Vén màn bí ẩn về chiếc ấn có một không hai ở Việt Nam:

“Sắc mệnh chi bảo” từng bị nghi là ấn giả

(Dân trí) - Ngay từ thời vua Trần Minh Tông, nhiều quan lại đã nghi dấu ấn “Sắc mệnh chi bảo” trên một số hồ sơ vua tìm được trong kho có từ thời vua Trần Thái Tông là dấu ấn giả. Rất may, sau đó Thượng hoàng Trần Anh Tông đã khẳng định đây là dấu thật và trách quan chức đương thời không hiểu lịch sử.

Chiếc ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong cuộc khai quật khảo cổ vào năm 2012 tại Hoàng Thành Thăng Long bấy lâu vốn nằm im lìm cùng hơn 150 hiện vật khác tại nhà N26 thuộc khu Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long bỗng nhiên trở thành hiện vật được giới khoa học lẫn truyền thông quan tâm với rất nhiều ý kiến trái chiều.

Chiếc ấn này càng gây tranh cãi hơn khi trong dịp dâng hương tưởng niệm các bậc tiền nhân ở điện Kính Thiên đầu Xuân Bính Thân vừa qua, đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã chia sẻ ý tưởng về việc tổ chức lễ khai ấn “Sắc mệnh chi bảo” hàng năm tại Hoàng thành Thăng Long. Một số người cho đây là ấn giả. Một số lại cho là chiếc ấn khắc ngược và không phải là ấn thời Trần. Nhiều người lại cho rằng, ấn “Sắc mệnh chi bảo” là để phong cho các vị thần tại các đình chùa miếu mạo... nên không thể tổ chức khai ấn.

Trước những thông tin trái chiều, vào 26/2 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long đã nhanh chóng tổ chức một cuộc hội thảo để bàn rõ hơn về chiếc ấn gỗ “Sắc mệnh chia bảo” và lấy ý kiến về việc nên hay không nên tổ chức chiếc ấn này hàng năm tại Hoàng Thành Thăng Long. Chủ trì sự kiện này là GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Việt Nam và GS.NGND Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Toàn cảnh buổi hội thảo về ấn Sắc mệnh chi bảo tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HTL.
Toàn cảnh buổi hội thảo về ấn "Sắc mệnh chi bảo" tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HTL.

Có thể nói, chưa có cuộc hội thảo nào liên quan đến một hiện vật khảo cổ lại nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu khoa học lẫn giới truyền thông như ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu độc lập đã đóng góp cũng như đưa ra nhiều ý kiến để soi rọi hiện vật này một cách khoa học và tường minh nhất.

Nhiều bằng chứng khẳng định ấn thời Trần

Theo PGS.TS Tống Trung Tín thì trong đợt khai quật tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long năm 2012 – 2014, các nhà khảo cổ dã tìm thấy ấn gỗ đã tìm thấy ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” tại khu vực Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G)”. Ấn được phát hiện ở độ sâu 6,38 mét so với mặt nước biển. Ấn bị mất núm, gồm hai mảnh ghép, kích thước của ấn là 10,5 cm. Đặc biệt, khi phát hiện, ấn nằm nguyên vẹn trong tầng văn hóa thời Trần, sau tầng văn hóa thời Lý, trước thời Lê Sơ và nằm giữa nhiều di vật gốm sành khác. Tầng văn hóa này không hề bị xáo trộn.

“Ban đầu chúng tôi không nhận ra đó là chiếc ấn. Bởi vì miếng gỗ đã bị vỡ thành hai mảnh. Một mặt ngửa và một mặt úp. Nhưng khi mặt ấn hiện lên 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo”, chúng tôi nhận diện được đây là hiện vật quý”, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết.

Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được nghiên cứu chỉnh lý sơ bộ và trưng bày tại nhà N26 - Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, cùng với hơn 150 hiện vật tiêu biểu đã tìm thấy tại khu vực 18 Hoàng Diệu, Vườn Hồng và khu vực Kính Thiên - Đoan Môn (trong vùng lõi và vùng đệm của di sản Hoàng Thành Thăng Long, là trung tâm của Cấm thành, Hoàng thành Thăng Long xưa).

PGS Hoàng Văn Khoán cho rằng, kết hợp việc ấn “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong quần thể vườn hồng, làm bằng gỗ, vết son còn lưu trên ấn rất đậm, chứng tỏ ấn đã từng được sử dụng nhiều. Và dấu son này là dấu son của triều đình chứ không phải dấu son của nhà Nho. Bên cạnh đó, PGS Khoán cũng tin rằng ấn này có từ thời Trần vì được phát hiện vật nằm trong lớp văn hoá không bị xáo trộn của thời Trần. Tuy nhiên, PGS cũng thừa nhận, chính ông lúc đầu cũng nghi đây là ấn giả.

Cận cảnh chiếc ấn Sắc mệnh chi bảo. Ảnh: V.A
Cận cảnh chiếc ấn "Sắc mệnh chi bảo". Ảnh: V.A

Trên cơ sở so sánh bộ chữ trên chiếc ấn với đồng tiền “Nguyên Phong thông bảo”, PGS Khoán phát hiện ra chữ “Bảo” trong ấn này hơi khác lạ. Cụ thể là nếu thông thường chữ “Bảo” sẽ có một bên là bộ Vương, một bên bộ Phểu, còn chữ “Bảo” ở đây lại có hai chữ Vương song song. Đối chiếu với các đồng tiền cổ thì đồng tiền “Nguyên Phong” niên hiệu Trần Thái Tông thì có chữ “Bảo” viết như thế. Chữ “Bảo” này xuất hiện từ thời Trần trở về sau.

PGS Khoán cũng cho rằng, trong sách Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi rõ: “Năm Đinh Tỵ (1257), khi vua thân hành thống lĩnh quân đi chống giặc, quan giữ ấn giấu ấn báu lên rường điện Đại Minh, chỉ đem ấn nội mật đi theo. Giữa đường, ấn ấy bị mất. Giấy tờ trong quân không có ấn. Vua sai thợ khắc gỗ làm ấn. Đến khi xa giá về kinh, lại có người đem dâng chiếc ấn bị mất, ấn báu giấu đi vẫn còn nguyên ở chỗ cũ”. Như vậy, nếu xác định đây là ấn của thời nhà Trần thì nên phát huy giá trị của ấn. “Vừa rồi tôi có lên đền Kiếp Bạc thấy ở đó họ cũng phát giấy kiểu ấn, nhiều người xin lắm. Hoàng thành Thăng Long nên xác định làm ngày hội, hội 3 lần chiến thắng quân Nguyên rồi ta phát ấn, có thể 2 ba chỗ phối hợp với nhau để nâng cao giá trị tuyên truyền, tổ chức hội như thế nào, ấn biểu thị như thế nào, bằng vải lụa hay giấy, sẽ phải có hội đồng bàn đến”, PGS Khoán nhấn mạnh.

Từng bị quan lại nhà Trần nghi là ấn giả

Dưới gốc độ tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của ấn “Sắc mệnh chi bảo”, trong bài tham luận “Phiêu lưu cùng lịch sử và quốc ấn Sắc mệnh chi bảo”, GS Sử học Lê Văn Lan nhận định rằng, chiếc ấn này được tạo tác trong thời gian từ 19/1/1258 đến 29/1/1258. Địa điểm tạo tác ấn là Ngự Thiên Long Hưng, Thái Bình, gần cửa sông Lụa, bờ trái sông Hồng, ngày xưa gọi là Hoàng Giang, nay thuộc huyện Hưng Hà. Chủ sở hữu của ấn là vua Trần Thái Tông. Chiếc ấn này đã có tác dụng được phát huy từ khi được tạo tác và để lại những bài học, di sản, vấn đề cho đến thời vua Trần Anh Tông và Trần Minh Tông (tức 58 năm) sau khi ra đời.

GS Lê Văn Lan cũng cho rằng, “Sắc mệnh chi bảo” nằm trong hệ thống quốc ấn của các nhà vua thời Trần và chúng ta biết hệ thống quốc ấn có nhiều ấn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ở đoạn biên niên về đời trị vì của vua Lê Thái Tông, năm Ất Mão (1435) có ghi rằng: “Tháng 3 ngày mồng 6 đúc xong ấn báu. Sai bọn Hữu bật là Lê Văn Linh đến Thái miếu để làm lễ tế cáo. Cả 6 ấn này đều đúc bằng vàng và có tên tuổi. Ấn “Thuận thiên thừa vận chi bảo”, cất đi khi nào truyền ngôi mới dùng”. Ấn “Đại thiên hoành hoá chi bảo” thì dùng trong khi đánh giặc. Ấn “Chế cáo chi bảo” thì dùng khi ban chế biểu. Ấn “Sắc mệnh chi bảo” thì dùng khi có sắc dụ và hiệu lệnh thưởng phạt cùng các việc lớn. Ấn “Ngự tiền chi bảo” thì dùng vào việc giấy tờ sổ sách. Ấn “Ngựa tiền tiểu bảo” thì dùng khi có việc cơ mật”.

Theo GS Lan thì hoàn cảnh ấn “Sắc mệnh chi bảo” ra đời được nêu rõ trong Đại Việt sử ký toàn thư. Từ đoạn văn trong cuốn sách này, có thể hiểu vào chạp năm Đinh Tỵ (cuối 1257, đầu 1258), ngày 17/1/1258 nổ ra trận Bình Lệ Nguyên, mở màn cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông. Vua Trần Thái Tông đem toàn bộ lực lượng ở Thăng Long lên đánh quân nhưng do chưa có kinh nghiệm, đánh theo sách giáo khoa nên bị thất lợi. “Chủ soái” (tức vua Trần Thái Tông) thấy thất lợi vẫn chủ trương đánh một trận quyết tử. Rất may ông Lê Tần xuất hiện đúng lúc và rỉ tai vua điều gì đó nên vua đã dừng lại quay về Ngự Thiên Long Hưng (Thái Bình) - quê hương nhà Trần để củng cố lại lực lượng.

GS Phan Huy Lê và GS Lưu Trần Tiêu làm chủ trì của cuộc hội thảo. Ảnh: HTL.
GS Phan Huy Lê và GS Lưu Trần Tiêu làm chủ trì của cuộc hội thảo. Ảnh: HTL.

Trong 10 ngày, nhà Trần tập hợp lực lượng và phản công ở trận Đông Bộ Đầu và thắng lợi hoàn toàn. “Căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư thì trước đó, lúc ra trận nhà vua chỉ mang theo chiếc ấn nội mật nhưng lại mất. Trong hoàn cảnh đó, vua cho tuỳ tiện (nhưng có chủ trương) làm ấn bằng gỗ. Ấn bằng gỗ này không thể làm vào ngày đang đánh nhau, đã rút về Phù Lỗ, rồi rút về Ngự Thiên Long Hưng mà làm vào thời kỳ đang đứng chân để củng cố lực lượng. Tức là ấn được chế tác và sử dụng trong hoàn cảnh ấy. Năm Bính Thìn (1316), sau ngày chiếc ấn ra đời, vua Trần Minh Tông (chút của vua Trần Thái Tông) cần làm hộ khẩu, xét duyệt công trạng đã tìm thấy đống giấy tờ có đóng ấn này trong kho và nhiều quan đã cho dấu ấn này là giả. Nhưng sau đó được vua cha là Thái thượng hoàng Trần Anh Tông khẳng định “Đó đúng là những tấm thiếp của nhà nước đấy”.

Như vậy, theo GS Lan thì chiếc ấn được Đại Việt sử ký toàn thư nói đến ở đây chính là “Sắc mệnh chi bảo”. Và đây là chiếc ấn độc đáo nhất lịch sử Việt Nam vì tồn tại dưới lòng đất từ rất lâu mà vẫn không bị suy xuyển, được làm bằng thứ gỗ tốt, màu sắc nâu thẫm, hình thù vuông vắn, mỗi cạnh có kích thước 11,5cm và dầy 0,5cm, mặt khắc rành rẽ 4 chữ triện Hán.

(còn tiếp)

Hà Tùng Long