Rộn ràng chơi đổ xăm hường lấy may đầu năm

(Dân trí )- Ðổ xăm hường là một trò chơi tao nhã được người Huế ưa chuộng. Thoạt tiên, trò chơi này xuất phát từ trong cung vua Nguyễn, về sau phổ biến trong dinh thự của các vương tôn, công tử, quan lại rồi lan truyền ra dân gian.

Xăm có nguồn gốc từ chữ Thiêm trong chữ Hán, nghĩa là cái thẻ. Hường là lối đọc trại từ chữ Hồng, nghĩa là màu hồng, do âm Hồng có trong chữ Hồng Nhậm, là tên của vua Tự Ðức nên phải kiêng.

Ðổ xăm hường là trò chơi gieo con súc sắc (còn gọi là hột tào cáo, hột xí ngầu) để dành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa gồm: Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám Hoa, Bảng Nhãn và Trạng Nguyên. Ngay tên gọi của các quân cờ cũng đã thể hiện sự nho nhã của trò chơi cũng như tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa.

Bộ xăm hường Huế
Bộ xăm hường Huế

Một bộ xăm hường gồm ba món chính: những chiếc thẻ (xăm), sáu con súc sắc và chiếc tô sứ sâu lòng để gieo súc sắc (đổ hột). Ngày trước, người chơi phải nhọc công để tìm cho được một chiếc tô sứ men lam làm từ đời Minh - Thanh bên Tàu để tiếng đổ hột mới thanh và vang xa. Riêng bộ thẻ thì tùy mức độ sang hèn của chủ nhân mà được làm bằng ngà voi, xương thú hay cật tre.

Tại Huế, nơi điện Hoà Khiêm trong lăng Tự Ðức vẫn còn lưu giữ một bộ xăm hường làm bằng ngà voi, chạm trổ rất đẹp, vốn là vương bảo của vua Tự Ðức. Chủ nhân Ngọc Sơn công chúa từ đường ở đường Nguyễn Chí Thanh vẫn còn lưu giữ được một bộ xăm hường khác, cũng bằng ngà voi, có từ thời vua Ðồng Khánh.

Bộ xăm hường xưa đời vua Tự Đức
Bộ xăm hường xưa đời vua Tự Đức

Ngày nay, các bộ xăm hường bán ở chợ Ðông Ba thường được làm bằng xương, cũng chạm trổ cầu kỳ nhưng các chữ Hán được thay bằng các hình vẽ có màu sắc loè loẹt và những dấu chấm màu đỏ. Hiện có bộ xăm hường bằng xương thú ở Nhà sách Phương Nam khá đẹp và chuẩn vì làm các hình tượng Trạng Nguyên, Thám Hoa, Bảng Nhãn... như người thật. Có chữ việt và chữ Truyng Hoa được khắc lên thẻ xương khá cầu kỳ.

Ngoài ra cũng cần phải kể đến chiếc hộp để cất những chiếc xăm và các con súc sắc. Ðó là những chiếc hộp làm bằng gỗ quý bên ngoài có các hình trang trí bằng sơn son thếp vàng hay cẩn xà cừ. Như thế mới tương xứng với những “ông trạng, ông nghè” bằng ngà, được cất giữ trong hộp.

Chén sứ trắng men xanh đời vua Tự Đức dùng để đổ 6 hột súc sắc
Chén sứ trắng men xanh đời vua Tự Đức dùng để đổ 6 hột súc sắc

Mỗi bộ xăm hường gồm 63 chiếc thẻ. Thẻ cao nhất là trạng nguyên (1 thẻ), có giá trị là 32 điểm. Tiếp theo là 1 thẻ bảng nhãn và 1 thẻ thám hoa (16 điểm/ thẻ); 4 thẻ hội nguyên (8 điểm/thẻ), 8 thẻ tiến sĩ (4 điểm/thẻ), 16 thẻ cử nhân (2 điểm/thẻ) và 32 thẻ tú tài  (1 điểm/thẻ).

Trò chơi dùng sáu con súc sắc, mỗi con có sáu mặt khắc các dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục, trong đó mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ (hường), các mặt khác được tô màu đen. Khi chơi, ngưòi ta gieo cả sáu con súc sắc vào chiếc tô sứ rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm để nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp. Người chơi có thể là bốn, năm hay sáu người đều được. Và tùy theo số người chơi để định ra các lệ luật như bán trạng, mua trạng và định mức độ ăn thua. Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ (hường) như sau:

Chơi xăm hường đầu năm
Chơi xăm hường đầu năm

Nhất hường: có một mặt tứ trong sáu mặt súc sắc hiện ra, được nhận thẻ tú tài.

Nhị hường: có hai mặt tứ trong sáu mặt súc sắc hiện ra, được nhận thẻ cử nhân.

Tam hường: có ba mặt tứ trong sáu mặt súc sắc hiện ra, được nhận thẻ hội nguyên.

Tứ hường: có bốn mặt tứ trong sáu mặt súc sắc hiện ra, được nhận thẻ trạng nguyên.

Ngũ hường: có năm mặt tứ trong sáu mặt súc sắc hiện ra, được nhận cả ba thẻ trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa.

Lục phú hường: có sáu mặt tứ trong sáu mặt súc sắc hiện ra, được nhận tất cả các thẻ có trong cuộc chơi, kể cả thẻ đã thuộc về tay người khác và được thắng gấp đôi số điểm quy định cho các thẻ. Ðây là trường hợp rất hiếm hoi, được coi là tột đỉnh của vận may. Và thường khi đạt được lục phú hường, người ta mừng ít, lo nhiều vì cho rằng sau khi đạt được tột cùng của sự may mắn thì sẽ gặp xui xẻo, nhất là những ai đổ xăm hường trong ngày đầu năm để đoán vận hên xui của mình trong một năm sắp đến.

Người ta còn dựa vào các mặt màu đen để định ra thang điểm thứ hai như sau: Tứ tự: có bốn mặt giống nhau trong sáu mặt, lấy thẻ tiến sĩ. Tứ tự nhất hường: có bốn mặt giống nhau trong sáu mặt và một mặt tứ, lấy một thẻ tiến sĩ và một thẻ tú tài. Tứ tự nhị hường: có bốn mặt giống nhau trong sáu mặt và hai mặt tứ, lấy một thẻ tiến sĩ và một thẻ cử nhân. Tứ tự cáp xiên: có bốn mặt giống nhau trong sáu mặt, hai mặt còn lại có tổng số điểm bằng một trong bốn mặt giống nhau đó, lấy thẻ bảng nhãn hay thám hoa.

Đổ được Tứ hường, người chơi được nhận thẻ Trạng Nguyên cao nhất
Đổ được Tứ hường, người chơi được nhận thẻ Trạng Nguyên cao nhất

Tứ tự cáp chính: có bốn mặt giống nhau trong sáu mặt, hai mặt còn lại giống nhau và có tổng số điểm bằng một trong bốn mặt giống nhau kia, lấy thẻ trạng nguyên. Ngũ tử: có năm mặt giống nhau trong sáu mặt, lấy thẻ trạng nguyên. Ngũ tử đại ấn: có năm mặt giống nhau trong sáu mặt và một mặt tứ, cũng lấy được thẻ trạng nguyên nhưng rất khó bị người ta cướp trạng. Lục phú: có sáu mặt giống nhau, thắng toàn bộ. Phân song: có sáu mặt nhưng chia làm hai nhóm, mỗi nhóm có ba mặt giống nhau, lấy thẻ bảng nhãn hay thám hoa. Phân song tam hường: có ba mặt  giống nhau và ba mặt tứ, lấy thẻ bảng nhãn hay thám hoa cùng với một thẻ hội nguyên. Hạ mã: tức là xuất hiện ba cặp nhất, nhị, tam. Thượng mã  tức là xuất hiện ba cặp tứ, ngũ, lục và suốt nghĩa là có số mặt tăng dần từ nhất đến lục. Tất cả các trường hợp này đều lấy thẻ bảng nhãn hay thám hoa.

Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp cụ thể mà định ra cách thức cướp trạng khi thẻ này đã về tay người khác hay cách lấy các thẻ tương ứng với một thẻ có số điểm cao hơn nhưng đã thuộc về người khác, trước khi người thứ hai đạt được thẻ đó. Khi số thẻ được lấy hết có nghĩa một ván cờ đã kết thúc và người ta dựa vào số thẻ có ở từng người để xác định kẻ thắng người thua.

Ðiều thú vị là hoàn toàn không có tính sát phạt trong trò chơi đổ xăm hường mà chủ yếu nhờ vào sự may rủi. Người ta thường chơi xăm hường trong những dịp đầu xuân, vừa để giải trí trong ba ngày Tết, vừa để thử vận hên xui của mình trong một năm, hơn là để thỏa mãn thú đỏ đen như những trò cờ bạc khác. Ðiều này có lẽ phù hợp với tính cách của người Huế nên đổ xăm hường mới lan truyền sâu rộng nơi mảnh đất cố đô và vẫn tồn tại cho đến bây giờ.

Các em bé rất thích thú đổ xăm hường

Các em bé rất thích thú đổ xăm hường
Một người chơi đổ hên, lấy được nhiều thẻ tốt

Một người chơi đổ hên, lấy được nhiều thẻ tốt
Một người chơi đổ hên, lấy được nhiều thẻ tốt
Trò chơi mang tính hên xui, không phải đỏ đen nên được chơi từ xưa đến giờ
Trò chơi mang tính hên xui, không phải đỏ đen nên được chơi từ xưa đến giờ

Video chơi đổ xăm hường đầu năm 2013:


 
 
 Đại Dương – Q.Nam