyện Kiều chưa kịp phát hành trên thị trường" - ông Bảo cho biết thêm."Rất mong các độc giả thông cảm về sơ suất này".

Được biết, bản Truyện Kiều này được hiệu khảo và chú giải bởi ông Bảo và 7 chuyên gia khác. Đây là kế hoạch được Hội Kiều học đặt ra, với mục đích muốn xây dựng một bản Truyện Kiều thống nhất, dựa trên nhiều bản Kiều khác nhau trong quá khứ.

Sự cố “Đạm Tiên là con trai”: Sẽ bổ sung bản đính chính cho “Truyện Kiều” - 2

Ấn bản “Truyện Kiều” của Hội Kiều học

Để biên soạn ấn bản này, nhóm chuyên gia đã căn cứ vào 13 văn bản chữ Nôm khác nhau để cùng nghiên cứu, và thay đổi 498 từ so với bản Kiều do Đào Duy Anh hiệu khảo – vốn là bản Kiều phổ thông nhất hiện nay.

Thực tế, do không còn bản gốc, hàng chục văn bản Truyện Kiều chữ Nôm còn lưu giữ đến nay đều đi kèm những cách hiểu, cách đọc khác nhau cho một số chữ. Và, cũng vì sự phức tạp của chữ Nôm, việc chú giải, cắt nghĩa Truyện Kiều thường xuyên khiến các giới nghiên cứu sa vào những cuộc tranh luận lớn.

Số chữ gây tranh cãi này, tùy theo quan điểm của các chuyên gia, được cho là nằm ở con số từ 918 cho tới 1962 chữ.

Đặc biệt, dù được đánh giá cao, bản Kiều do cố học giả Đào Duy Anh bị cho là chịu ảnh hưởng của bản chữ Nôm Kiều Oánh Mậu (in năm 1902) mà ít có sự tham chiếu với các bản chữ Nôm còn lại.

Theo Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm