Quyền Linh bật mí về 3 món ăn đặc biệt và thói quen trong đêm giao thừa
(Dân trí) - “Thực ra, ngày Tết của gia đình tôi không đặc biệt hơn là mấy so với ngày thường. Tôi thường thích mẹ tôi nấu thịt kho hột vịt, canh khổ qua và dưa muối… Nhưng có một truyền thống từ bao năm nay đó là đúng vào thời khắc giao thừa, bao giờ tôi cũng đi chùa”, Quyền Linh bật mí.
Là một người rất xem trọng những giá trị gia đình. Anh nghĩ như thế nào về chuyện bếp núc và chuyện người đàn ông vào bếp?
Thật sự thấy chuyện bếp núc rất quan trọng vì bữa cơm gia đình là lúc để kết nối các thành viên lại với nhau. Cho dù người đàn ông vào bếp sẽ không nấu ngon, không bày trí đẹp, không tươm tất được như người phụ nữ nhưng việc hộ vào bếp sẽ mang đến cho các thành viên trong gia đình những cảm xúc đặc biệt.
Người phụ nữ khi thấy người đàn ông vào bếp sẽ thấy vui, hạnh phúc vì được chia sẻ, được quan tâm. Các con thấy ba vào bếp nấu nướng cho cả nhà cũng sẽ thấy vui và yêu thương ba hơn.
Tôi nghĩ rằng, ở thời hiện đại, bếp núc không phải chỉ dành riêng cho phụ nữ. Bây giờ đàn ông nấu ăn ngon, nấu ăn giỏi rất nhiều. Tôi cũng là người thích nấu ăn. Và thời buổi này đàn ông vào bếp là chuyện bình thường và đàn ông nên vào bếp.
Dân gian có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Theo như anh chia sẻ thì đã đến lúc nên thay đổi quan niệm này?
Tôi nghĩ là rất nên thay đổi quan niệm này. Ở thời buổi này, đàn ông xây tổ ấm, đàn bà xây nhà không phải là chuyện hiếm. Bây giờ, cứ ai thuận cái gì thì làm cái đó. Nếu chồng đi làm về sớm hơn vợ thì tranh thủ chợ búa, bếp núc, nấu nướng cho cả nhà cũng được chứ sao.
Tôi thấy, chuyện “xây tổ ấm” bây giờ để cho một mình chị em phải lo toan là hơi nặng vì nó quá lắm chuyện phải lo. Bởi vậy, anh em cũng nên biết chia sẻ và cảm thông với người phụ nữ trong gia đình.
Anh bận rộn như thế thì thời gian đâu dành cho việc vào bếp, chia sẻ việc nội trợ với bà xã?
Thực ra, vì bận bịu nên tôi phải luôn tranh thủ. Tôi vào bếp buổi sáng để nấu nướng cho vợ con, còn buổi trưa và tối thì bận nên giờ đó thường không có mặt ở nhà.
Có thể hình dung, tôi thường dậy từ lúc 5 giờ 30 sáng, sau đó đi chợ mua đồ về nấu đồ ăn sáng cho các con và bà xã. Những hôm nào rảnh buổi trưa và buổi tối, tôi cũng sẽ “lăn vào bếp” nấu một vài món là lạ cho cả nhà thưởng thức.
Không cần quá cầu kỳ, chỉ cần hợp khẩu vị mọi người và là lạ một chút là được. Có nhiều khi cũng bị chê vì chế biến tùm lum, chẳng món nào ra món nào nhưng quan trọng là vui vẻ. Đàn ông vào bếp đâu nhất thiết phải biết nấu thật ngon như món ăn ngoài nhà hàng.
Những ngày lễ, Tết… gia đình anh có thường đi ra ngoài “đổi gió”?
Những ngày Tết nhất, gia đình tôi cũng toàn nấu nướng ở nhà rồi quây quần với nhau. Thứ nhất, vì những ngày đó ra ngoài rất đông đúc. Thứ hai, ăn được một bữa ăn mà phải chờ đợi thì rất khó chịu. Những ngày lễ, Tết… vợ chồng tôi thường hay tổ chức nấu ăn rồi mời mấy người bạn thân như vợ chồng Hồng Vân – Lê Tuấn Anh đến thưởng thức.
