Số phận buồn thảm của những nhà văn nổi tiếng

(Dân trí) - Họ là những con người tài năng nhất trong giới văn chương nhưng cũng đồng thời là những con người có số phận bi đát không kém.

Ernest Hemingway (1899-1961)

Số phận buồn thảm của những nhà văn nổi tiếng


Là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng thế giới như “Ông già và biển cả”, “Chuông nguyện hồn ai”, “Giã từ vũ khí”… nhà văn nổi tiếng người Mỹ Ernest Hemingway suốt cả cuộc đời đã phải chịu đựng những bất ổn tâm lý.

Dựa trên những ghi chép về ông, các nhà tâm lý học ngày nay cho rằng Hemingway đã mắc chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực cùng những rối loạn khác về tính cách.

Ngoài ra, có thể nhà văn cũng đã bị những tổn thương não bộ sau khi chứng kiến những cảnh khốc liệt ngoài chiến trường khi còn là một lính lái xe cứu thương ở Ý hồi Thế chiến I.

Kể từ cuối thập niên 1950, sức khỏe Hemingway đã đi xuống rõ rệt. Thời đó, những biện pháp trị liệu tâm thần còn khá hạn chế, vì vậy, người ta đã không thể giúp gì nhiều cho ông. Năm 1961, ông đã tự tử bằng súng.

Gia đình Hemingway đã sản sinh ra một tài năng văn chương mang tầm vóc thế giới nhưng đồng thời đây cũng là một gia đình bi kịch. Nhiều thành viên trong gia đình Hemingway đã lần lượt tự vẫn, gồm cha của nhà văn, em gái, em trai và sau này là cháu gái của ông.

Stefan Zweig (1881-1942)

Số phận buồn thảm của những nhà văn nổi tiếng


Stefan Zweig là nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch người Áo nổi tiếng thế giới. Ở thập niên 1930, ông là tác giả có các tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất. Những tác phẩm như “Bức thư của người đàn bà không quen”, “24 giờ trong đời một người đàn bà”… là những tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp văn chương của ông.

Cuốn tiểu sử của Zweig - “Thế giới của ngày hôm qua” - đã được hoàn thành chỉ một ngày trước khi ông tự sát. Cuốn tiểu sử này đã tập trung những quan điểm của Zweig về ý nghĩa sự sống.

Trong những năm tháng cuối đời, Zweig cảm thấy càng lúc càng tuyệt vọng vì thái độ không khoan nhượng, chủ nghĩa độc đoán, chủ nghĩa Phát-xít ngày càng lan rộng, khiến ông cảm thấy tuyệt vọng về tương lai của loài người cũng như sự hủy diệt của những nền văn hóa.

Zweig đã ra đi trong tư thế nắm tay đầy thư thái. Ông lại lá thư tuyệt mệnh viết rằng: “Tôi cho rằng mình nên kết thúc khi mọi thứ vẫn còn tốt đẹp, khi cuộc sống vẫn còn trong khả năng chịu đựng, ở đó, lao động trí óc vẫn còn là niềm vui thích trong trẻo và sự tự do cá nhân là mục đích tối thượng trên trái đất này”.

Virginia Woolf (1882-1941)

Số phận buồn thảm của những nhà văn nổi tiếng


Virginia Woolf là một nhà văn nữ nổi tiếng người Anh, bà được coi là một trong những nhà văn nổi bật nhất của thế kỷ 20. Sinh thời, Virginia Woolf là một nhân vật có tầm ảnh hưởng đối với giới văn chương Anh. Những tác phẩm của Woolf có đề cập tới sự bất ổn về tâm lý và những suy ngẫm về ý nghĩa của sự tồn tại.

Sinh thời, bà cũng thường phải chịu đựng trạng thái lo lắng, bất an dẫn tới suy sụp tâm lý. Những bi kịch trong gia đình càng góp phần làm nặng thêm những rối loạn tâm thần ở bà. Thế chiến II càng khoét sâu vào sự bất an thường trực khi chứng kiến thành phố London yêu dấu bị tàn phá. Cuối cùng, Woolf quyết định tự tử.

Jack London (1876-1916)

Số phận buồn thảm của những nhà văn nổi tiếng


Jack London là một nhà văn nổi tiếng người Mỹ, tác giả của những tác phẩm nổi tiếng như “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Nanh trắng”, “Tình yêu cuộc sống”… Ông là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên có thể làm giàu từ nghề viết văn.

Jack London cũng là một người đàn ông có tính cách kỳ lạ, khá dữ dội, ông thường đi từ thái cực cảm xúc này đến thái cực cảm xúc khác một cách đột ngột, điều đó khiến người ta tin rằng Jack London có lẽ cũng mắc chứng rối loạn tâm lý lưỡng cực.

Một số tác phẩm văn học của Jack London cũng từng đề cập tới sự tự vẫn. Đặc biệt trong cuốn tự truyện của mình, ông từng kể về một lần uống rượu say và trong lúc không tỉnh táo đã lao từ trên thuyền xuống, suýt chết đuối. Trong một tác phẩm khác, ông cũng từng đề cập đến một nhân vật bị tử thương nên đã đón nhận “cái chết nhân đạo” bằng một liều thuốc tiêm từ bác sĩ.

Sau này, Jack London bị mắc bệnh sỏi thận, ở thời đó, người ta chưa có cách nào để chữa khỏi căn bệnh này. Ông chỉ còn cách sống chung với bệnh tật và những cơn đau kinh hoàng.

Người ta thường phải tiêm thuốc giảm đau liều cao cho Jack London, cuối cùng, ông đã chết vì một lần tiêm thuốc giảm đau quá liều. Trước sự ra đi này, có rất nhiều tranh cãi, có người gọi đây là một tai nạn, có người cho rằng đó chính là “cái chết nhân đạo” mà ông đã từng đề cập tới.

Edgar Allan Poe (1809-1849)

Số phận buồn thảm của những nhà văn nổi tiếng


Edgar Allan Poe là nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình, nhà thơ Mỹ. Ông cũng được coi là “ông tổ” của thể loại truyện trinh thám và hình sự, có sức ảnh hưởng đến thế hệ những nhà văn viết truyện trinh thám sau này, nổi tiếng nhất trong số đó có Arthur Conan Doyle - tác giả của loạt truyện xoay quanh thám tử Sherlock Holmes…

Edgar Poe cũng là một “thiên tài bị hành hạ”, ông đã trải qua nhiều bi kịch trong cuộc đời, vợ mất khi còn quá trẻ, Poe đau buồn tìm tới rượu và chất gây nghiện để lãng quên. Ông thường xuyên rơi vào trạng thái u uất và bị ám ảnh bởi cái chết, điều này đã được thể hiện trong những tác phẩm của ông.

Những vần thơ của một trái tim phiền muộn đã khiến ông trở thành nhà thơ nổi tiếng nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Năm 1849, người ta tìm thấy ông đang nằm hôn mê trong một quán trọ.

Người ta không thể kết luận chính xác nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự ra đi của một tài năng văn chương bởi sức khỏe trong những tháng ngày cuối đời của Edgar Allan Poe đã quá tệ hại. Thêm vào đó, ông lại đẩy nhanh sự xuống dốc bằng rượu và các chất gây nghiện.

Bích Ngọc
Theo Listverse/The L Magazine