Quy trình tiêu tốn 6 tỷ đồng cho bộ phim làm mất thể diện quốc gia

Vụ việc phim Cát nóng không chỉ là vấn đề của hãng phim Giải Phóng. Đằng sau đó là câu hỏi lớn hơn: Ngân sách quốc gia được sử dụng như thế nào qua việc đầu tư cho điện ảnh?

Khi vụ việc xảy ra, nhiều nhà báo gọi điện phỏng vấn đạo diễn Lê Hoàng nhưng vị đạo diễn này chưa bao giờ thèm trả lời ai lấy một câu, chỉ lặp lại điệp khúc: Tôi làm việc theo quy trình. Vâng, đúng vị đạo diễn đã làm việc theo quy trình thật. Nhưng cái quy trình ấy diễn ra như thế nào mà để tiêu tốn 6 tỷ đồng đổi lấy 1 bộ phim làm mất thể diện quốc gia như nhiều báo phản ánh tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội mới đây?
 
Nói làm việc theo quy trình là nói kiểu chày cối, vì ngay một quán cà phê làm ra một ly nước cho khách cũng phải theo quy trình, nói chi đến việc làm một bộ phim 6 tỷ đồng. Nhưng vị đạo diễn đã nói quy trình, thì chúng ta cũng bàn một chút về quy trình. Đúng là Hãng phim Giải Phóng đã làm theo quy trình, nhưng cái quy trình ấy đã sai “bét nhè” từ đầu. Một cái quy trình lộn xộn.
 
Đoàn làm phim Cát nóng tại buổi khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội 2012
Đoàn làm phim Cát nóng tại buổi khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội 2012

Quy trình làm phim ai cũng biết, biên kịch thì viết kịch bản, đạo diễn thì chỉ đạo làm phim từ kịch bản đã được duyệt của nhà sản xuất. Nếu đạo diễn chưa thỏa mãn với kịch bản, anh có thể yêu cầu nhà sản xuất mời biên kịch đến chỉnh sửa lại. Anh có thể tham gia góp ý vào việc chỉnh sửa, nhưng anh không nên và không thể viết lại một kịch bản mới theo ý anh để làm phim. Quy trình chính là ở chỗ này, người nào việc ấy, chuyên môn nào ra chuyên môn đó.

Dĩ nhiên cũng có những đạo diễn họ làm luôn công tác kịch bản, nhưng phải có sự rạch ròi. Một là anh ta vừa có chuyên môn nghiệp vụ đạo diễn nhưng cũng vừa có chuyên môn nghiệp vụ biên kịch. Giai đoạn kịch bản, anh tham gia như một biên kịch đúng nghĩa. Hội đồng biên tập sẽ duyệt kịch bản anh viết ra. Giai đoạn này qua đi, anh mới được bước vào vai trò mới là đạo diễn. Chứ không phải anh làm một lúc cả hai vai, vừa vai nọ vừa vai kia.

Đó là chưa nói đến vấn đề nghiệp vụ biên kịch. Ở đây cũng xin nói luôn, một số đạo diễn có tật hay tỏ ra mình giỏi. Vừa viết kịch bản vừa làm đạo diễn. Trong tất cả các khâu làm phim, biên kịch là khâu đòi hỏi thời gian rèn luyện tay nghề lâu dài nhất. Một biên kịch tầm cỡ như các ông Phạm Thùy Nhân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Quang Lập hay Nguyễn Khắc Phục… phải trải qua hàng chục năm khổ ải mới viết được những kịch bản phim gọi là có tay nghề.
 
Một cảnh trong phim Cát nóng
Một cảnh trong phim Cát nóng
 
 
Đạo diễn Lê Hoàng dù có tài giỏi bao nhiêu, cũng không thể ngay lập tức biến mình thành nhà biên kịch được. Kết quả nhãn tiền khi vị đạo diễn làm lấy được: Một bộ phim có câu chuyện phim ngây ngô đáng xấu hổ tại Liên hoan phim Hà Nội.

Đó là chuyện biên kịch, còn xin nói thêm chuyện nhà sản xuất mà đại diện là ông giám đốc Thái Hòa. Cũng như vị đạo diễn, ông Thái Hòa luôn lặp lại hai chữ quy trình khi báo chí hỏi đến. Quy trình của ông, ngoài cái việc cho phép một người không có tay nghề biên kịch như ông Lê Hoàng viết lại một bộ phim hoàn toàn khác để sau đó tìm cách hợp pháp hóa, ông còn vi phạm nghiêm trọng quyền tác giả mà pháp luật quy định. Ông Thái Hòa đã biện minh cho hành động tráo ruột kịch bản được duyệt của mình như sau: Hãng phim Giải Phóng đã mua bản quyền kịch bản phim Cát nóng, vậy thì hãng có quyền sửa chữa theo ý của hãng, ông Phạm Thùy Nhân không có quyền thắc mắc khiếu nại.

Nói như vậy nghĩa là ông Thái Hòa đã nhầm lẫn nghiêm trọng giữa hai khái niệm “quyền tài sản” và “quyền nhân thân” nằm trong “quyền tác giả”. Hãng của ông dù có mua đứt bản quyền kịch bản của ông Phạm Thùy Nhân, thì hãng ông cũng chỉ mới có “quyền tài sản” thôi, ông chỉ được phép mua bán trao đổi sang nhượng góp vốn… kịch bản ấy nhưng ông không được phép tráo ruột, vì việc này thuộc “quyền nhân thân”, một thứ quyền luôn gắn chặt với người sáng tạo ra nó, không thể chuyển dịch cho bất kỳ ai.

Sự hồ đồ của ông Thái Hòa khi ép nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân giao luôn “quyền nhân thân” của mình có thể coi như là một hành vi vi phạm pháp luật. Về vụ việc này, Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục bàn sâu trên lĩnh vực pháp lý để bạn đọc có một cách nhìn toàn diện về nó trong các số báo tiếp theo…

Theo Tuấn Ngọc
Pháp luật Việt Nam