Sân bay A So đón nhận bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia

(Dân trí) - Ngày 11/3, UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Khu chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So, xã Đông Sơn.

Lễ đón nhận được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng A So (11/3/1966 – 11/3/2013). Sân bay A So được cấp bằng chứng nhận Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 678/QĐ-BVHTTDL ngày 7/2/2013 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL.

Trong chiến tranh chống Mỹ, từ tháng 8/1965 đến 12/1970, huyện A Lưới có tới 270 phi vụ rải 3 chất độc mà chủ yếu là chất trắng và chất da cam…, trong đó nặng nhất là khu vực sân bay A So.

Sân bay A So đón nhận bằng di tích lịch sử cấp Quốc gia
Ông Ngô Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế (phải) trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Khu chứng tích chiến tranh hóa học của Mỹ tại sân bay A So cho Chủ tịch huyện A Lưới - Hồ Xuân Trăng(ảnh: Báo Thừa Thiên Huế)

Trên kết quả nghiên cứu, sự tồn lưu của dioxin đối với hệ sinh thái ở điểm nóng sân bay A So có hàm lượng dioxin trong đất là 879,85 pg/g. Hiện ở huyện A Lưới còn có hơn 4.200 nạn nhân chất độc da cam. Qua xét nghiệm, các mẫu lấy từ mỡ gan, cá trắm cỏ, máu người dân sinh ra sau chiến tranh đều có nồng độ chất độc cao.

Theo Dư địa chí Thừa Thiên – Huế, sân bay A So thuộc xã Đông Sơn, huyện A Lưới (Từ trung tâm thành phố Huế, bằng phương tiện ô tô, xe máy theo quốc lộ 49 khoảng 66km đến ngã ba Bốt Đỏ (đường 72 - 14B) rẽ phải theo hướng Tây Nam 2km là đến sân bay A So) được đế quốc Mỹ xây dựng từ những năm 1960 hòng tăng cường tiềm lực, khả năng quân sự để chống lại các hoạt động vũ trang của quân và dân ta.

Cùng với sân bay A So chúng còn xây dựng sân bay A Co ở Hồng Thượng, sân bay A Lưới ở thị trấn A Lưới với mục đích khống chế hành lang chiến lược phía Tây dãy Trường Sơn, và ngăn chặn sự lớn mạnh của con đường chiến lược Hồ Chí Minh từ miền Bắc vào và miền Nam ra. Song mọi nỗ lực cố gắng của chúng đều không đạt được mục đích.

Năm 1966, trước thời cơ thuận lợi trên toàn chiến trường miền Nam, lực lượng chủ lực sư đoàn 325 cùng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã tấn công giải phóng đồn A Sầu, sân bay A So, cả một vùng rộng lớn phía Nam huyện A Lưới được giải phóng. Chiến thắng đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến vận tải chiến lược đường Hồ Chí Minh.

Hòng xoay chuyển tình thế, tái chiếm lại vùng giải phóng, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã rải chất độc màu da cam, phát quang, tiêu diệt lực lượng cách mạng, phá vỡ thế trận chiến tranh nhân dân, lượng chất độc ấy còn để lại hậu quả đến ngày nay. Sân bay A So trở thành địa điểm ghi dấu những chiến công của quân và dân ta đồng thời là nơi ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai, nhắc nhở các thế hệ hôm nay trân trọng những chiến công của lớp lớp thế hệ cha anh ngã xuống.

Tẩy chất độc sau chiến tranh tại sân bay A So (ảnh: Tuổi Trẻ)
Tẩy chất độc sau chiến tranh tại sân bay A So (ảnh: Tuổi Trẻ)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Hòa, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã nhấn mạnh: “Di tích lịch sử sân bay A So là nơi ghi dấu sức mạnh, ý chí quyết tâm, tinh thần quả cảm của quân và dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; đồng thời, đây là một chứng tích tội ác do đế quốc Mỹ để lại”.

Ông Hòa đã giao trách nhiệm cho UBND huyện A Lưới phối hợp chặt chẽ với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phát huy giá trị của di tích, và mong muốn các Bộ, ngành Trung ương giúp đỡ để sớm xây dựng nơi đây trở thành khu chứng tích để giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc

Theo báo cáo Đề án trình Chính phủ, Khu chứng tích chiến tranh hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế là một tập hợp các khu chức năng và các khu hoạt động liên quan gồm khu di chứng tích tái hiện lịch sử chiến tranh hóa học Mỹ tiến hành ở Việt Nam (ngoài trời, tại sân bay A Sho); khu vực thiên nhiên bị tàn phá và vùng đối chứng; khu tổ hợp trung tâm (tại ngã ba Bốt Đỏ); trung tâm điều trị, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Ngoài ra còn có các hợp phần thuộc dự án như khu phục vụ nghiên cứu khoa học; hệ thống giao thông nội vùng và nâng cấp các địa điểm du lịch lân cận.

 
 
Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm