Sắp có lễ khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” tại Hoàng Thành Thăng Long?

(Dân trí) - “Sắc mệnh chi bảo” là chiếc ấn do vua Trần Thái Tông cho khắc trong quá trình đi đánh quân xâm lược Nguyên - Mông được tìm thấy tại Hoàng Thành Thăng Long trong cuộc khai quật khảo cổ năm 2012. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết họ đang xin ý kiến về việc tổ chức khai ấn này hàng năm.

Gần 700 năm nằm sâu dưới lòng đất vẫn nguyên vẹn

Theo PGS.TS Tống Trung Tín thì ấn “Sắc mệnh chi bảo” là ấn của vua, đời vua nào cũng có. Ấn này có nghĩa vua ban mệnh, ban chức tước, công việc cho người giúp vua giúp nước. “Sắc mệnh chi bảo” được làm bằng gỗ này tính đến thời điểm này là ấn sớm nhất và cổ nhất trong lịch sử ấn chương, ấn tín của Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu xác định ấn ở Hoàng Thành Thăng Long hiện nay thuộc đời vua Trần Thái Tông.

Ấn “Sắc mệnh chi bảo” được giới khảo cổ tìm thấy trong một hố khai quật tại nền điện Kính Thiên vào năm 2012 ở địa tầng khảo cổ học thuộc thời Trần. Ấn làm bằng gỗ, khắc 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo” này có niên đại khoảng 700 năm.

Ấn Sắc mệnh chia bảo tại Hoàng Thành Thăng Long.
Ấn "Sắc mệnh chia bảo" tại Hoàng Thành Thăng Long.

Theo giới nghiên cứu, nhiều khả năng đây chính là chiếc ấn gỗ nổi tiếng được Đại Việt Sử ký toàn thư nhắc tới. Cụ thể, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng: "Năm Đinh Tỵ (1257), khi vua thân hành thống lĩnh quân đi chống giặc, quan giữ ấn giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy bị mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng chiếc ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ".

Tạm hiểu là vào năm 1257, khi rời Thăng Long cầm quân đi đánh giặc Nguyên Mông, vì việc quân cơ quá gấp rút nên vua Trần Thái Tông đã sai người giấu ấn chính lên rường điện Đại Minh, chỉ mang theo ấn nội mật nhưng không may lại bị thất lạc dọc đường đi. Trước tình thế "nước sôi lửa bỏng" này, vua Trần Thái Tông đành sai khắc gỗ làm ấn để sử dụng tạm thời ngoài trận tiền. Đến khi thắng trận năm 1258, về lại kinh đô thì thu được ấn mất dọc đường và ấn còn giấu được ở điện Đại Minh. Số phận chiếc ấn gỗ không thấy nói đến nữa.

Ấn “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ năm 2012 tại Hoàng Thành Thăng Long còn tương đối nguyên vẹn, được làm từ loại gỗ quý, có màu nâu, còn nguyên thớ gỗ mà không bị mối mọt.

Ấn được khắc nổi theo lối chữ triện, phong cách chữ tương tự chiếc kim ấn Sắc mệnh chi bảo (đời Minh Mệnh) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ấn có hình vuông, kích thước mỗi cạnh là 11,5cm, dày 0,5cm. Ấn được tìm cùng một chỗ với nhiều hiện vật khác như tượng đầu rồng, thanh bảo đao cẩn tam khí (nạm vàng, bạc, đồng) và nhiều di vật quý khác.

Sẽ có lễ khai ấn hàng năm?

Trong sự kiện Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị cùng đoàn đại biểu và lãnh đạo nhiều ban ngành dâng hương tại sân điện Kính Thiên, Hoàng thành Thăng Long vào sáng 16/2, bà Nguyễn Thị Yến - Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, thời gian tới có thể lấy ý kiến các nhà nghiên cứu về lễ khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” tại Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, theo bà Yến thì rút kinh nghiệm từ lễ khai ấn đền Trần Nam Định, trước mắt Trung tâm không tổ chức phát ấn ngay mà cần thêm thời gian để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và người dân về lễ khai ấn tại Hoàng Thành Thăng Long.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các ban ngành và nhiều người dân dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long sáng 16/2.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các ban ngành và nhiều người dân dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long sáng 16/2.

Bộ trưởng Trần Đại Quang dâng hương trước điện Kính Thiên, tưởng nhớ các bậc tiên hiền, các đức vua anh minh và các bậc hiền tài có công với đất nước.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín thì ông ủng hộ việc tổ chức khai ấn hàng năm tại Hoàng Thành Thăng Long. Tuy nhiên làm thế nào, có nên gọi là lễ khai ấn hay không thì các nhà nghiên cứu sẽ phải bàn. “Ai cũng muốn đến thắp nén nhang tưởng nhớ liệt đế liệt hậu, chư thần và đem về lá ấn để xây dựng niềm tin lạc quan, hướng thiện thì nên quá đi chứ. Tôi nghĩ rằng làm thế nào phải để việc này diễn ra một cách tự nhiên”, PGS.TS Tống Trung Tín nói.

Câu chuyện phát ấn đền Trần thời gian qua luôn là điểm nóng phức tạp, từ chiếc ấn tưởng nhớ công ơn tiền nhân, cầu may biến tướng ý nghĩa thành thăng quan tiến chức. Đại diện Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội cũng nói, năm nay việc khai ấn chỉ tiến hành nội bộ, tránh phát sinh phức tạp và chờ ý kiến dư luận. Tuy vậy Trung tâm cũng nghĩ tới việc tặng lá ấn cho du khách như lộc may đầu năm. Nhiều nhà nghiên cứu ủng hộ phương án này với quan điểm “để việc này diễn ra tự nhiên với người dân, nhẹ nhàng như đi lễ chùa và được thụ lộc vậy thôi”.

Trước buổi lễ khai ấn sáng 16/2, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, tiên hiền. Chương trình bao gồm nhiều nghi thức truyền thống như: Rước kiệu, dâng hương, tế lễ. Các nghệ nhân làng Triều Khúc (Tân Triều – Thanh Trì), làng Yên Hòa (Cầu Giấy), làng Sở Thượng (Hoàng Mai), làng Vân Canh (Hoài Đức)… đã cống hiến cho du khách những màn biểu diễn đặc sắc mang giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội truyền thống.

Lễ dâng hương khai Xuân Bính Thân là hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tổ tiên, tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long – Hà Nội. Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội có kế hoạch tổ chức lễ dâng hương thành hoạt động văn hóa tâm linh thường niên.

Hà Tùng Long