Sơn Tùng M-TP và loạt sao Việt bị chế ảnh khiêu dâm, rao bán trên mạng
(Dân trí) - Lợi dụng công nghệ deepfake (kỹ thuật cho tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo), nhiều tài khoản Twitter tạo ra các ảnh đồi trụy, giả mạo nghệ sĩ Việt với mục đích không lành mạnh.
Ảnh khiêu dâm giả mạo sao nam Vbiz tràn lan Twitter
Gần đây, loạt hình ảnh nhạy cảm "giả mà như thật" của sao Việt gây xôn xao trên mạng xã hội Twitter. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, một số tài khoản lợi dụng công nghệ deepfake - sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tái tạo lại khuôn mặt, hình dáng các nam nghệ sĩ nổi tiếng. Từ đó, các tài khoản cắt ghép tạo ra những bức ảnh khỏa thân, những tình huống không lành mạnh, thậm chí là các tư thế quan hệ tình dục.
Điển hình như tài khoản có tên "Fake_***" với 10.000 người theo dõi. Người dùng này chuyên đăng hình nhạy cảm của các nam nghệ sĩ Việt, rao bán với nhiều loại giá khác nhau. Tài khoản này cũng nhận chế ảnh deepfake (có thu phí) theo nhu cầu của người dùng mạng. Điều gây bức xúc là chủ nhân của tài khoản khẳng định việc cắt ghép chỉ mang tính chất... giải trí, không xúc phạm ai.
Một số nghệ sĩ từng bị ghép hình thô tục trên tài khoản này có thể kể đến như MONO, Sơn Tùng M-TP, Liên Bỉnh Phát, Hieuthuhai... Không chỉ người nổi tiếng trong showbiz, một số nam TikToker cũng bị chế ảnh khiêu dâm, như Khoai Lang Thang, Hải Đăng Doo...
Tài khoản "Fake_***" thậm chí còn lập bảng khảo sát để người dùng bình chọn... sao nam yêu thích của họ, tạo cơ hội cho nhiều bình luận tục tĩu xuất hiện.
Tài khoản "fake_***" này đã nhiều lần đổi tên và hiện không thể truy cập được. Khi phóng viên Dân trí nhấp vào đường link tài khoản thì hiện ra dòng chữ "không tồn tại". Điều này có nghĩa tài khoản đã bị chính chủ tự xóa, hoặc bị tạm ngưng sử dụng do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng của Twitter.
Tối 13/4, phóng viên Dân trí liên hệ với Liên Bỉnh Phát - một trong những nghệ sĩ là nạn nhân của nạn ghép ảnh khiêu dâm. Đại diện nam diễn viên cho biết đã nắm được thông tin về sự việc nhưng không muốn làm ồn ào, tránh quảng cáo cho những tài khoản không lành mạnh.
"Tất cả những hình ảnh trên đó đều là giả mạo. Nếu là fan chân chính của Liên Bỉnh Phát thì sẽ biết đó là ảnh ghép, sẽ tỉnh táo phân biệt được. Khán giả đàng hoàng, có văn hóa thì cũng không ai vào những tài khoản, hội nhóm thiếu lành mạnh, không chính thống như vậy. Tôi còn được biết có những hội nhóm rao bán ảnh Liên Bỉnh Phát giá 200.000 đồng, nhưng cũng chưa vào xem thực hư như thế nào. Nói chung, nghệ sĩ rất bức xúc nhưng cũng không thể làm được gì. Chúng tôi cũng không muốn làm ồn ào vì đây là tình trạng tràn lan, nhiều người gặp phải. Chúng tôi chỉ có thể khuyến cáo các fan không nên vào những trang độc hại. Thời gian tới, hy vọng cơ quan chức năng sẽ có động thái xử lý, ngăn chặn được tình trạng này", đại diện Liên Bỉnh Phát nói.
Khi được hỏi về vấn đề ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cá nhân, phía Liên Bỉnh Phát cho rằng "đã là ảnh ghép thì không có gì phải lo lắng, sợ hãi nó sẽ gây ảnh hưởng đến mình".