Là người được đi đây, đi đó nhiều nơi. Anh thích ẩm thực của xứ sở nào nhất?
Mình là người Việt Nam nên không món ăn nào hấp dẫn mình bằng món của xứ sở, quê hương… Tôi đã được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều món ăn, mỗi nơi lại có những món ăn đặc thù nhưng ăn món ăn của quê hương mình vẫn là thích nhất. Tôi xuất thân từ vùng quê mà ra nên tôi rất thích những món dân dã như: chao, mắm, nước tương, cà muối, cá kho… Nhiều khi bê tô cơm ăn với dưa leo chấm nước tương mà còn thấy ngon hơn bất kỳ cao lương mỹ vị gì trên đời.
Món ăn nào trong ngày Tết mà gia đình anh luôn luôn có?
Thực ra, ngày Tết của gia đình tôi không đặc biệt hơn là mấy so với ngày thường. Tôi thường thích mẹ tôi nấu thịt kho hột vịt, canh khổ qua và dưa muối. Thời tiết cuối năm ở miền Nam hơi se se lạnh mà ngồi quây quần với nhau ăn mấy món đó thì cảm giác rất tuyệt.
Tết của gia đình anh thường diễn ra như thế nào?
Gia đình tôi có khi đón Tết ở nhà nội, có khi đón Tết ở nhà ngoại. Nhưng có một truyền thống từ bao năm nay đó là đúng vào thời khắc giao thừa, bao giờ tôi cũng đi chùa. Nhiều khi các anh chị em nghệ sĩ chơi thân như: Hồng Vân, Lê Tuấn Anh, Lý Hải, Minh Nhí… cùng hẹn nhau đi đến một ngôi chùa thân quen nào đó. Đi đến tận 5 – 6 giờ sáng thì ai mới về nhà nấy.
Năm qua, thấy anh có chia sẻ là cảm thấy mệt mỏi vì phải cáng đáng quá nhiều việc. Vậy năm nay anh có dành thời gian nhiều hơn cho bản thân?
Nghệ sĩ chúng tôi, cứ đến dịp Tết lại bận bịu gấp đôi ngày thường. Những năm trước đây, cứ đến Tết lại quay cuồng vì đi diễn. Nhiều khi bạn bè chỉ gặp nhau trên sân khấu chứ không có gặp được nhau ở ngoài vì ai cũng bận diễn.
Năm nay, tôi không nhận bất kỳ show nào mà dành trọn thời gian cho gia đình và bản thân. Cả năm, thấy mình như con tằm chỉ biết nhả tơ, hết đi diễn lại ghi hình, hết ghi hình lại đi diễn. Nhả miết giờ chỉ còn sợi dây chun nữa mà thôi (cười).
Nhiều người bảo anh tham việc quá thành ra đôi khi lại làm khổ chính mình?
Đúng là đôi khi cũng hơi thấy mình tham việc, làm quá nhiều việc, quá nhiều vai trò. Đặc biệt, dẫn chương trình mảng xã hội lại ít nghệ sĩ làm vì phải đi vùng sâu vùng xa, phải thức khuya dậy sớm và ăn ở không được sung sướng như các mảng khác. Chương trình ghi hình với bà con nông dân là toàn phải ở ngoài ruộng, ngoài đồng… đâu được ở phòng máy lạnh. Đối tượng của các chương trình này cũng toàn người nghèo, nông dân, công nhân, người bệnh…
Làm chương trình cho người nghèo, nông dân, công nhân… vậy cuối năm anh có thường nhận được những lời chúc Tết của họ?
Nhiều chứ, không xuể đâu. Nhưng người nông dân, người ở thôn quê họ chất phác lắm. Họ không có biết gọi điện, nhắn tin chúc mừng như các fan của giới giải trí đâu. Gặp đâu họ ôm chầm lấy, chạy lại bắt tay và cười vui vẻ rồi chúc trực tiếp. Lời chúc của họ cũng mộc mạc và thân tình lắm. Họ quý tôi như người nhà vậy đó, gặp lúc nào cũng quý mến.
Cảm ơn anh đã chia sẻ đầu xuân.
Hà Tùng Long