“Saving Face” - câu chuyện về những phụ nữ bị tạt a-xít
(Dân trí) - Bộ phim tài liệu Saving Face của nữ đạo diễn Sharmeen Obaid - Chinoy với đề tài là vấn đề bạo hành phụ nữ đã giành được giải thưởng Oscar danh giá.
Đây là một bất ngờ lớn của giải Oscars lần này. Bộ phim tài liệu Saving Face phô bày sự thật về số phận đầy nghiệt ngã của phụ nữ Pakistan đã thu hút sự quan tâm chú ý trên toàn thế giới. Không chỉ vén “mạng che mặt” cho thế giới biết về những người phụ nữ quanh năm bịt mặt mà Sharmeen Obaid-Chinoy còn là người Pakistan đầu tiên đoạt giải Oscar.
Đây không phải lần đầu Sharmeen Obaid-Chinoy đưa những vấn đề nhức nhối lên màn ảnh. Bà là nhà báo đầu tiên được phép làm phim ở Ả rập Saudi về những phong trào nhân quyền non trẻ của phụ nữ nước này, đồng thời cũng là đạo diễn của phim tài liệu về cộng đồng chuyển đổi giới tính của Pakistan đã được chiếu trên kênh 4.
Chinoy sản xuất phim “Saving Face” sau khi gặp gỡ với đồng đạo diễn Daniel Junge, người đã nghĩ ra ý tưởng khi phỏng vấn bác sỹ chỉnh hình người Anh Mohammad Jawad. Vị bác sỹ này đang thực hiện những chuyến đi nhân đạo nhằm phẫu thuật miễn phí cho các nạn nhân bị bạo hành. Chinoy cho biết: “Tôi ngay lập tức vạch định ra vấn đề và tin rằng sẽ cùng Daniel thực hiện tốt. Qua việc làm phim Saving Face, tôi nhận ra rằng bạo lực axit đang xảy ra ngay cả trong lĩnh vực văn hóa, và rằng những câu chuyện kể về nó sẽ không bao giờ kết thúc mỗi khi có xung đột xảy ra”.
Không những vậy, một trong những cảnh quay gây sốc trong phim là việc nhiều phụ nữ tham gia một cách vô thức vào các cuộc bạo lực với chính những người đồng giới của mình. Điển hình cho trường hợp này là Rukkhsana, một bà mẹ hạnh phúc có 2 đứa con lại bị chính bên nhà chồng làm hại. Cuộc sống đói nghèo đã buộc cô phải quay lại sống với họ, và chỉ có thể nhìn thấy con qua một bức tường.
Chinoy cho biết: “Vào năm 2007, tôi tới Afghanistan để thực hiện bộ phim Lifting the Veil (Hãy bỏ mạng che mặt) và đã gặp rất nhiều phụ nữ bị những bà chị bên chồng hắt dầu hỏa vào người. Tôi sớm nhận ra rằng bạo lực giữa những người phụ nữ thực sự đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Những sự việc này khó mà kể hết. Dù nữ giới đang phải chịu nhiều bất công nhưng tạt axit giữa các phụ nữ với nhau lại là điều còn tệ hại nhất. Thật đau đớn khi nghĩ rằng nữ giới tất nhiên sẽ giúp đỡ nhau”. Dầu vậy, Chinoy vẫn nhận ra mặt tích cực trong những câu chuyện vừa rồi. Dù quay về đề tài đau lòng nhưng toàn bộ phim là một niềm an ủi khích lệ các nạn nhân và mang lại sức mạnh cho những tâm hồn can đảm đứng lên giúp họ. “Bạo hành phụ nữ là tội ác trên các phương tiện truyền thông, trong giáo dục và hệ thống chính quyền ở Pakistan. Rất nhiều các tổ chức cũng tham gia nâng cao chất lượng cuộc sống người phụ nữ và cũng đạt được nhiều kết quả to lớn”.
Chinoy tin bằng tình hình của phụ nữ Pakistan không quá tuyệt vọng giống như nhiều người suy đoán. Chính cô cũng là một minh chứng về khả năng vươn lên trên chính quê hương. “Tôi lớn lên ở Karachi, một thành phố đa phương diện và phát triển mang lại nhiều cơ hội lớn. Hồi đi học, tôi chưa bao giờ cảm thấy nền giáo dục mình đang được hưởng khác xa so với bất cứ nơi nào trên thế giới. Tôi chẳng bị kỳ thị vì giới tính của mình ở Pakistan. Phụ nữ ở đây có quyền bỏ phiếu, lái xe và cả du lịch là điều bị cấm ở Ả rập Saudi và Kywait. Phụ nữ Pakistan cũng đang điều hành những doanh nghiệp lớn, và con số nữ sinh trong các trường đại học cao hơn cả nam giới. Dù phần đông không được hưởng tự do nhưng nhiều người trong chúng tôi vẫn đang có điều đó. Điều quan trọng là chúng tôi dám vươn lên xóa dần khoảng cách”.
Saving Face được khởi chiếu trong liên hoan phim về nhân quyền từ 28 - 29/3, cũng sẽ được phát sóng trên kênh Channel 4 vào tháng 4 này.
Mai Tân
Theo Guardian