Sở Văn hóa Hà Giang lên tiếng về dấu tích ngôi chùa cổ thời Trần

Lạc Thành Hương Hồ

(Dân trí) - Đại diện Sở VH-TT&DL Hà Giang đã lên tiếng khi phát hiện ra dấu tích của một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần với nhiều hiện vật quý.

PGS.TS Trình Năng Chung - Hội Khảo cổ học Việt Nam - chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng, người dân huyện Bắc Mê, Hà Giang vẫn lưu truyền câu chuyện ở thôn Bó Củng, Yên Phú có dấu tích một ngôi chùa cổ, do đó Sở VH-TT&DL Hà Giang đã mời chuyên gia khảo sát về địa điểm này.

"Vào ngày 22-25/11, tôi có lên Hà Giang, đi cùng đoàn của Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang, Bảo tàng Hà Giang... để đoàn khảo sát ngôi chùa đó. Chúng tôi đi lên một quả đồi cách sông Gâm khoảng 50m, đối diện bên kia sông là thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê.

Khi đoàn đến nơi, thấy địa điểm đó lá rụng rất nhiều, đoàn đã cho người dọn sạch lá cây, thảm thực vật thì thấy hiện vật lộ dần ra.

Theo truyền thuyết của địa phương thì hiện vật có từ đầu thế kỷ 19 nhưng thông tin bước đầu thì đó là dấu tích của một ngôi chùa thời nhà Trần, thế kỷ 13-14", ông Chung cho biết.

Sở Văn hóa Hà Giang lên tiếng về dấu tích ngôi chùa cổ thời Trần - 1
Các hiện vật mái ngói được phát hiện tại Hà Giang (Ảnh: Trình Năng Chung).

Theo đó, đoàn khảo sát đã tìm thấy 500 hiện vật đất nung gồm: Tháp nhỏ, ngói, vật liệu trang trí, gốm sứ gia dụng…

Về đồ đá, đoàn đã tìm thấy 12 tảng đá kê chân cột. Đặc điểm chung là những chân tảng này là, mặc dù có hình dáng tự nhiên khác nhau, nhưng trên bề mặt đều có dấu vết tu sửa cho bằng phẳng để kê chân cột gỗ. Các chân tảng này có kích thước trung bình từ 45cm-60cm, dày từ 25cm-35cm.

Đặc biệt, có 1 chân tảng, bề mặt được đục phẳng, hình tròn phẳng, nổi khối tạo một đường viền hình tròn nổi cao 4cm so với bề mặt xung quanh. Đường kính của khối nổi hình tròn đo được 40cm, tương ứng với đường kính chân cột gỗ tròn dựng trên đó. Có 2 chân tảng được ghè đẽo có mặt bằng hình vuông. Mỗi bề đo được 40cm.

Về đồ kim loại tìm thấy 2 mảnh chuông nhỏ, 1 bằng sắt và 1 bằng đồng.

Với những di vật phát lộ trên bề mặt, chứng tỏ dưới lòng đất khu di tích này còn ẩn chứa nhiều di vật quý, cần tiếp tục khám phá và nghiên cứu.

Sở Văn hóa Hà Giang lên tiếng về dấu tích ngôi chùa cổ thời Trần - 2
Ngói mũi nhọn tìm thấy ở di tích chùa thời Trần ở Bắc Mê (Ảnh: Trình Năng Chung).

Đoàn khảo sát đã mở một hố đào thám sát nhỏ (2m2) ở vị trí cách trung tâm đỉnh đồi khoảng hơn 10m về phía Đông. Hố đào sâu 45cm, tầng văn hóa phát lộ dày 40cm, chứa đầy mảnh ngói, chủ yếu là loại ngói mũi nhọn có 2 mấu nổi ở đầu. Có trên 250 mảnh ngói, trong đó có 6 viên ngói khá nguyên vẹn. Có thể khẳng định đây là vị trí mái nhà kiến trúc cổ đã đổ sập xuống nơi đây.

Đoàn cũng đã tiến hành khảo sát xung quanh quả đồi có di tích kiến trúc, phát hiện thấy có 3 vòng kè đá nương theo chu vi quả đồi bao bọc cho khuôn viên kiến trúc. Nhìn chung, quy mô di tích khá lớn, rộng hàng nghìn mét vuông.

Sở Văn hóa Hà Giang lên tiếng về dấu tích ngôi chùa cổ thời Trần - 3
Ngói mũi sen tìm thấy ở di tích chùa thời Trần ở Bắc Mê (Ảnh: Trình Năng Chung).

PGS.TS Trình Năng Chung cho biết: "Qua nghiên cứu các di vật, di tích phát hiện được trên mặt đất và trong hố đào thám sát, bước đầu có thể khẳng định: Đây là dấu tích của một ngôi chùa cổ có niên đại khởi dựng từ thời nhà Trần, thế kỷ 13-14.

Ngôi chùa có quy mô khá lớn, được xây dựng với nhiều đặc điểm kiến trúc của các ngôi chùa cùng thời kỳ trong cương vực lãnh thổ miền núi phía Bắc của nhà Trần".

Theo ông Chung, ngôi chùa có giá trị lịch sử, văn hóa và xã hội rất quan trọng trong thời kỳ văn hóa Đại Việt ở nước ta, sự có mặt của ngôi chùa này rất có ý nghĩa trong việc cắm mốc văn hóa Đại Việt ở vùng biên cương, khẳng định ý thức văn hóa chủ quyền của dân tộc ta từ hàng ngàn năm trước.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Hoài - Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Giang - cho biết, thông tin về dấu tích chùa cổ ở thôn Bó Củng, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê vẫn đang nằm ở việc khảo sát sơ bộ. Sở sẽ xin chủ trương của tỉnh Hà Giang để khai quật di tích.

"Sở VH-TT&DL Hà Giang đang làm tờ trình xin khảo sát thêm và khai quật di tích. Ban đầu mới chỉ là phát hiện, có lộ diện ra dấu vết cổ vật. Khi có ý kiến chỉ đạo được làm, chúng tôi sẽ mời chuyên gia cùng khai quật rồi mới báo cáo về Bộ VH-TT&DL", bà Hoài chia sẻ.