Sự cảnh tỉnh về tội ác ấu dâm trong điện ảnh Hàn

(Dân trí) - Hàn Quốc là một nền điện ảnh hiếm hoi ở Châu Á đã dám thực hiện những bộ phim đầy sức nặng, để chiến đấu với nạn ấu dâm, để nói lên tiếng nói cảnh tỉnh cho toàn xã hội, đồng thời tạo nên những sự đổi thay mạnh mẽ về nhận thức đối với người xem…

Cho tới giờ, “The Crucible” (Buộc phải im lặng - 2011) vẫn được xem là bộ phim làm về nạn ấu dâm có sức cảnh báo và tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc.

Khi phim ra rạp hồi năm 2011, giới phê bình điện ảnh nước này đã dành sự đánh giá trân trọng cho một bộ phim hiếm hoi dám đề cập thẳng thắn tới một chủ đề mà hầu hết các nhà làm phim Hàn đều ngại đề cập đến.

Poster phim “The Crucible” (Buộc phải im lặng - 2011)
Poster phim “The Crucible” (Buộc phải im lặng - 2011)

Dù là một bộ phim có đề tài nặng nề, gai góc, nhưng “Buộc phải im lặng” đã đứng vị trí thứ nhất trong ba tuần liên tiếp tại phòng vé Hàn Quốc, thu về 7,8 tỷ won sau tuần đầu ra rạp và thu về tổng doanh thu 35 tỷ won sau 10 tuần công chiếu rộng rãi trên toàn quốc.

Sau khi phim ra rạp, dư luận Hàn Quốc đã rất chú ý tới phim, khiến cho cuốn tiểu thuyết nguyên gốc cùng tên (được thực hiện dựa trên vụ án có thật) bỗng trở thành cuốn sách bán chạy tại thị trường xuất bản Hàn Quốc sau hai năm xuất bản khá trầm lắng.

Những đối thoại xoay quanh bộ phim khi đó đã xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông Hàn Quốc. “Buộc phải im lặng” kể về sự việc có thật từng xảy ra tại một trường nội trú dành cho các học sinh khiếm thính, tại đây, nhiều học sinh đã trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành thể chất và lạm dụng tình dục, gây ra bởi chính những giáo viên trong trường.

Nội dung phim vừa kể về tội ác của những kẻ ấu dâm vừa xoáy vào những điểm bất cập trong quá trình xử lý tội phạm ấu dâm tại thời điểm bấy giờ, khi những kẻ phạm tội sau khi bị đưa ra ánh sáng chỉ phải chịu khung hình phạt quá nhẹ so với những gì đã gây ra.

Nhân vật thầy giáo Kang In-ho - người thầy tận tụy bên các học trò khiếm thính
Nhân vật thầy giáo Kang In-ho - người thầy tận tụy bên các học trò khiếm thính

Ngay khi bộ phim ra mắt, dư luận Hàn Quốc đã bị chấn động bởi một vụ án những tưởng đã bị lãng quên từ cách đó vài năm. Vụ việc liền bị đưa ra điều tra lại, từ đây, mở ra những thay đổi mạnh mẽ trong luật pháp Hàn Quốc, khung hình phạt đối với tội phạm ấu dâm ngay lập tức được nâng mức, để thỏa đáng hơn với tính chất của hành vi phạm tội.

Tờ tạp chí điện ảnh Hollywood Reporter (Mỹ) từng nhận xét “Buộc phải im lặng” là một phim đầy sức nặng, được xây dựng tốt, vừa đảm bảo thông điệp cảnh tỉnh xã hội, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo tính chất của một bộ phim điện ảnh với bối cảnh, quãng lặng, cao trào… được tính toán kỹ lưỡng, tạo nên sự kịch tính và sức thuyết phục.

Khi phim ra rạp, đã có hơn 4 triệu lượt khán giả Hàn Quốc đi xem phim này.

Trong cảnh mở màn bộ phim, nhân vật nam chính - thầy giáo Kang In-ho lái xe đến một thị trấn nhỏ trong màn sương mờ dày đặc báo hiệu những điều mờ ám sắp mở ra trong chuyện phim. Một cảnh quay khác cho thấy bóng của một cậu bé lầm lũi đi dọc một lối đi tối tăm. Những cảnh quay trong “Buộc phải im lặng” mang đầy tính biểu tượng như thế.

Thầy giáo Kang In-ho đã cùng với một nhà hoạt động xã hội đưa sự việc ra ánh sáng, dù vậy, mọi việc không hề đơn giản...
Thầy giáo Kang In-ho đã cùng với một nhà hoạt động xã hội đưa sự việc ra ánh sáng, dù vậy, mọi việc không hề đơn giản...

Là một thầy giáo góa vợ, thầy Kang để con gái nhỏ lại cho mẹ mình chăm sóc và nhận lời chuyển tới thị trấn nhỏ để đảm nhận công việc mới - làm giáo viên giảng dạy mỹ thuật cho các trẻ em khiếm thính ở một trường nội trú.

Mặc dù thầy giáo Kang rất nỗ lực để thân thiết hơn với các học trò mới, nhưng các em đều thờ ơ, lãnh đạm, lảng tránh thầy. Dần dần, khi đã có thời gian gắn bó với trường lớp, thầy giáo Kang chứng kiến những sự việc lạ lùng, thậm chí gây sốc, xảy đến trong ngôi trường nội trú, báo hiệu những mảng tối kinh hoàng ẩn giấu đằng sau một số giáo viên của trường.

