Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần III (2015)

Sân khấu “mổ xẻ” những vết thương của người chiến sĩ công an

(Dân trí) - .... "Nhân vật chính là một cảnh sát kinh tế đã tham gia phá hàng trăm vụ án thành công thu về cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng nhưng bị vợ phản bội chỉ vì… quá bận trong những vụ án".

Sân khấu bấy nay “thừa kịch bản yếu thiếu kịch bản hay” phần lớn là do các tác giả ít nắm được thực tế. Điều đáng mừng trong Liên hoan sân khấu “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần này có được những vở diễn gây được dấu ấn trước hết được bắt đầu từ kịch bản mà tác giả nắm chắc được thực tế vấn đề mình phản ảnh trong tác phẩm và kiên trì theo đuổi mảng đề tài mà mình quan tâm thay vì bạ gì cũng viết miễn là có đầu tư với những tưởng tượng từ phòng có máy lạnh !

Một trong những tác giả đắm đuối với hình ảnh người chiến sĩ Công an là nhà viết kịch Vũ Xuân Cải. Anh có 3 kịch bản được dàn dựng tham gia Liên hoan nhưng mỗi kịch bản đã khai thác những góc cạnh rất khác nhau với thực tế ngồn ngộn thỏa sức cho đạo diễn và diễn viên tung hoành trong quá trình sáng tạo.

Nhà viết kịch Vũ Xuân Cải

Nhà viết kịch Vũ Xuân Cải

“Phía sau vụ án” ( Đoàn kịch nói Nam Định) có phát hiện độc đáo về sự hy sinh thầm lặng của CBCS cảnh sát điều tra. Nhân vật chính là một cảnh sát kinh tế đã tham gia phá hàng trăm vụ án thành công thu về cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng nhưng bị vợ phản bội chỉ vì… quá bận trong những vụ án. Chọc vào nỗi đau của người chiến CA, tác giả kịch bản tỏ ra có bản lĩnh khi mổ xẻ một vấn đề gọi là “nhạy cảm” ít ai dám nói ra. Với sự am tường thực tế , lăn lộn với đời sống của lực lượng công an, Vũ Xuân Cải đã mổ xẻ “vết thương” trong lòng nhân vật bằng một thái độ yêu thương, đồng cảm và chia sẻ. Kịch tính được đẩy lên khi người vợ mà anh yêu thương trong nỗi cô đơn thiếu vắng chồng đã ngã vào tay kẻ là đối tượng điều tra của anh. Không áp đặt khiên cưỡng, hành động kịch đã cắt nghĩa sự sa ngã của người vợ từ “cô đơn” đến khi bị đồng tiền lôi kéo đã vô tình tiếp tay cho tội phạm như một quy luật trượt trên đường ray. Và nhân vật chính đứng trước thử thách trong một tình huống éo le đã bộc lộ đầy đủ nhất phẩm chất người chiến sĩ CAND. Với một kịch bản đầy tính thuyết phục , đạo diễn NSƯT Trần Nhượng đã tìm ra được chìa khóa vở diễn đầy sáng tạo khiến hành động kịch xuyên suốt, liên tục cả trong những lớp kịch chuyển cảnh độc đáo.

