Rộ mốt “cởi đồ”: Văn hóa đã xuống cấp đến mức chạm đáy
“Cởi đồ” từ chỗ tiến một bước dài từ bãi tắm, phòng ngủ… lên sân khấu, báo mạng, báo in và thậm chí, cả báo hình (sóng truyền hình quốc gia hẳn hoi). Thì giờ, lại thêm một bước ngoạn mục từ showbiz ra đến đời thường - như một trào lưu không cưỡng nổi.
Nên nhìn nhận một cách hợp lý, rằng lý do để khoe thân thì nhiều, mà lý do chính đáng thì không thấy đâu. Một trong những lý do mà một nhà quản lý người mẫu cho rằng dễ giải thích nhất, chính là cứ nhìn vào hình ảnh và tần suất khoe thân trên mạng, thì có thể hiểu, càng dày đặc bao nhiêu, người đó càng có lợi thế “đi sô” bấy nhiêu. Nhưng liệu ai cũng khoe thân vì mục đích đó thôi không?
Đọc những thông tin Du lịch đặc sắc trên chuyên trang Du lịch |
Và còn nhiều lý do vô lối để nude khác: Kỷ niệm 20 năm làm nghề (cặp song sinh Thúy Hằng - Thúy Hạnh), bảo vệ môi trường (Ngọc Quyên), thiền (Thái Nhã Vân), trước ngày cưới (Kiều Như), mừng năm Rắn (Diệp Lâm Anh)...
Đến lượt thiếu nữ đường phố học đòi
Sau clip ca nhạc “Anh không đòi quà” phát trên YAN TV, hàng loạt phiên bản nhái đã ra đời, chỉ để mô phỏng chuyện thiếu nữ trả hết quà tặng cho đại gia, kể cả đồ lót, ngay trên đường phố. Những cô gái bạo dạn đi giữa phố, vừa cởi, vừa để quay phim, khiến mọi người kinh ngạc. Hiện đã có ít nhất 8 phiên bản vừa đi, vừa cởi đồ ở Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Vũng Tàu, Gia Lai, Nha Trang, thậm chí cả em bé cũng... cởi như trong một clip ở TP.Buôn Ma Thuột.
Làn sóng cởi đồ này không phải vô tình mới đến Việt Nam. Trước đó, nghệ sĩ châu Âu, châu Mỹ thường khoe thân, rồi đến nghệ sĩ Hàn Quốc,Trung Quốc học lóm. Nhưng cho đến khi hiện trạng “cởi” vào từng ngõ ngách để thanh niên nam, nữ hay cả em bé cũng cởi để ghi hình đã cho thấy mức trầm trọng của sự ngộ độc về văn hóa ở những công chúng bình dân.
Tình trạng này rất đáng báo động. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm, “giới trẻ bao giờ cũng hướng ngoại, dương tính, nhưng ở ta do thiếu hiểu biết, mù quáng, thích phô trương mà dẫn đến việc tiếp thu cả cái dở của người ta”. Vậy, nhà quản lý có thể làm gì? “Nên chăng cần quy định cụ thể: Nơi nào có thể nude, nơi nào không.
Chẳng hạn, các bãi biển (tùy chỗ) có thể nude thoải mái, còn những nơi công cộng khác, cần đến sự trang nghiêm, thì đừng. Nhưng sâu xa của chuyện này còn do truyền thống gia đình bị phá vỡ, việc giáo dục kỹ năng sống bị xem nhẹ, cha mẹ bỏ bê con cái, lo làm ăn. Xã hội đổ cho nhà trường, nhưng nhà trường thực ra cũng chỉ gánh được một phần nào đó mà thôi.
Điều này cảnh báo xã hội VN đang ở giai đoạn khủng hoảng cực kỳ trầm trọng. Văn hóa đã xuống cấp đến mức chạm đáy. Trong khi đó, cái chuẩn mới chưa xuất hiện. Nếu không nỗ lực thay đổi tận gốc, những tệ hại trên sẽ còn xuất hiện nhiều hơn” - TS Thêm cảnh báo.