Những góc quay trong “Buộc phải im lặng” cố tình chứa đựng màu sắc ma mị, rùng rợn, từ cách sử dụng ánh sáng, những bối cảnh đặt trong hành lang vắng lặng… Nửa sau của bộ phim chủ yếu khai thác các hoạt động tố tụng, với những cảnh quay trong phòng xử án, nhưng vẫn không hề để mất đi sự căng thẳng cần có đối với một bộ phim làm về đề tài tội phạm.

Trailer “The Crucible” (Buộc phải im lặng - 2011)

Những nhân vật tuổi thiếu niên xuất hiện trong phim... Các em vừa là nạn nhân, chịu đựng nỗi đau, sự hoảng loạn, nhưng cũng là những người tự cứu giúp chính mình, tự tìm ra lối thoát, góp phần vạch trần tội ác bằng sự kiên cường, mạnh mẽ khi đối diện với tội phạm ấu dâm lúc đứng trước sự phán xử của pháp luật.

Tại các giải thưởng điện ảnh lớn nhất của Hàn Quốc như giải Rồng Xanh (Blue Dragon) hay giải Chuông Lớn (Grand Bell), “Buộc phải im lặng” đã nhận được nhiều đề cử, cho thấy sự ghi nhận của giới điện ảnh Hàn Quốc đối với một bộ phim chứa đựng nhiều thông điệp ý nghĩa dành cho xã hội - một bộ phim mang nhiều tính tiên phong của điện ảnh Hàn.

Sau tầm ảnh hưởng của “Buộc phải im lặng”, năm 2013, “Hope” (Hy vọng) ra mắt tại Hàn Quốc, cũng đề cập tới đề tài gai góc của điện ảnh - nạn ấu dâm.

Phim cũng dựa trên một câu chuyện có thật từng xảy ra tại Hàn Quốc hồi năm 2008, một câu chuyện quá đỗi xót xa xảy đến với cô bé 8 tuổi. Cô bé đã bị bạo hành và cưỡng bức tàn nhẫn bởi một người đàn ông say rượu 57 tuổi. Kẻ thủ ác sau đó lĩnh án 12 năm tù, nhưng những di chứng kinh hoàng đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của cô bé là rất khó hồi phục…

“Hope” (Hy vọng - 2013)
“Hope” (Hy vọng - 2013)

Chuyện phim bắt đầu bằng cảnh đi học về của So-won (tên này trong tiếng Hàn có nghĩa là “hy vọng”). So-won bất ngờ bị tấn công tình dục bởi một người đàn ông lạ mặt say rượu. Hậu quả của vụ việc đã khiến So-won phải gánh chịu những tổn thương thể chất kinh hoàng, đáng sợ hơn chính là những vết thương tinh thần rất khó có khả năng lành lại.

Gia đình So-won từng rất hạnh phúc, bỗng chốc rơi vào cơn lao đao, đau khổ tột cùng khi cô con gái bé nhỏ của gia đình trải qua một bi kịch quá khủng khiếp, khiến cha mẹ của em cũng không thể đứng vững. Chứng kiến sự đau đớn cả về thể xác và tinh thần của con, cha mẹ So-won đau đớn, bất lực, giận dữ với chính mình…

Sự đau đớn tột cùng của người mẹ khi chứng kiến bi kịch xảy đến với con gái
Sự đau đớn tột cùng của người mẹ khi chứng kiến bi kịch xảy đến với con gái

Kể từ ngày xảy ra bi kịch, So-won không còn muốn gặp lại cha của cô bé nữa, bởi vậy, cha của So-won đã phải hóa trang thành nhân vật chú chó hoạt hình yêu thích nhất của con để có thể lại gần con và trở thành món đồ chơi an ủi, vỗ về đứa con nhỏ bất hạnh. Nhờ vào tình yêu thương, So-won dần hồi phục…

Khi chuyện phim đi tới kết thúc, những vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ… Nhưng giữa nỗi buồn, sự tuyệt vọng, mỗi nhân vật vẫn đều phải cố gắng bước tiếp, để tìm ra niềm hy vọng, để tiếp tục tồn tại và tự hàn gắn vết thương.

Sự cảnh tỉnh về tội ác ấu dâm trong điện ảnh Hàn - 6

Ngay từ tên phim - “Hy vọng”, người xem đã cảm nhận được thông điệp tích cực. Chuyện phim tập trung khai thác vào những gì diễn ra sau bi kịch, cho thấy rằng cuộc sống này vẫn đáng sống, rằng trên mảnh đất của buồn đau và tuyệt vọng, vẫn có thể này mầm bông hoa hy vọng.

“Hy vọng” đã đón gần 3 triệu lượt người xem điện ảnh với mức doanh thu đạt hơn 18,5 triệu won. Tại giải thưởng điện ảnh Rồng Xanh uy tín, phim bất ngờ được trao giải Phim hay nhất. Ngoài ra, tại các giải thưởng điện ảnh khác, “Hy vọng” cũng nhận được nhiều đề cử và rinh về nhiều giải thưởng.

Bằng những bộ phim như “Buộc phải im lặng”, như “Hy vọng”, điện ảnh Hàn Quốc đã thực hiện một sứ mệnh khó khăn, khi sử dụng nghệ thuật điện ảnh để rung lên hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội, để người xem nhận thức được những nguy cơ tồn tại đối với con trẻ, giúp họ kịp tìm ra cách hướng dẫn, bảo vệ con em mình, để những bi kịch như trong phim, hy vọng rằng rồi đây, sẽ chỉ dừng lại ở trong phim.

Trailer “Hope” (Hy vọng - 2013)

Bích Ngọc
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm