Sách "Con gái" lật mở số phận của phụ nữ trong xã hội phân biệt giới tính
(Dân trí) - Cuốn sách miêu tả sắc sảo những khoảnh khắc tuổi thơ ảnh hưởng tới sự trưởng thành, phân tích một cách tinh tế và rõ ràng về trải nghiệm của phụ nữ trong một xã hội phân biệt giới tính.
Tháng 7, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phát hành toàn quốc tiểu thuyết Fille (tạm dịch: Con gái) của tác giả Camille Laurens - một trong những "kiện tướng" của văn chương đương đại Pháp.
Con gái lần lượt lật mở số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Laurence Barraqué, người đối diện với những thay đổi trong xã hội Pháp suốt 40 năm.
Sinh năm 1959 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Laurence Barraqué lớn lên cùng chị gái ở thành phố Rouen (phía Bắc nước Pháp), cha là bác sĩ, còn mẹ làm nội trợ.
Ngay từ rất sớm, thông qua ngôn ngữ và cha mẹ, Laurence hiểu được rằng vị trí của người con gái trong cuộc đời luôn thấp kém hơn con trai. Đến những năm 1990, khi đã làm mẹ, cô vật lộn với câu hỏi "Ý nghĩa của việc là một cô gái?" và bài học nào cô nên dạy hoặc không, cho con gái yêu dấu của mình.
Trong nửa đầu cuốn sách, thông qua những băn khoăn của Laurence, độc giả thấy rằng một người không sinh ra đã là cô gái, mà trở thành cô gái.
Từ thời điểm chào đời, khi người ta công bố giới tính của Laurence trước sự thất vọng của cha mẹ cô ấy, điều đó đã phủ một bóng đen lên mối quan hệ giữa cô với cha mẹ. Càng trưởng thành, Laurence càng tiếp tục lột trần cách xã hội đã định nghĩa, giới hạn và đánh giá thấp bé gái thông qua ngôn ngữ.
Tác giả đã thay đổi ngôi kể truyện nhằm phản ánh mức độ tự kiểm soát cuộc đời của người con gái.
Thời thơ ấu của Laurence được miêu tả ở ngôi thứ hai: "Con khám phá gia đình của mình, bằng đôi tai, bằng mắt và xúc chạm. Trước hết là "mama". "Mama", đó là từ đầu tiên mà con học được và là tên gọi của một người phụ nữ".
Trong độ tuổi 3 - 8, Laurence khẳng định bản thân, ngôi thứ nhất mạnh mẽ chiếm ưu thế: "Ký ức đầu tiên của tôi khai màn bằng một tiếng hét thất thanh, tựa như tôi bật tỉnh khỏi một cơn ác mộng sau giấc ngủ quên".
Và sau đó là ngôi thứ ba nhằm thể hiện cảm giác tách rời của Laurence sau khi đối mặt với việc bị tấn công tình dục, dư chấn của nó kéo dài mãi từ năm 9 tuổi đến đầu tuổi vị thành niên:
"Chàng hoàng tử điển trai biến mất khỏi giấc mơ, ngôi nhà ma thuật cũng vậy. Đêm của cô đầy rẫy côn trùng. Gián và nhện khắp mọi nơi".
Cuối cùng, ngôi thứ nhất trở lại với sự thức tỉnh của ham muốn và kiểm soát của chính Laurence.
Nhưng rồi ngôi thứ hai trở lại, khi Laurence đã kết hôn và mang thai ở độ tuổi 30. Lúc này, Laurence dễ tổn thương và mất đi quyền kiểm soát với chính cơ thể, ý chí của mình: "Bạn sẽ sinh em bé ở thành phố mà bạn từng chào đời. Cha của bạn sẽ hạnh phúc lắm đây".
Khi Alice, con gái của Laurence, bước vào "sân khấu" cuộc đời, ngôi "tôi" tái xuất - Laurence trở thành người mẹ hết mực yêu thương, bao bọc con gái.
Cô kể về từng giai đoạn ấu thơ của Alice như của chính mình. Nhưng lần này trọng tâm không phải là về việc xã hội phân biệt giới tính thế nào, mà là nỗi lo lắng về việc Alice từ chối trở thành con gái, trong ngôn ngữ, cách ăn mặc, hành vi, thậm chí là giới tính của Alice.
Con gái được nhận xét là một tác phẩm thú vị và độc đáo. Camille Laurens sử dụng 3 ngôi kể nhằm mô tả, nhấn mạnh những suy nghĩ, cảm xúc và sự chuyển đổi từ một cô gái sang một người phụ nữ.
Điều này giúp thể hiện một cách chân thực và độc đáo trải nghiệm của người phụ nữ trong thế kỷ 20-21. Ở một mức độ nào đó, Laurence đã trở thành một đại diện cho câu chuyện cuộc đời của vô số phụ nữ.
Camille Laurens tên thật là Laurence Ruel-Mézières, sinh năm 1957 tại Dijon. Bà từng giảng dạy ở Rouen, sau đó ở Maroc từ năm 1984. Từ tháng 9/2011, bà giảng dạy tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris.
Năm 1994, bà trải qua bi kịch khi mất đi một người con, khởi nguồn cho tác phẩm Philippe (1995) và sau đó là Cet absent-là. Qua 2 tác phẩm này, bà đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa văn học và sự thật, tiến gần hơn đến thể loại "écriture de soi" (giả tự truyện).
Các tiểu thuyết tiếp theo của bà, Dans ces bras-là, đã giành được giải Prix Femina và Prix Renaudot des lycéens năm 2000; L'Amour, roman, Ni toi ni moi và Romance nerveuse - mong muốn thể hiện sự thật cá nhân dựa trên yêu cầu liên tục về phong cách và hình thức.
Tiểu thuyết Celle que vous croyez (2015) đặt câu hỏi về những hình thức bất ngờ mới của tình yêu trong thời đại mạng xã hội và website hẹn hò.
Camille Laurens cũng đã xuất bản các bài tiểu luận, đặc biệt là Quelques-uns (1999), một bài viết về vấn đề từ ngữ. Một số tiểu thuyết của bà đã được chuyển thể thành kịch và tác phẩm Celle que vous croyez đã chuyển thể thành phim vào năm 2019.
Từ năm 2002, Camille Laurens viết bài cho nhiều nhật báo khác nhau: Le Grain des mots, L'Humanité, Le Monde, Liberation. Bà từng là thành viên ban giám khảo Prix Femina (2007 - 2019) và hiện thuộc ban giám khảo Prix Goncourt.