Ra mắt tự truyện của diễn giả không chân, không tay người Nhật Bản
(Dân trí) - Cuốn sách “Không rào cản” – tự truyện của Ototake Hirotada - một chàng trai bẩm sinh không chân, không tay trở thành thầy giáo, nhà văn, diễn giả nổi tiếng của Nhật Bản vừa ra mắt độc giả Việt Nam.
Cuốn sách Không rào cản có tên gốc là Ngũ thể bất mãn được viết trong thời gian Ototake học đại học. “Khuyết tật là một điều bất tiện, nhưng không phải một bất hạnh” Đây là thông điệp xuyên suốt cuốn sách mà độc giả có thể cảm nhận qua mỗi câu chuyện, mỗi chặng đường đời của tác giả.
Bạn sẽ phản ứng thế nào khi biết đứa con mình vừa sinh ra không có chân tay? Mẹ của Ototake phải hơn một tháng sau khi sinh mới được gặp con với lý do con không được khỏe. Sau đó, mọi người chỉ nói là con có một chút khuyết tật. Đến ngày gặp con, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn phương án bà bị ngất đi để ứng phó, nhưng giây phút đó lại nhẹ nhàng ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người bởi bà lập tức thốt lên “Yêu quá” và vô cùng sung sướng khi được ôm con vào lòng.
Bìa cuốn sách "Không rào cản"
Giây phút đầu tiên ấy cũng như suốt chặng đường phát triển của Ototake, bao giờ mẹ anh cũng coi anh là một người bình thường. Mẹ anh xin cho anh vào trường của những học sinh bình thường chứ không phải trường dành cho người khuyết tật. Anh có thể tự đi dã ngoại cùng bạn bè từ lớp Bảy mà bố mẹ không hề phản đối. Anh chia sẻ: “Bố mẹ có con khuyết tật thường hay rơi vào chiều hướng bảo vệ quá mức. Thế mà nhà tôi thì bố mẹ nhẹ nhàng tranh thủ đi chơi lúc con du lịch vắng nhà. Nói thẳng là bố mẹ tôi không coi người khuyết tật là người khuyết tật. Điều này lại tốt với tôi.”
Ototake may mắn luôn được các thầy cô và bạn bè hỗ trợ hết mình. Các thầy cô luôn tạo điều kiện để Ototake được hòa nhập với lớp, thầy giáo sẵn sàng cõng cậu lên núi để dã ngoại cùng bạn bè, nhưng thầy lại không bao giờ “ưu tiên” cho Ototake chỉ vì cậu là người khuyết tật. Thầy của cậu quan niệm: “Các bạn trong lớp muốn giúp Ototake, có nghĩa ở đây đã nảy nở sự cảm thông. Đó là cái đáng mừng, và không nên o ép các trò không được làm như vậy. Nhưng nếu các bạn xung quanh cứ làm hộ hết mọi việc thì chắc chắn Ototake sẽ có tâm lí chờ đợi…
Hồi nhỏ, Ototake coi khuyết tật là một “sở trường” – bởi với một đứa trẻ thì được là trung tâm của sự chú ý là một điều hãnh diện, nhưng khi đã trưởng thành, anh quan niệm khuyết tật chỉ là một đặc điểm về thân thể, như trên đời béo gầy, cao thấp, da đen, da trắng khác nhau.
Cuốn sách tái hiện lại toàn bộ cuộc đời của Ototake từ khi sinh ra, tới khi học Mẫu giáo, lên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông rồi vào Đại học, đi làm… Mỗi chặng đường được kể lại với những câu chuyện thật thú vị. Ototake lôi cuốn độc giả bằng cách kể chuyện vừa hài hước, vừa gợi mở. Cuốn sách còn có những minh họa thật ngộ nghĩnh, sinh động của họa sĩ Takeda Miho.
Hà Thanh