Sai phạm nghiêm trọng, tác giả sách vẫn không thực thi luật sở hữu trí tuệ

(Dân trí)- Sử dụng tác phẩm ảnh không xin phép tác giả, không trả tiền thù lao, cũng như các quyền lợi vật chất khác theo quy định, Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Thành Sen (Hà Tĩnh) Ngô Sỹ Ngọ đã bị nhiều đồng nghiệp trong CLB kịch liệt phản đối.

Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh (VHNT), Thanh tra Sở VHTT-DL tỉnh này đã vào cuộc, xác minh, nhanh chóng có yêu cầu vị nhiếp ảnh gia này xin lỗi công khai, chi trả nhuận bút và các quyền lợi vật chất khác cho các tác giả vì đã vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đến nay vị chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh gia này vẫn không thực thi các yêu cầu nêu trên.

Công trình công sức của tập thể, đứng tên một cá nhân

Trong hai năm 2012 – 2013, nhiếp ảnh gia Ngô Sỹ Ngọ, Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Thành Sen (Hà Tĩnh) đã cho ra đời 2 cuốn sách cùng chung một tiêu đề, “Hà Tĩnh quê hương tôi”. Với chủ đề đặc tả về con người, thiên nhiên, văn hóa, lễ hội Hà Tĩnh, cả hai cuốn sách sau khi được xuất bản đã gây ấn tượng mạnh đối với người xem, đặc biệt là đối với những người con quê hương Hà Tĩnh. Cũng nhờ sức hút, đón nhận của bạn đọc, nên 500 cuốn 1 (giá bán 3120.000/cuốn) và 500 cuốn 2 (450.000/cuốn) đã được tiêu thụ hết ngay sau khi xuất bản.
 
Gây ấn tượng mạnh với bạn đọc, nhưng với nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên ở Hà Tĩnh, cả hai cuốn sách đã thực sự khiến họ hết sức bức xúc, đi đến khiếu kiện tập thể, trong đó nhiều người đã có yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp để tác giả thu hồi toàn bộ số sách đã xuất bản này.
 
Bìa cuốn sách thứ 2 cùng tên Hà Tĩnh quê hương tôi. 
Bìa cuốn sách thứ 2 cùng tên "Hà Tĩnh quê hương tôi".  Bìa sách ghi tác giả là Ngô Sỹ Ngọ, tuy nhiên, ruột sách lại giới thiệu hơn 205 bức ảnh của nhiều tác giả khác nhau, khiến nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh bức xúc  

Lí do khiến nhiều nhiếp ảnh gia trong CLB Thành Sen bức xúc là tác giả Sỹ Ngọ đã thản nhiên sử dụng vô số bức ảnh của nhiều tác giả trong sách mà không hề xin phép, không công khai xin lỗi, không thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan theo quy định tại khoản 8, điều 28, luật sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, cuốn 1 của sách “Hà Tĩnh quê hương tôi” tác giả Sỹ Ngọ đã sử dụng nhiều trong số 180 ảnh trong sách không phải là của 21 tác giả như lời giới thiệu. Rất nhiều bức ảnh trong cuốn sách có chú thích, nhưng không ghi rõ tên tác giả là ai.

Bị phản đối nhiều nhất là cuốn sách thứ 2, được in bằng song ngữ Việt - Anh. Trong văn bản gửi Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam cùng nhiều cơ quan chức năng khác ngày 10/6, Ban nhiếp ảnh Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh đã chỉ rõ nhiều sai phạm của tác giả cuốn sách này.

Trong khi ngoài bìa sách ghi tác giả là Sỹ Ngọ, tuy nhiên, ruột sách lại giới thiệu hơn 205 bức ảnh của nhiều tác giả khác nhau, trong đó ảnh của ông Ngọ chỉ chiếm phân nửa, 120 bức ảnh. Chưa hết, vô số ảnh trong sách, trong đó có chùm ảnh “Vua Hàm Nghi những ngày lãnh đạo đất nước chống Pháp ở Hà Tĩnh” và “Những người con quê hương Hà Tĩnh” vốn đã tạo nên thương hiệu cho nhiếp ảnh gia Minh Chiến lại không đề tên tác giả. Thậm chí nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Bảy còn lên tiếng, bức ảnh ở trang 97 chụp anh em Hội Cựu chiến binh văn công tỉnh với các đồng chí lãnh đảo tỉnh Hà Tĩnh là của ông, chứ không phải là của tác giả Việt Hà, con gái ông Ngọ.
Bìa cuốn sách thứ 2 cùng tên Hà Tĩnh quê hương tôi. 
Chùm ảnh “Vua Hàm Nghi những ngày lãnh đạo đất nước chống Pháp ở Hà Tĩnh" của tác giả Minh Chiến được tác giả Sỹ Ngọ đưa vào sách mà không ghi rõ tác giả. Với cuốn sách này ai đó đã dùng bút mực đề lại tên cho chính tác giả. 
 
Sai phạm trong việc vi phạm luật sở hữu trí tuệ của của tác giả Ngô Sỹ Ngọ ở 2 cuốn sách “Hà Tĩnh quê hương tôi” là quá rõ. Thanh tra sở VHTT-DL Hà Tĩnh kết luận “Hành vi của ông Ngô Sỹ Ngọ đã vi phạm bản quyền tác giả được quy định tại khoản 8, điều 28 Luật sở hữu trí tuệ”. Ban nhiếp ảnh Hội liên hiệp VHN Hà Tĩnh cũng khẳng định “Hà Tĩnh quê hương tôi là công trình mang nhiều công sức, trí tuệ của một tập thể chứ không thể coi đó là một tác phẩm cá nhân”.
Bìa cuốn sách thứ 2 cùng tên Hà Tĩnh quê hương tôi. 
Bức ảnh nghệ sẽ nhiếp Ảnh Văn Bảy khẳng định, tác giả Sỹ Ngọ nhờ chụp, nhưng lại điền tên tác giả Việt Hà - con gái ông Ngọ
 

 Chút tình” ở đâu?

