Nhà thơ Dương Kỳ Anh:

Quy chế bắt hoa hậu phải tốt nghiệp THPT chưa hợp lý!

(Dân trí) - Xung quanh những tranh cãi về quy chế hoa hậu hiện hành đang có nhiều bất cập, nhà thơ Dương Kỳ Anh, người từng là thành viên quan trọng trong BTC các cuộc thi hoa hậu Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đang lựa chọn hoa hậu theo một tiêu chí an toàn. Hơn nữa, thi hoa hậu chứ đâu phải là thi đại học mà phải cần tốt nghiệp THPT”.

Nhìn vào thực tế để đưa ra những quy chế mới về hoa hậu

Theo nhà thơ Dương Kỳ Anh, quy chế ở các cuộc thi hoa hậu Việt Nam hiện nay đang có nhiều bất cập. Người khởi xướng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho rằng, quan điểm của ông trước đây, bây giờ và mãi mãi về sau: “Đã là hoa hậu thì phải đẹp (vẻ đẹp hình thể), và ít nhất cô ấy phải là người đẹp nhất trong cuộc thi đó”.

Năm 1989, quy chế đầu tiên về hoa hậu được chính nhà thơ Dương Xuân Nam soạn thảo. Tuy nhiên đến năm 2006, quy chế này được sửa đổi lần thứ nhất và đến năm 2009 được sửa đổi lần thứ hai, trong đó đáng chú ý là việc bổ sung điều kiện thí sinh dự thi hoa hậu Việt Nam phải tốt nghiệp THPT. Theo nhà thơ Dương Xuân Nam, việc quy chế bị sửa đổi nhiều lần dẫn đến những tình huống phát sinh. Trường hợp hoa hậu Thùy Dung là một ví dụ. Tuy nhiên năm 2008, nhà thơ Dương Xuân Nam đã làm đơn kiến nghị hủy bỏ quy chế về việc thí sinh hoa hậu phải tốt nghiệp THPT mà chỉ cần đang học THPT. Trước thềm cuộc thi, một cuộc hội thảo đã được diễn ra và tất cả những người tham gia đều nhất trí bỏ điều khoản tốt nghiệp THPT mà chỉ cần trình độ THPT nghĩa là đang học THPT. “Tuy nhiên, quy chế mới chưa được ban hành thì xảy ra chuyện. Quan điểm của tôi, thí sinh không cần phải tốt nghiệp THPT, vì thi hoa hậu chứ có phải thi đại học đâu mà phải cần đến điều đó. Trường hợp của Thùy Dung hay của bất cứ một thí sinh hoa hậu nào cũng thế. Họ đi thi người đẹp mà và họ đã đẹp rồi thì việc học chậm một chút cũng không sao”.


Có phải ngôi vị hoa hậu đang được lựa chọn theo một tiêu chí an toàn? (ảnh minh h

Có phải ngôi vị hoa hậu đang được lựa chọn theo một tiêu chí an toàn? (ảnh minh h

Nhấn mạnh quan điểm về vấn đề học vấn của hoa hậu, nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng, tuổi 16 hay 17, đang ngồi trên ghế trường cấp ba vẫn có cơ hội đi thi hoa hậu. Tại sao lại phải loại bỏ và hạn chế những đối tượng này. Đó là chưa kể đến việc, đây là lứa tuổi đẹp nhất, thánh thiện nhất của các cô gái. Lịch sử cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã từng tôn vinh những cô gái 16, 17 tuổi trở thành hoa hậu như Hà Kiều Anh, Bùi Bích Phương và thời gian đã chứng minh là họ xứng đáng.

Theo ông Dương Kỳ Anh, quy chế hoa hậu từ năm 1989 đến 2006 đều diễn ra thuận lợi. Chỉ sau này, chính vì chúng ta cứ thay đổi tiểu tiết mới để xảy ra nhiều vấn đề. Trước đây quy chế quy định rõ chỉ có danh hiệu quốc gia mới gọi là hoa hậu, còn những giải thưởng còn lại chỉ nên gọi là người đẹp. Tuy nhiên,  quy chế này sau đó cũng không được áp dụng vì vậy bây giờ danh hiệu hoa hậu đang trở nên hỗn loạn. Quy chế mới quy định các thí sinh chưa lập gia đình, chưa tổ chức đám cưới, chưa đăng ký kết hôn lần nào và chưa chung sống với ai như vợ chồng. Việc chưa đăng ký kết hôn có thể kiểm tra được nhưng chuyện trước đó họ yêu ai, chung sống với ai làm sao chúng ta thẩm định được và thẩm định bằng cách nào? Hơn nữa cần xem xét lại quy định tổ chức đám cưới mà chưa đăng ký kết hôn, chưa sinh con thì có được đi thi hoa hậu không? Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho rằng phụ nữ chỉ cần chưa lập gia đình, chưa sinh con, từ 16 – 28 tuổi, nếu thấy mình có đủ yếu tố để trở thành hoa hậu thì nên để cho họ một cơ hội thi thố.

