Ra mắt ấn bản tiếng Việt bộ “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
(Dân trí)– Bên cạnh những áng văn tuyệt đẹp về thiên nhiên bao la trên những vùng thảo nguyên hoang sơ của nước Mỹ cuối thế kỉ 19, “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” còn đề cập đến nhiều vấn đề: nạn phân biệt chủng tộc, nội chiến Nam-Bắc…
Bộ phim truyền hình "Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên" để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả
Ấn tượng lớn nhất với mỗi độc giả khi đọc Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên có lẽ là tình cảm gia đình ấm áp, tình làng nghĩa xóm, tình cảm bạn bè trong sáng. Thiên tiểu thuyết cũng ngợi ca những con người lạc quan, yêu đời, tràn đầy nghị lực sống dù sống trong điều kiện khó khăn gian khổ khi khai phá vùng đất mới.
Bên cạnh những áng văn tuyệt đẹp về thiên nhiên bao la trên những vùng thảo nguyên hoang sơ của nước Mỹ cuối thế kỉ 19, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên còn đề cập đến nhiều vấn đề của nước Mỹ đương thời: nạn phân biệt chủng tộc, nội chiến Nam-Bắc, tự do tín ngưỡng, mặt trái của nền tư bản, vấn đề tự do báo chí…
Laura Ingalls Wilder sinh ra trong một căn nhà chòi bằng gỗ vào năm 1867 tại Wisconsin, Mỹ. Trải nghiệm thời thơ ấu của bà trở thành nguồn cảm hứng làm nên tác phẩm để đời Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên. Laura Ingalls Wilder mất ngày 10 tháng 2 năm 1957 ở tuổi 90 trong trang trại xinh đẹp của bà ở Mansfield, bang Missouri.
Không chỉ bộ sách được yêu mến mà bộ phim truyền hình dài tập Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên - bộ phim được chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn người Mỹ Laura Ingalls Wilder cũng được khán giả khắp thế giới say mê…
Ấn bản tiếng Việt được xuất bản tại Việt Nam lần này sử dụng bìa và minh họa của họa sĩ Garth Williams – nhân dịp kỉ niệm 75 năm ra đời bộ sách. Garth Williams bắt đầu vẽ minh hoạ cho chuỗi truyện Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên sau lần gặp Laura Ingalls Wilder tại ngôi nhà của bà ở Missouri, và sau đó Garth đã đi thăm hầu khắp các ngôi nhà bà đã từng sống. Các minh hoạ quyến rũ này khiến cho Laura Ingalls Wilder cảm thấy “bà và gia đình được sống lại lần nữa trong những bức vẽ”.
Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên được chuyển ngữ bởi nhà thơ Hoàng Chính và Lưu Diệu Vân – hai cây bút nổi tiếng trong cộng đồng văn học hải ngoại.
Hà Thanh