Sản xuất băng đĩa - công nghệ của… hoài niệm
Phố băng đĩa lậu không dẹp mà tự tan. Đơn vị sản xuất băng đĩa gốc còn đang hoạt động chỉ… đếm trên đầu ngón tay và sản xuất cầm chừng. Số nghệ sĩ, nhà sản xuất chương trình lựa chọn hình thức phát hành sản phẩm dưới dạng đĩa CD, DVD ngày càng ít. Sản xuất băng đĩa sẽ trở thành công nghệ của… hoài niệm trong tương lai gần.
Đó là chia sẻ của chị Phan Mộng Thúy, Giám đốc Công ty Phương Nam phim – một trong những đơn vị sản xuất băng đĩa lớn và lâu năm tại TP Hồ Chí Minh trong ngày đầu tiên của hội chợ băng đĩa Phương Nam 2015 (10-12).
Mặc dù hấp dẫn bằng hàng vạn sản phẩm đủ thể loại với “kho” nội dung phong phú, đủ cả phim, nhạc, ẩm thực, kết hợp mời gọi nghệ sĩ nổi tiếng tham gia ký tặng đĩa cho khán giả, nhưng gần như suốt nửa ngày đầu, phần lớn chỉ có khách hàng từ trung niên trở lên. Khu trưng bày, bán đĩa đồng giá 2.000 đồng, 5.000 đồng, 15.000 đồng vẫn tập trung nhiều người chen chúc lựa chọn. Tất nhiên, sự đông đúc này so với các hội sách giảm giá là khoảng cách không ngắn. Tại các khu trưng bày đĩa thông thường, hội chợ vẫn có người xem, nhưng không nhiều và càng hiếm những gương mặt trẻ.
Thực tế, cách đây không lâu, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất Đức Trí cũng từng khẳng định rằng, theo đánh giá của anh, có thể chỉ một, hai năm nữa sẽ không còn nghệ sĩ nào ra sản phẩm dưới hình thức băng đĩa nữa. CD và DVD sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi hình thức phát hành trực tuyến tiện lợi và nhanh chóng gấp nhiều lần. Sự thay thế này là đương nhiên, như CD và DVD từng “soán ngôi” phát hành băng từ trước đây.
Việc tìm đến các sản phẩm trực tuyến đang trở thành xu hướng chung và đến một thời điểm nhất định, hoạt động sản xuất băng đĩa sẽ nhường chỗ cho công nghệ mới là tất yếu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xu hướng bị thay thế này sẽ chậm hơn thế giới. Việc phát hành sản phẩm nghệ thuật dưới hình thức đĩa CD, DVD cũng vẫn còn ít nhất 5 năm nữa. Dù rằng, hiện tại, tham gia thị trường này, cùng với Phương Nam phim thì chỉ còn một vài thương hiệu khác.
Chị Phan Mộng Thúy cũng cho biết, vài năm gần đây, sản lượng của đơn vị đều giảm ít nhất khoảng 30% và việc duy trì sản xuất, phần lớn là nhờ lượng khách hàng truyền thống, những người ít tiếp cận với các thiết bị công nghệ hiện đại. Bên cạnh việc tích cực thay đổi hình thức để tham gia thị trường trực tuyến, Phương Nam và các nhà sản xuất vẫn tập trung sản xuất nội dung. Bởi, xét cho cùng, dù hình thức phát hành bị thay đổi thì nội dung vẫn luôn luôn cần. Việc phát hành sản phẩm dưới dạng đĩa hay trực tuyến cũng đều có những khó khăn nhất định mà trong đó, bảo vệ bản quyền vẫn là câu chuyện dài chưa hẳn có hồi kết…
Theo N.Nguyễn
Công An Nhân Dân