Đầu tháng 6/2103, kết luận những khiếu kiện của tập thể CLB nhiếp ảnh Thành Sen về cuốn sách “Hà Tĩnh quê hương tôi” Hội Hội liên hiệp VHN Hà Tĩnh và Thanh tra sở VHTT-DL tỉnh này đã có văn bản đề nghị nghệ sỹ nhiếp ảnh Ngô Sỹ Ngọ phải tự nhận thấy khuyết điểm và sai phạm của mình, đồng thời nhanh chóng có văn bản công khai xin lỗi, thực hiện trách nhiệm giải quyết quyền lợi vật chất cho các tác giả theo quy định tại luật sở hữu trí tuệ.

Mặc dù vậy, cho đến thời điểm này khi thời gian hiệu lực các văn bản trên đã hết nhưng nghệ sỹ nhiếp ảnh Ngô Sỹ Ngọ vẫn chưa thực thi bất kỳ trách nhiệm nào.

 “Ông ấy là người nghệ sỹ nhiếp ảnh đầu tiên ở Hà Tĩnh đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ các bức ảnh của mình tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), và cũng là người đầu tiên kiện một nhà báo trên địa bàn Hà Tĩnh ra Bộ TTTT chỉ vì sử dụng một bức ảnh của ông ấy trong bài viết. Vì thế không có lí do gì ông ấy có quyền sử dụng cả một công trình tập thể làm lợi cho cá nhân mình. Việc làm của ông ấy khiến nhiều anh em trong giới nghệ sỹ nhiếp ảnh chúng tôi rất bất bình- nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Thông, người có 2 bức ảnh trong sách bức xúc.
Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Thông:
Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Thông: "Việc làm của ông ấy khiến nhiều anh em trong giới nghệ sỹ nhiếp ảnh chúng tôi rất bất bình".
 
Chưa nói tới nhuận bút, công thù lao, mà điều tối thiểu nhất là một cuốn sách biếu cho tác giả có ảnh đăng trong sách ông ấy (tác giả Ngô Sỹ Ngọ- NV) cũng không có. Ông ấy xử sự như thế có được không. Chúng tôi cần một lời xin lỗi, nhiều nghệ sỹ cần được trả công thù lao một cách xứng đáng cho hoạt động nghệ thuật của mình” - nhiếp ảnh gia Minh Chiến, tác giả bộ ảnh Hàm Nghi những ngày lãnh đạo đất nước chống Pháp ở Hà Tĩnh” và “Những người con quê hương Hà Tĩnh” trong cuốn sách bày tỏ bức xúc, nói thêm.
 
Nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh trong buổi làm việc với PV Dân trí chiều ngày 13/6 cũng bức xúc không kém, khi nói thẳng: “Hà Tĩnh quê hương tôi đã được phát hành, bán hết ngay sau khi xuất bản, thế mà đến thời điểm này các tác giả ảnh vẫn chưa được nhận tiền nhuận bút, nhiều tác giả không có cả sách biếu. Đây là việc làm không công bằng, thiếu sự tôn trọng công sức lao động của đồng nghiệp, là hành vi vi phạm quyền tác giả về nhiếp ảnh”.
 
Nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Thông:
Nhà Văn Phan Trung Hiếu cho rằng, việc làm của tác giả Sỹ Ngọ là không công bằng, thiếu sự tôn trọng công sức lao động của đồng nghiệp.
 
Trước việc, nghệ sỹ nhiếp ảnh Ngô Sỹ Ngọ, tác giả cuốn sách “Hà Tĩnh quê hương tôi” không chấp hành đề xuất đưa ra lời xin lỗi, không thực hiện trả nhuận bút, thù lao quyền lợi vật chất khác đối với các đồng nghiệp theo quy định tại khoản 8, điều 28 Luật sở hữu trí tuệ, Chánh thanh tra Sở VHTT-DL Hà Tĩnh Thái Đăng Nghiêm cho biết, thời gian tới nếu trong trường hợp 2 bên không thể thỏa thuận dân sự Thanh tra Sở VHTT-DL Hà Tĩnh sẽ tiến hành xử phạt hành chính đối với tác giả để xẩy ra sai phạm, đồng thời làm thủ tục chuyển hồ sơ sang tòa án dân sự tỉnh Hà Tĩnh thụ lý, giải quyết.
 
 

Điều 14 nghị định 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 3 quy định về hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi trích dẫn hợp lý tác phẩm của người khác đưa vào tác phẩm của mình mà không nêu tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh của tác giả, tên tác phẩm theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật hoặc bút danh tác giả, tên tác phẩm hoặc nêu không đúng tên thật hoặc bút danh của tác giả, tên tác phẩm trên bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được định hình và các sản phẩm khác theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mạo danh tác giả, giả mạo chữ ký tác giả.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu hàng hoá vi phạm, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện và thiết bị được sử dụng để sản xuất, kinh doanh hàng hoá vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại quyền đứng tên, đặt tên quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này;

b) Buộc tiêu huỷ hàng hoá vi phạm; buộc tiêu huỷ hoặc đưa vào sử dụng nguyên liệu, vật liệu, phương tiện và thiết bị được sử dụng để sản xuất hàng hoá vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

 
 
Văn Dũng – Xuân Sinh