Sống lại một thời ký ức Hà Nội qua “Mảnh vỡ Hà Nội”

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Vở diễn “Mảnh vỡ Hà Nội” do PGS.TS.Nguyễn Thị Minh Thái chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn “Hà Nội gió mùa” của nhà văn Lê Minh Khuê, NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn.

Vở diễn kể về câu chuyện tình tay ba đắng chát giữa hai người đàn bà gồm Hân (vợ chính), Việt (phòng nhì) và ông Cơ. Câu chuyện ấy không chỉ liên quan tới hai người phụ nữ luôn bị nỗi ám ảnh giày vò mà còn kết nối số phận hai người con trai giống nhau như tạc của họ là Nghĩa Hiếu và Nghĩa Phong. Cuộc đời đẩy đưa, số phận bắt hai chàng trai, dù gì cũng là con một nhà, trở thành những người đối đầu trên hai chiến tuyến.

Sống lại một thời ký ức Hà Nội qua “Mảnh vỡ Hà Nội” - 1

Vở diễn là món quà mà Sân khấu Lệ Ngọc muốn dành tặng mảnh đất địa linh nhân kiệt nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sống lại một thời ký ức Hà Nội qua “Mảnh vỡ Hà Nội” - 2

Vở diễn đậm chất nhân văn và đậm đặc sắc màu Hà Nội.

Các nghệ sĩ như: Thanh Bình (ông Cơ), Diệu Linh (bà Hân), Hương Thủy (bà Việt), Anh Tuấn (Hiếu), Lâm Cương (Phong)... và đặc biệt là các diễn viên nhí như: Như Khôi (Hiếu hồi nhỏ), Gia Đăng (Phong hồi nhỏ) diễn xuất khá nhuần nhị, tròn vai, khiến khán giả khóc cười, xúc động cùng nhân vật.

Theo nhà phê bình sân khấu Cao Ngọc, góp phần không nhỏ cho việc tạo dựng không gian Hà Nội của vở diễn là những tiếng động “đắt” như: tiếng rao quà đêm, tiếng chổi tre trong lác đác… Hay để những ứng xử lịch thiệp, theo đúng văn hoá ứng xử của “người Hà Nội gốc” ngay trong hoàn cảnh rất trớ trêu là khi hai người phụ nữ gặp nhau để “đánh ghen” vậy mà lại ngấm ngầm vật vã với những đớn đau rất… đàn bà.

“Tác phẩm sân khấu đã thuyết phục được người xem, khiến họ thêm yêu mảnh đất ngàn năm văn vật qua cái nhìn trong sáng về một Hà Nội, một văn hóa ứng xử Hà Nội vào những ngày đầu đông đầy gợi nhớ của thời gian đã qua”, nhà phê bình Cao Ngọc nhìn nhận.