"Sẽ tôn tạo Tử Cấm Thành để thấy hoàng cung của một vương triều"
(Dân trí) – Sau 2 tháng khai quật, Đoàn khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam khẳng định không gian Tử Cấm Thành có mặt bằng hình chữ nhật theo hướng bắc – nam, dài 312 m, chiều rộng 126 m, diện tích gấp 2 lần so với các tài liệu được công bố trước đây.
Chiều ngày 23/11, Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định đã tổ chức công bố kết quả khai quật khảo cổ học không gian Tử Cấm Thành – Thành Hoàng đế (thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định) của nhà Tây Sơn.
Theo đó, kết quả khai quật, Đoàn khảo cổ học phát hiện những phát hiện mới, Tử Cấm Thành có mặt bằng hình chữ nhật theo hướng Bắc – Nam, có chiều dài 312 m, chiều rộng 126 m, diện tích gấp 2 lần so với những tài liệu được công bố trước đây.
Tử Cấm Thành, được chia làm 2 phần không đều nhau, ngăn cách bởi một bức tường ngắn. Phần phía Nam có các di tích như: các dãy nhà làm việc của quan lại vương triều Tây Sơn, Điện Bát Giác, Thủy hồ trang trí,… Ngoài ra, còn có một hòn non bộ và cây cảnh vẫn còn đến ngày nay. Phần phía Bắc diện tích hẹp hơn phía Nam nhưng nay chỉ còn những dấu tích nền cũng cũ, nền hậu cung… đây là không gian sinh hoạt của gia đình Hoàng đế Nguyễn Nhạc.
Thành được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu như: gạch Champa, gạch ngói thời Tây Sơn… Đồ gốm, sứ trong thành cũng có nhiều nguồn gốc như từ Trung Hoa, của thời kỳ Champa, đồ gốm Việt, đồ sành…
Theo TS. Lê Đình Phụng - Trưởng phòng Khảo cổ lịch sử Viện Khảo cổ học Việt Nam, phụ trách khai quật, cho biết: “Bằng những dấu tích đã phát hiện có thể đủ điều kiện, cơ sở khoa học để tiến hành bảo vệ, tôn tạo Tử Cấm Thành để thấy rõ hơn không gian Hoàng cung của một vương triều trong lịch sử”.