Siêu phẩm hội họa bị hắt bẩn: Bảo vệ môi trường hay là... rối loạn tâm lý?

Bích Ngọc

(Dân trí) - Siêu phẩm hội họa "Sự sống và cái chết" của danh họa Gustav Klimt vừa bị hắt bẩn bởi một nhóm hoạt động vì môi trường. Sự việc gây sửng sốt, tranh cãi và giận dữ.

Hắt bẩn vào siêu phẩm hội họa để... bảo vệ môi trường?

Siêu phẩm hội họa bị hắt bẩn: Bảo vệ môi trường hay là... rối loạn tâm lý? - 1

Bức "Sự sống và cái chết" do danh họa Gustav Klimt thực hiện (Ảnh: Public Domain/Wikipedia).

Trong tháng 10 vừa qua, giới hội họa đã sửng sốt trước sự việc bức tranh "Hoa hướng dương" do danh họa Van Gogh thực hiện bị hai thành viên của một hội nhóm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu hắt súp cà chua.

Sự việc xảy ra khi tác phẩm đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia London (Anh). Bức "Hoa hướng dương" có mặt kính bảo vệ nên bức tranh không bị ảnh hưởng, phần khung tranh cũng chỉ bị tác động nhẹ, hậu quả để lại không nghiêm trọng.

Mới đây nhất, một nhóm hoạt động vì môi trường lại hắt dầu vào bức "Sự sống và cái chết" do danh họa Gustav Klimt thực hiện. Sự việc xảy ra tại bảo tàng Leopold ở Vienna, Áo. Bức tranh có lớp kính bảo vệ nên việc hắt dầu này cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tác phẩm.

Dù vậy, theo phía bảo tàng, lớp kính bảo vệ, mảng tường và mảng sàn bị dính dầu đen sẽ khiến họ phải tìm cách sang sửa lại.

Sau hành động hắt dầu, thành viên của hội nhóm bảo vệ môi trường còn dán tay vào mặt kính bảo vệ tranh. Động thái của những người này gây xáo trộn tới hoạt động trưng bày triển lãm nghệ thuật tại bảo tàng Leopold.

Siêu phẩm hội họa bị hắt bẩn: Bảo vệ môi trường hay là... rối loạn tâm lý? - 2

Mới đây nhất, một nhóm hoạt động vì môi trường lại hắt dầu vào bức "Sự sống và cái chết" do danh họa Gustav Klimt thực hiện (Ảnh: Daily Mail).

Giám đốc bảo tàng Leopold - ông Hans-Peter Wipplinger - đã lên tiếng bình luận về sự việc: "Những lo ngại về vấn đề biến đổi khí hậu là hợp lý, nhưng tấn công tác phẩm nghệ thuật là điều hoàn toàn sai, nếu những người này thực sự muốn đạt được mục tiêu cao nhất là chống biến đổi khí hậu.

Tôi phản đối những hành động cực đoan dạng này và mong rằng các hội nhóm bảo vệ môi trường sẽ tìm được những cách thức hành động phù hợp, để những điều lo lắng của họ được truyền thông - công chúng lắng nghe và thấu hiểu".

Bà Andrea Mayer - Bộ trưởng Bộ Văn hóa Áo cũng lên tiếng: "Tôi không tin rằng những hành động này là nhằm mục đích tốt đẹp, bởi cùng một câu hỏi đã luôn xuất hiện khi những sự việc dạng này xảy ra. Sau cùng, công chúng có tiếp nhận được thông điệp đúng đắn và nâng cao nhận thức về chống biến đổi khí hậu hay không?

Từ góc nhìn của tôi, việc mạo hiểm gây hại cho những tác phẩm nghệ thuật quý giá là cách hành động hoàn toàn sai. Văn hóa và nghệ thuật nên là người bạn đồng hành trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu, không nên trở thành đối tượng bị gây hại".

Bức "Sự sống và cái chết" của danh họa Gustav Klimt bị hắt dầu (Video: The Guardian).

Trong năm nay, đã có những tác phẩm thuộc hàng siêu phẩm hội họa bị tấn công. Ở Đức, hồi tháng trước, một bức họa của danh họa Claude Monet đã bị hắt súp khoai tây. Ở Pháp, hồi tháng 5 năm nay, bức "Mona Lisa" do danh họa Leonardo da Vinci thực hiện bị ném bánh kem. Và thực tế, các viện bảo tàng trên thế giới đã chứng kiến nhiều sự việc tương tự xảy ra trong thời gian qua.

Phản ứng của truyền thông - công chúng

Những hành động tấn công dạng này thường không để lại hậu quả nghiêm trọng bởi phương thức tấn công cũng đã được hội nhóm thực hiện cân nhắc từ trước để giảm thiểu mọi tác động ảnh hưởng.

Dù vậy, cách thức hành động này đang gây nên những tranh cãi trong dư luận, thậm chí bị cho là phản cảm, là phá hoại, khiến những mục đích tốt đẹp không nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, mà còn khiến dư luận bức xúc, bởi những di sản nghệ thuật của nhân loại bị đe dọa. Các sự việc dạng này thường là do các hội nhóm bảo vệ môi trường thực hiện.

Bức "Hoa hướng dương" do Van Gogh thực hiện bị hắt súp cà chua (Video: The Guardian).