Cũng trong tối 13/4, khi liên hệ với MONO, phía nam ca sĩ cho biết sẽ tiếp nhận thông tin nhưng tạm thời chưa đưa ra phản hồi chính thức về vụ việc.
Đây không phải lần đầu tiên nghệ sĩ Việt vướng ồn ào bị ghép ảnh nhạy cảm. Tháng 3/2021, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc từng trở thành nạn nhân của công nghệ deepfake. Theo đó, mạng xã hội lan truyền thông tin cô bị rò rỉ clip "nóng" trên các trang web "đen". Ngay sau đó, Ninh Dương Lan Ngọc đã lên tiếng đính chính thông tin, khẳng định đó không phải clip của mình.
"Chúng tôi cảm thấy rất tức giận và sốc khi nghệ sĩ của chúng tôi trở thành một nạn nhân của deepfake và những vụ bôi nhọ qua mạng", đại diện truyền thông của Ninh Dương Lan Ngọc chia sẻ vào thời điểm xảy ra sự việc.
Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy - xử phạt ra sao?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Hà Nội) - cho biết việc phát tán hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội không được pháp luật cho phép. Các hình ảnh này không đảm bảo chuẩn mực đạo đức, ảnh hưởng không tốt đến người xem, tác động tiêu cực đến xã hội. Do đó, Nhà nước luôn đưa ra các biện pháp kiểm soát hình ảnh trên mạng, xử phạt các hành vi vi phạm.
Cũng theo luật sư này, pháp luật quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định của pháp luật thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
"Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình là một trong những quyền nhân thân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Nó liên quan đến các chuẩn mực xây dựng trong xã hội. Qua đó thấy được giá trị thân thể của con người phải được tôn trọng, không được xâm phạm", luật sư Bình nhấn mạnh.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, người đăng tải hình ảnh có thể bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm dân sự, nặng hơn có thể là bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi theo Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP) quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Trong trường hợp này, những người cắt ghép, phát tán đang vi phạm pháp luật khi đăng tải, chia sẻ các hình ảnh đồi trụy trong xã hội. Thông qua các trang mạng, tốc độ tiếp cận rất nhanh chóng nên sẽ ảnh hưởng lớn tới người có hình ảnh bị vi phạm.
Một số trường hợp khác, tùy theo mức độ nghiêm trọng, việc phát tán ảnh nóng lên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm nhục người khác" hoặc tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy". Tội "Làm nhục người khác" có khung hình phạt lên đến 5 năm tù. Tội "Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" được quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 với hình phạt có thể lên đến 15 năm tù.
Deepfake là một từ ghép, được tạo ra bằng cách kết hợp hai thuật ngữ gồm "deep learning" (học sâu) và "fake" (giả mạo) và là một dạng trí tuệ nhân tạo.
Ban đầu, những video deepfake chỉ được tạo ra với mục đích giải trí đơn thuần như biến diễn viên Tom Cruise trở thành nhân vật trong phim Iron man. Tuy nhiên, công nghệ này càng lúc càng bị lạm dụng và trở thành "cơn ác mộng" đối với nhiều người, đặc biệt là những người nổi tiếng.
Theo đó, kẻ xấu đã sử dụng công nghệ này để tạo ra những sản phẩm phim khiêu dâm bằng cách ghép mặt của người nổi tiếng vào thân hình của các diễn viên trong phim người lớn. Hàng loạt diễn viên như Emma Watson, Gal Gadot, Scarlett Johansson… đều đã trở thành nạn nhân của deepfake.
Chưa dừng lại ở đó, deepfake hiện còn bị lạm dụng để thao túng, phát tán thông tin giả mạo về các chính trị gia. Các chuyên gia nhận định deepfake vô cùng nguy hiểm. Đó là bởi những thông tin sai lệch sử dụng công nghệ cao có thể phát tán rất nhanh trên quy mô toàn cầu. Khi những video deepfake phổ biến, việc chọn lọc thông tin trên mạng sẽ trở nên khó khăn hơn.