Bất ngờ nhất là “Cơn lốc đời người” ( Đoàn Dân ca thuộc Nhà hát Nghệ thuật Khánh Hòa). Kịch bản đi thẳng vào vấn đề rất thời sự là “án oan”. Lý giải nguyên nhân “oan” , tác giả đưa ra những bằng chứng mà nghi phạm khó có thể thanh minh bởi kẻ thủ ác đã rắp tâm bày đặt. Cấp trên định khép án với “chứng cứ rành rành” để chuyển Viện Kiểm sát truy tố nhưng trái tim người CSĐT cảm thấy không yên ổn thì không thể an lòng đã phá xong vụ án. Đó là phẩm chất cảnh sát điều tra không chỉ tìm ra tội phạm để giữ bình yên cho cuộc sống mà còn phải biết minh oan để những người lương thiện và gia đình họ được bình yên. Oái ăm thay, người trăn trở với vụ án, không muốn kết thúc lại là bạn thân của nghi phạm ! Lại là xung đột giữa tính khách quan, lòng trung thực với chuyện bị hiểu lầm, đánh giá sai động cơ hành động. Kịch bản càng đan cài những mối quan hệ, phẩm chất người chiến sĩ công an càng ngời sáng. Tác giả kịch bản cũng đặt ra vấn đề rất cấp thiết hiện nay là nhân dân cũng phải cùng hợp tác với CQĐT phá án bởi lật mặt kẻ xấu không chỉ là CSĐT mà còn là trách nhiệm công dân của những người liên quan. Hiếm có kịch bản với thông điệp đa tầng được thống nhất như trong kịch bản này khi một vở diễn tưởng chỉ là kịch hình sự nhưng lại vượt ta khỏi câu chuyện kịch để nói vè nhân tình thế thái hôm nay. Kẻ thủ ác- người bị oan- người phá án là bộ ba bạn thân cùng yêu một cô gái nhưng không sa vào khai thác tình yêu tay ba mà như gióng lên hồi chuông báo động về sự giả trá đang nấp sau những mặt nạ khiến cán bộ điều tra và những người lương thiện phải tỉnh táo hơn.

Nhà viết kịch Vũ Xuân Cải



Là kịch vụ án với tiết tấu nhanh những tưởng mâu thuẫn với hình thức kịch hát (ca kịch bài chòi) song vẫn là tính thuyết phục , tính hợp lý từ kịch bản đã khiến tác giả, chuyển thể và đạo diễn, diễn viên tìm được tiếng nói chung rất hiện đại những cũng đậm đà chất dân gian của sân khấu truyền thống.

Ngoài ra, đề tài trại giam có khá nhiều vở diễn trong Liên hoan nhưng “Những mảnh đời run rẩy” ( Đoàn kịch nói Thanh Hóa) song kịch bản của Vũ Xuân Cải đi sâu vào sự giằng xé của cán bộ trại giam giữa trừng phạt và tha thứ. Tính phát hiện trong kịch bản này là CBCS trại giam không phải là những người “thủ kho” giữ người theo lệnh nhập xuất mà là những người truy tìm nguốn gốc của tội lỗi để có được sự cảm thông giúp phạm nhân có chỗ dựa tinh thần để tì vào đó mà đứng dậy, làm lại cuộc đời, trở thành những người có ích cho xã hội.

Có thể nói, với ba kịch bản rất đa dạng của một tác giả được ba đơn vị sân khấu ở những vùng miền khác nhau dựng thành công, tạo được dấu ấn trong Liên hoan đã thành một hiện tượng tích cực. Từ hiện tượng này, có thể bước đầu cắt nghĩa tình trạng “thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay” là do không ít tác giả thiếu thực tế nhưng sẵn sàng viết về vấn đề mình không am hiểu, tìm tòi kỹ nếu có lời “mời gọi” nào đó. Khi nghệ thuật không bắt đầu bằng nghệ thuật mà bắt đầu từ những toan tính ngoài nghệ thuật sẽ khiến khán giả quay lưng.

Ba kịch bản của tác giả Vũ Xuân Cải đã về hưu cũng như những kịch bản, vở diễn ấn tượng khác đã khẳng định nguyên tắc thành công của vở diễn thường bắt đầu từ kịch bản của tác giả đau đáu về mảng đề tài mình quan tâm cũng như thái độ tìm hiểu thực tế kỹ càng đế sáng tác. Hy vọng các tác giả sân khấu được tham gia thực tế nhiều hơn nữa để có hiểu biết về con người chứ không phải chỉ biết chuyện và minh họa câu chuyện đó một cách khô cứng, áp đặt.

Lê Quý Hiền

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp cho chuyên mục Văn hóa, quý độc giả có thể gửi đến ban Văn hóa báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email vanhoa@dantri.com.vn. Xin trân trọng cảm ơn!