Về việc bức "Sự sống và cái chết" của Gustav Klimt bị tấn công mới đây, cư dân mạng đã thể hiện sự không đồng tình với cách hành động của những người tự xưng là đang hành động vì môi trường.

"Đây là những kẻ ngốc", bình luận ngắn gọn của một cư dân mạng xung quanh sự việc nhận được gần 5.000 lượt "thích". Một người khác lên tiếng và cũng nhận được nhiều sự hưởng ứng: "Cảnh sát cần bắt giữ những người gây rối trật tự như thế này và họ cần phải bị khép vào tội cố ý phá hoại tài sản công".

Một ý kiến khác cho hay: "Đã đến lúc những người này cần phải bị trừng phạt, họ đang dần trở nên quá khích, cực đoan, không tôn trọng luật pháp và cộng đồng, thậm chí họ còn đang đứng trước khả năng phá hoại những di sản nghệ thuật vô giá".

Thêm một ý kiến đưa ra: "Cho dù tranh không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng hành vi phá hoại tài sản là có, những người này cần phải bồi thường cho những thiệt hại mà họ gây ra, ít nhất là đối với tấm kính bảo vệ tranh, mảng tường, mảng sàn bị tác động bởi hành vi của họ".

Một bức họa của danh họa Claude Monet bị hắt súp khoai tây (Video: The Guardian).

Nhà tâm lý học lên tiếng

Chuyên gia tâm lý học người Anh Max Pemberton đã tham gia điều trị các bệnh tâm lý trong hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh từ nhiều năm nay. Bác sĩ Pemberton vừa có một bài viết bày tỏ quan điểm của mình trước hành động gây tranh cãi của một số hội nhóm bảo vệ môi trường hiện nay.

Siêu phẩm hội họa bị hắt bẩn: Bảo vệ môi trường hay là... rối loạn tâm lý? - 3

Chuyên gia tâm lý học người Anh Max Pemberton (Ảnh: Daily Mail).

Từ góc nhìn của mình, bác sĩ tâm lý Max Pemberton cho rằng có những người tham gia hoạt động bảo vệ môi trường đã trở nên cực đoan, quá khích trong cách thức biểu đạt và hành động, mà nguyên nhân sâu xa lại xuất phát từ việc họ đang bị rối loạn lo âu, một hiện tượng của rối loạn tâm lý.

Theo chuyên gia Max Pemberton, cuộc sống đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, đó là một thực tế đang diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chi phí sinh hoạt gia tăng, suy thoái kinh tế, lạm phát, giá nhà tăng cao, các dịch vụ công nhiều khi rơi vào tình trạng quá tải, bệnh viện công luôn đông đúc... Đó là những thực tế chung mà người dân ở nhiều quốc gia đang chứng kiến. Những áp lực, căng thẳng tâm lý, những sự mệt mỏi, co kéo triền miên trong cuộc sống thường nhật là vấn đề chung mà nhiều người đang phải đối diện.

Bác sĩ Pemberton cho biết anh ủng hộ việc bảo vệ môi trường, nhưng anh không thể đồng tình với những hành động quá khích khoác lên mình tấm áo đẹp mang tên "bảo vệ môi trường".

Bác sĩ Pemberton cho biết anh đã thử đối thoại với một số "nhà hoạt động môi trường" từng có hành vi quá khích, để hiểu hơn về tư duy - hành động của họ. Sau cùng, bác sĩ Pemberton cảm thấy bất ngờ trước những gì mà anh nhận thấy qua các cuộc tiếp xúc này.

Pemberton cho rằng có một số "nhà hoạt động vì môi trường" rất dễ để mất bình tĩnh, họ không thể tranh luận bằng lý trí, không thể diễn đạt nội dung mà họ muốn truyền đạt một cách logic, thuyết phục và mạch lạc.

Siêu phẩm hội họa bị hắt bẩn: Bảo vệ môi trường hay là... rối loạn tâm lý? - 4

Trong tháng 10 vừa qua, giới hội họa đã sửng sốt trước sự việc bức tranh "Hoa hướng dương" do danh họa Van Gogh thực hiện bị hắt súp cà chua (Ảnh: Daily Mail).

Từ một số trải nghiệm của mình, bác sĩ Pemberton cho rằng có một số nhà hoạt động vì môi trường đang có dấu hiệu bị... rối loạn tâm lý, và điều này xuất phát từ những vấn đề rộng lớn và sâu xa trong cuộc sống hàng ngày, mà những người này cũng như nhiều người khác đang phải đối diện trong cuộc sống hiện đại nhiều áp lực hôm nay.

Bác sĩ Pemberton cho biết trong công việc hàng ngày, anh cũng nhận thấy các vấn đề tâm lý đang gia tăng, đặc biệt là đối với người trẻ, họ dễ bị rối loạn lo âu, khó kiểm soát tốt tâm lý bản thân.

Bác sĩ Pemberton cho rằng có thể vì những vấn đề tâm lý mà một số nhà hoạt động vì môi trường đã hành động quá khích trong quá trình theo đuổi mục tiêu bảo vệ môi trường.

Bác sĩ Pemberton khẳng định điều mà anh đang đề cập chỉ đúng với một số trường hợp mà anh đã trực tiếp tiếp xúc, nhưng đây cũng là một câu chuyện đáng suy nghĩ, bởi hiện tại, chúng ta đang phải chứng kiến những siêu phẩm hội họa bị tấn công quá... vô lý.

Theo The Guardian/Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm