“Sống” lại với phong vị Tết xưa tại những di sản nổi tiếng của Hà Nội

(Dân trí) - Tết Đinh Dậu đang đến rất gần. Để phục vụ các hoạt động vui chơi - đón xuân của người dân, Hà Nội đã tổ chức hàng loạt hoạt động mang đậm màu sắc truyền thống để làm nổi bật hương vị Tết xưa tại nhiều di sản nổi tiếng.

Cụ thể, tại đình Kim Ngân (số 42 Hàng Bạc), khách tham quan sẽ được tìm hiểu về 3 dòng tranh dân gian nổi tiếng của đồng bằng Bắc bộ là Hàng Trống, Kim Hoàng và Đông Hồ. Trong đó, sau nhiều năm vắng bóng, tranh Kim Hoàng sẽ được giới thiệu trở lại với công chúng, với những mẫu tranh truyền thống và cả một số mẫu tranh sáng tác mới theo phong cách tranh Kim Hoàng. Nổi bật nhất là bức “Thần kê” (thường gọi là Gà trống). Bức "Thần kê" được làm theo khổ lớn 2,2x0,6m.

PGS. TS Đỗ Thị Hảo - Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho biết: “Người Hà Nội từ xưa đã cho rằng Tết mà không có câu đối và tranh thì gian nhà như thiếu sự hòa hợp của màu sắc, tức là thiếu sự thoải mái của tinh thần, thì cho dù cỗ bàn có sang đến đâu cũng chưa đủ không khí Tết. Người xưa treo câu đối đỏ và những bức tranh dân gian mộc mạc, thể hiện ước mơ về một cuộc sống thái bình, sung túc...”

Bức tranh Thần kê của dòng tranh Kim Hoàng.
Bức tranh "Thần kê" của dòng tranh Kim Hoàng.

Trong khi đó, tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ (số 28 Hàng Buồm) sẽ có các hoạt động trình diễn thư pháp và vẽ tranh Tết dân gian, vẽ tranh hoa văn bằng chất liệu hiện đại và trưng bày ứng dụng sản phẩm mỹ thuật truyền thống. Các hoạt động trưng bày, triển lãm sẽ diễn ra đến 12/2/2017. Bên cạnh đó, các hoạt động trình diễn âm nhạc truyền thống sẽ diễn ra liên tục trong thời gian từ 29/1 đến 1/2, tức mùng 2 đến mùng 5 Tết Đinh Dậu. Còn tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây, không gian đón Tết của gia đình Hà Nội cổ được tái hiện cùng với những bức ảnh Tết xưa.

Ban quản lý còn sắp đặt một không gian đón Tết xưa trong ngôi nhà truyền thống đồng bằng Bắc Bộ tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ số 50 phố Đào Duy Từ. Qua đó, người xem có thể tìm hiểu, so sánh nét chung, nét riêng giữa cách đón Tết của người Hà Nội với người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ.

Tái hiện không gian Tết xưa tại 50 Đào Duy Từ. Ảnh: SM.
Tái hiện không gian Tết xưa tại 50 Đào Duy Từ. Ảnh: SM.

Theo đó, không gian Tết cổ truyền của một gia đình ở đồng bằng Bắc Bộ xưa được tái hiện một cách chân thực, sinh động ngôi nhà 3 gian, giếng nước, nhà bếp lợp bằng lá... Tất cả đều là những hình ảnh đặc trưng được họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chọn lựa, sắp đặt và trưng bày. Với không gian này, công chúng sẽ cảm nhận được những khác biệt giữa Tết xưa và nay cũng như những nét đẹp trong văn hóa đón Tết vẫn được lưu truyền, tiếp nối ở hiện tại. Tết xưa và Tết nay đều có cây đào, mâm ngũ quả đặt trang trọng trên bàn thờ, cặp bánh chưng xanh cùng không khí háo hức, rộn ràng trước thềm năm mới.

Qua thời gian, các lễ nghi ngày Tết có đôi chút thay đổi nhưng những phong tục, lễ nghi quan trọng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ thì dường như vẫn được tiếp nối, duy trì chẳng có sự khác biệt. Họ vẫn dựng cây nêu trong nhà ngày Tết, làm mâm cơm tiễn ông Công ông Táo về trời, cúng tất niên, cúng giao thừa, xông đất, mừng tuổi, đi lễ chùa xin lộc.

Bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Trưởng BQL phố cổ Hà Nội chia sẻ: “Các hoạt động này nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, mang đến cho du khách, đặc biệt là các bạn trẻ những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt Tết truyền thống của người Hà Nội và các vùng ven đô. Qua đó, chúng tôi mong muốn mọi người cùng duy trì và phát huy được giá trị văn hóa không chỉ ở hoạt động văn hóa Tết truyền thống mà còn ở các hoạt động khác như phố nghề, lễ hội trong phố cổ Hà Nội”.

Đón Tết theo phong cách của người Bắc Bộ xưa tại ngôi nhà 87 Mã Mây. Ảnh: TL.
Đón Tết theo phong cách của người Bắc Bộ xưa tại ngôi nhà 87 Mã Mây. Ảnh: TL.

Tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (số 9, Hoàng Diệu, Ba Đình) sẽ diễn ra nhiều hoạt đồng mừng Tết Đinh Dậu kéo dài đến 28/2. Theo đó, du khách đến đây trong những ngày này sẽ được thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, lễ dựng cây nêu, tham quan các hố khai quật khảo cổ vừa phát lộ mang nhiều dấu tích của thời Đại La, thời Trần, Lý, Lê sơ, Lê Trung hưng... thời gian gần đây.

Và từ ngày 20/1 đến 28/2/2017, Hoàng thành Thăng Long còn phối hợp với các nhà sưu tầm, các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống để trưng bày, giới thiệu những bộ sưu tập hiện vật độc đáo tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Triển lãm Tranh Tết truyền thống Việt Nam giới thiệu 3 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu là tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ qua bộ sưu tập của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội; Triển lãm Triều phục Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn như: Áo Ngự hàn Viên Long của Chúa Trịnh; Áo Đoạn kép của Chúa Trịnh; Hoàng (Long) Bào Đại Triều mùa Xuân - Hạ của Hoàng đế; Áo Cát Phục Viên Long của Vua Đồng Khánh…

Thông qua bộ sưu tập sẽ giúp du khách tìm hiểu về nghệ thuật thêu may truyền thống Việt Nam, cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công và nét độc đáo, tinh xảo của trang phục cung đình truyền thống.

Nhiều hoạt động vui đón xuân mang đệm màu sắc truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long sẽ được diễn ra từ nay đến 28/2. Ảnh: HTTL.
Nhiều hoạt động vui đón xuân mang đệm màu sắc truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long sẽ được diễn ra từ nay đến 28/2. Ảnh: HTTL.

Triển lãm ảnh di sản Việt Nam giới thiệu 100 tác phẩm xuất sắc được lựa chọn từ cuộc thi ảnh di sản Việt Nam, đem đến cho người xem những cảm xúc chân thực về vẻ đẹp của đất nước, quê hương, con người Việt Nam muôn màu, muôn vẻ và giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại sân Đoan Môn được trang trí một số mô hình tiểu cảnh hoa với hình ảnh Rồng chầu, hình ảnh giỏ hoa và biểu tượng Cung chúc tân xuân, kết hợp trưng bày cây ảnh nghệ thuật với nhiều dáng thế độc đáo như “Ngũ phúc”, “phượng bay”, “huynh đệ”, “rồng sa”, “sóng đôi”, “ long hội”, “phượng vũ”, tạo hiệu ứng màu sắc, hình ảnh tươi đẹp của mùa xuân, tạo thêm không gian để du khách tham quan, chụp ảnh.

Bên cạnh đó, triển lãm tranh với chủ đề “Mừng Đảng, Mừng Xuân 2017” do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã khai mạc tại nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội sẽ diễn ra từ 19/1 đến 26/1. Triển lãm trưng bày hơn 200 tác phẩm của các tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các tác phẩm được trình bày trên nhiều chất liệu như: sơn dầu, acrylic, sơn mài, lụa, giấy dó, tranh khắc, tranh thuốc nước… với nhiều màu sắc, cung bậc của mùa xuân.


Triển lãm tranh Mừng Đảng, mừng Xuân của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Triển lãm tranh "Mừng Đảng, mừng Xuân" của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ngoài ra, từ ngày 30/1 đến 5/2 (tức mùng 3 Tết đến mùng 9 Tết Đinh Dậu) tại phố Lê Thạch và Vườn hoa Lý Thái Tổ (khu vực nhà Bát giác), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra “Phố Sách Xuân Đinh Dậu 2017”. Phố Sách Xuân gồm 25 gian hàng sách được trưng bày đẹp, với sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, công ty sách được bạn đọc quan tâm. Đến với Phố Sách Xuân, bạn đọc sẽ có cơ hội được tiếp cận với nhiều thể loại sách phong phú, đa dạng về chủng loại cùng nhiều phần quà ý nghĩa, bất ngờ từ các nhà xuất bản, công ty sách nhân dịp đầu xuân năm mới 2017.

Đặc biệt, “Phố Sách Xuân Đinh Dậu 2017” năm nay còn có gian giới thiệu báo Tết, báo Xuân của các cơ quan báo chí Hà Nội; không gian giới thiệu nghệ thuật Thư pháp và tặng chữ Thư pháp viết miễn phí cho bạn đọc; các quầy sách lưu động và một số khu vực ghế nghỉ đọc sách, cà - phê sách dành cho bạn đọc tham gia Phố Sách xuân.

Ngoài các chương trình giao lưu, giới thiệu tác giả, tác phẩm của các nhà xuất bản, công ty sách, các hoạt động: tô màu sách lịch sử, vẽ tranh dành cho thiếu nhi, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, Thơ xuân... cũng sẽ được tổ chức tại không gian Phố Sách.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm