Sân khấu kịch TPHCM sau mùa dịch Covid-19: “Khó khăn chồng chất khó khăn”

(Dân trí) - Sân khấu được mở lại sau quy định "Giãn cách xã hội do Covid-19" là tin vui cho sân khấu và nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc trở lại hoạt động sau dịch lại rơi vào tình trạng “khó khăn chồng chất khó khăn”.

Từ trước mùa dịch Covid-19, tình hình hoạt động của sân khấu tại TPHCM đã không mấy khả quan nên việc sân khấu trở lại hoạt động sau đợt giãn cách xã hội được xem là khó khăn chồng chất khó khăn.

Hoạt động tăng tốc đi cùng... chống dịch

Ngay khi có thông tin được hoạt động trở lại, sân khấu Nhỏ 5B Võ Văn Tần đã nhanh chóng kêu gọi anh chị em nghệ sĩ và nhân viên hậu đài “lên dây cót” để trình diễn phục vụ khán giả. 

Sân khấu cũng chính thức ấn định lịch diễn đầu tiên sau giãn cách xã hội với 4 đêm diễn vào ngày 23, 24, 30 và 31/05. Chia sẻ về việc không vội vàng trở lại ngay sau thông báo giãn cách xã hội được nới lỏng, nghệ sĩ Mỹ Uyên - Giám đốc Sân khấu Nhỏ 5B cho biết: “Ngay cả bản thân tôi cũng hiểu rằng khi xã hội đang dần trở lại guồng làm việc thường nhật, đa số khán giả tìm đến những phương tiện giải trí nhanh - vui - tụ tập đông bạn bè như cà phê, uống bia, uống rượu hay đi du lịch đây đó..."

"Kịch nói với đặc thù thời gian diễn từ 2-3 tiếng sẽ tạo tâm lý e ngại nhất định. Do đó, tiêu chí của các tác phẩm công diễn trong tháng 5 phải có nội dung lạc quan, có tiếng cười giải trí, ý nhị và tiết tấu gãy gọn để khán giả được thư giãn sau thời gian cách ly xã hội” - giám đốc Mỹ Uyên chia sẻ.

Sân khấu kịch TPHCM sau mùa dịch Covid-19: “Khó khăn chồng chất khó khăn” - 1

Sân khấu chuẩn bị các vở diễn để phục vụ khán giả trong đợt này là Diều ơi, Tình lá diêu bông, Giao kèo sống thật và Tía ơi, con lấy chồng. 

Trong 2 tuần cuối tháng 5 sân khấu cũng đưa lên sàn tập kịch bản mới, xoay quanh mâu thuẫn trong gia đình khi các thành viên bị ép buộc sinh sống với nhau trong thời gian dài. Lấy cảm hứng từ vô số câu chuyện dở khóc dở cười trong những ngày tuân theo chỉ thị của Chính Phủ, tự cách ly tại nhà hơn một tháng.

Nghệ sĩ Ái Như của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cho biết, sau khi có thông tin được hoạt động trở lại, sân khấu đã gặp gỡ anh chị em nghệ sĩ để cùng bàn bạc với nhau làm sao phối hợp chuẩn bị cho sân khấu được sáng đèn.

Chị Ái Như  đưa ra quan điểm: "Sân khấu kịch không phải như rạp phim, chỉ cần làm vệ sinh là có thể hoạt động trở lại. Bởi vì mỗi vở là một ê-kíp với kế hoạch khác nhau. Anh chị em rất vui để có thể chờ đón ngày trở lại. Nhưng không chỉ có vui không, mà phải còn nhiều thứ nữa để có thể phối hợp được với nhau. Hơn nữa sân khấu đã nghỉ từ sau Tết tới giờ, tính ra là mấy tháng. Cho nên vở diễn cũng cần phải sắp xếp lại, tập tành lại, tính toán làm sao để có thể trở lại thật tốt ”. 

Nói về sự trở lại của sân khấu trong thời điểm này, nghệ sĩ Ái Như thẳng thắn: “Bây giờ thì đối với tôi kết quả là một "ẩn số" lớn hơn cả trước kia nữa. Bởi vì khó khăn chung của cả xã hội sau một trận dịch lớn. Việt Nam mình may mắn hơn rất nhiều nơi, rất nhiều nước. Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều đã an toàn rồi. Cho nên những nguy cơ mình vẫn chuẩn bị và phòng ngừa cho tốt  nhưng bắt buộc phải có hoạt động để trở lại bình thường. Bây giờ chuẩn bị kỹ lưỡng chừng nào thì càng an toàn cho khán giả bấy nhiêu, cùng với đó cũng tăng thêm gánh nặng về tài chính”.

Sân khấu kịch TPHCM sau mùa dịch Covid-19: “Khó khăn chồng chất khó khăn” - 2

Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã có buổi họp mặt các diễn viên, nhân viên của sân khấu để chuẩn bị cho công tác trở lại một cách chỉnh chu nhất.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh dự định sẽ sáng đèn trong tháng 6, còn thời gian cụ thể phải bàn bạc, chuẩn bị xong nghệ sĩ Ái Như mới có thể công bố cùng khán giả.

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu Idecaf cho biết, sân khấu được hoạt động trở lại là điều đáng vui mừng, tuy nhiên có thành công hay không còn phải phụ thuộc vào tâm lý của khán giả sau dịch. Sân khấu Idecaf vẫn tuân thủ nghiêm ngặt những quy định, vừa diễn kịch vừa phòng dịch cho diễn viên và khán giả trước mỗi buổi biểu diễn.

Điều đáng tiếc là sau đợt dịch kéo dài 3 tháng qua thì chương trình Ngày xửa ngày xưa - một trong những chương trình của sân khấu Idecaf phục vụ khán giả nhí trong dịp hè sẽ tạm ngưng do bị động về lịch học của học sinh.

Đạo diễn Ngọc Hùng - Quản lý sân khấu Thế Giới Trẻ chia sẻ, việc được trở lại hoạt động điều đầu tiên anh mừng vì nước mình đã kiểm soát dịch rất tốt, và vui hơn nữa là được trở lại sân khấu, diễn viên ai cũng cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng như trước dịch, sân khấu luôn xịt kháng khuẩn khán phòng trước suất diễn, đo thân nhiệt khán giả và khuyến cáo đeo khẩu trang.

Sân khấu khó khăn, khán giả cũng khó khăn

Đạo diễn Thanh Hiệp - người sâu sát với các hoạt động sân khấu tại TPHCM cho rằng, khó khăn lớn nhất của sân khấu sau đợt giãn cách xã hội chính là sự è dè của khán giả khi chưa thể đến rạp xem kịch trong tâm trí bình thường. 

Anh Ngọc Hùng cũng đồng tình với nhận định của đạo diễn Thanh Hiệp: “Khó khăn trong mùa dịch thì hầu như ai cũng bị thất thu. Còn sau dịch thì phải cố gắng quảng bá và kéo khán giả quay lại sân khấu vì cũng có nhiều người vẫn còn lo lắng, chưa thật an tâm khi đến chỗ đông người”.

“Thu nhập sau 13 tuần cách ly đã khiến họ dè xẻn chi tiêu. Khó khăn thứ hai là hầu hết đều vở cũ, số lượng khán giả mê kịch đều đã xem trong dịp tết hoặc trước tết Nguyên Đán”, đạo diễn Thanh Hiệp chia sẻ thêm.

Mặt khác, sau đợt giãn cách, các hoạt động game show, truyền hình thực tế, phim sitcom đều khởi động và nguồn diễn viên ngôi sao bị phân tác. “Kịch sẽ khó xếp lịch, nếu có xếp thì ngôi sao sẽ kẹt lịch quay, tâm trí dành cho kịch giảm sút… Thật sự đây là một thử thách đối với các sàn diễn nếu không có sự ứng biến kịp thời và tuân thủ nghiêm ngặt việc tập trung cho sàn diễn sáng đèn đúng nghĩa”.

Ngoài ra, nghệ sĩ Ái Như cũng cho rằng không chỉ sân khấu mà khán giả cũng có khó khăn của khán giả. “Ai cũng gặp khó khăn trong mùa dịch nên không biết khán giả đã sẵn lòng để có thể cùng đến với mình, cho đêm diễn sáng đèn chưa? Tất cả những cái đó đều là một “ẩn số”. Nếu ẩn số trước kia chỉ tính trong tình hình của các hoạt động văn hoá nghệ thuật như gameshow, phim ảnh, ca nhạc trên truyền hình, các rạp chiếu phim... khán giả đã có nhiều thứ để giải trí thì bây giờ những thứ đó vẫn có, sân khấu thì lại càng khó khăn hơn”.

Trải lòng về những khó khăn chồng chất hiện tại, nghệ sĩ Ái Như bộc bạch: “Chúng tôi vẫn cứ đi tới, vẫn cứ cố gắng nhưng trong tâm thế vừa đi vừa chuẩn bị mà vừa phải "rón rén", dò chừng xem thử như thế nào và phải chuẩn bị chấp nhận thêm những thiệt thòi.

Cùng với những thiệt hại mà sân khấu phải gồng gánh trong mấy tháng trời hoàn toàn không doanh thu. Nhưng để có thể giữ được anh em nhân viên của công ty đã rất khó khăn. Và bây giờ lại vận hành tiếp, cảm giác như rất nhiều công sức trở thành "muối bỏ biển", chưa biết tương lai sẽ như thế nào… Cho nên tâm thế của chúng tôi là "thôi cứ ráng đi tới một lần nữa xem sao”".

Ông bầu Ngọc Hùng của sân khấu Thế Giới Trẻ cũng cho biết, tình hình chung của cả nước nên mỗi người phải cố gắng, tất nhiên là rất khó khăn. Thời điểm dịch Ban giám đốc vẫn cố gắng trả lương cho nhân viên, bên cạnh đó sân khấu cũng nhận được sự hỗ trợ của hội sân khấu cho anh em nhân viên hậu đài, kỹ thuật. Còn diễn viên thì họ có nhiều cách để xoay sở hơn, như bán hàng trên mạng để có thêm thu nhập.

Khó khăn nhưng vẫn khuyến mãi để kéo khán giả đến rạp

Khó khăn chồng chất nhưng các sân khấu vẫn quyết định áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khán giả. Sân khấu 5B tung ra các gói giảm giá vé, cụ thể giảm 10% trên mỗi vé, mua gói 5 vé giảm 15%, mua gói 10 vé giảm 30%. Đối tượng học sinh, sinh viên và giảng viên khi xuất trình thẻ được mua vé với mức giảm 50%.

Sân khấu Idecaf sẽ trở lại với suất diễn đầu tiên vào ngày 21/5, sân khấu bắt đầu bán vé từ ngày 11/5, trong 2 tháng đầu sẽ áp dụng chính sách giảm 50.000 đồng cho mỗi vé.

Ngoài  ra, đạo diễn Thanh Hiệp cũng cho rằng sân khấu cần ổn định lực lượng diễn viên, tập dợt chu đáo trước khi mở màn trở lại để công chúng yêu kịch không thất vọng. Bên cạnh đó cần chọn lựa kịch bản mới để tập dợt, cho ra mắt vở mới hấp dẫn, đủ sức lôi cuốn khán giả. Vì chi tiêu của người xem sẽ buộc họ lựa chọn nên vở hay, có ngôi sao họ yêu thích họ mới đến xem, còn ngược lại sẽ bị chôn vốn.

Ngoài các vở quen thuộc, sân khấu Thế Giới Trẻ đang lên sàn tập vở nhạc kịch bolero Lý Lu Là của tác giả đạo diễn Tiết Duy Hoà, với sự tham gia của dàn diễn viên thực lực tại sân khấu, như: Tiểu Bảo Quốc, Quang Tuấn, Hoàng Phi, Diễm Phương, Minh Dự…

Sân khấu kịch TPHCM sau mùa dịch Covid-19: “Khó khăn chồng chất khó khăn” - 3

Ngoài các vở diễn quen thuộc, sân khấu Thế Giới Trẻ sẽ tiếp tục lên sàn tập các vở mới để thu hút khán giả đến với sân khấu kịch trong thời gian tới.

Anh Thanh Hiệp cũng chia sẻ thêm: “Điều cần thiết hơn là sự chung sức của nhà nước, trong gói cứu trợ của chính phủ, rất cần các sân khấu lập danh sách các công nhân viên, hậu đài, diễn viên có hợp đồng, bị mất thu nhập trong thời gian qua gửi đến Sở VHTT TPHCM để kịp thời nhận sự hỗ trợ.

Đồng thời các sân khấu xã hội hóa cần kiến nghị bằng đề án xin hỗ trợ hoặc cấp kinh phí dàn dựng các vở kịch đúng định hướng. Có như thế mới tạo được sức bật khi sàn diễn cần những vở diễn bám sát thời sự, có đầu tư về mặt hình thức dàn dựng trong mặt bằng chung do thấp kém doanh thu, không thể có đủ vốn đầu tư để dàn dựng tác phẩm mới từ đây đến cuối năm 2020”.

Băng Châu