“Về vấn đề trinh tiết, Phương Tây quan niệm rất thoáng. Và với giới trẻ Việt Nam hiện nay, cũng không thể áp dụng chuyện trinh tiết như một thước đo về giá trị đạo đức. Phương Tây xem những việc như yêu ai đó và sống với ai đó trước khi kết hôn là chuyện bình thường, thậm chí đã tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn cũng là bình thường. Thử nghĩ xem, làm sao các cô gái bây giờ đẹp như thế, mà chưa yêu ai hay chưa quan hệ tình dục với ai? Giới trẻ bây giờ sống rất thoáng và chúng ta phải nhìn vào thực tế ấy để đưa ra những quy chế mới về hoa hậu”, nhà thơ Dương Kỳ Anh nêu quan điểm.

Thi hoa hậu là thi về nhan sắc

Một chuyên gia nhân trắc học cho biết: “Các cuộc thi hoa hậu thế giới cho phép thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ ở mức độ nhẹ. Ví dụ như xóa vết sẹo nào đó nhưng nếu phẫu thuật thẩm mỹ mà thay đổi cả gương mặt thì không được. Thế giới rất văn minh khi đưa ra quy chế như thế cũng giống như họ không quy định về học vấn một cách khắt khe”.

Năm 2008 trong khi ở Việt Nam, Thùy Dung bị cho là vi phạm quy chế vì chưa tốt nghiệp THPT thì hoa hậu thế giới năm đó thậm chí còn bỏ ngang chương trình THPT để đi làm MC, làm truyền hình và tham gia cuộc thi hoa hậu. Nói vậy để thấy chúng ta vẫn còn quá khắt khe với chính người nhà của mình, khắt khe trong việc tìm kiếm và đánh giá về hoa hậu.

Người mẫu Thúy Hạnh tiết lộ, nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp ở Venezuela đều làm ngực. Quốc gia này nói riêng và phương Tây nói chung quan niệm ngực to mới đẹp. Vì thế việc thí sinh hoa hậu ở đây nâng ngực được xem là chuyện bình thường. Ngay cả những cuộc thi lớn nhất thế giới như Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Thế giới đều không cấm thẩm mỹ, tuy nhiên nó có mức độ và không được quá đà. “Chúng ta không nên đặt nặng vấn đề có hay không việc can thiệp thẩm mỹ trong các cuộc thi hoa hậu. Trước đây nói đến thẩm mỹ tức là dùng đến dao kéo, còn bây giờ với công nghệ mới, người ta có thể làm đẹp mà không cần xâm lấn. Nhu cầu làm đẹp là tất yếu đối với phụ nữ. Tuy nhiên, trong quan niệm truyền thống của người Việt cái đẹp tự nhiên vẫn đáng được tôn vinh nhất. Tuy nhiên, có những sự can thiệp thẩm mỹ mà chúng ta phải cho phép như tắm trắng hay làm răng”.

Chuyên gia sắc đẹp này cũng khẳng định, quy định tuổi từ 18 - 26 là hoàn toàn hợp lý đối với hoa hậu. Các nhà nhân trắc học đã chỉ ra, tuổi 18 mới khẳng định được sự trưởng thành của một con người, cả về sức vóc lẫn trí tuệ. Một cô gái trước 18 tuổi muốn tham gia nghệ thuật thì có thể thi người mẫu. Bởi người mẫu là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi phải có kỹ năng trình diễn. Vì thế mà các công ty người mẫu thường tổ chức các cuộc tìm kiếm để tìm ra những gương mặt có triển vọng để đào tạo họ.

Bàn về trí tuệ của hoa hậu, khi được hỏi về hiện tượng trả bài của hầu hết các thí sinh, người mẫu Thúy Hạnh từ chối trả lời. Chị cho biết, đây là một chủ đề quá rối rắm và phức tạp nên không muốn bình luận.

Còn theo nhà thơ Dương Kỳ Anh, ông viện dẫn một câu chuyện vui: “Nhiều người hỏi tôi sao hoa hậu mà không thông minh tuyệt đỉnh. Tôi cười nói, thông minh tuyệt đỉnh thì phải đi tìm các giáo sư, tiến sĩ. Trời cho mỗi người một sở trường, người ta đã đẹp rồi thì trí tuệ cũng nên vừa phải. Vì sao ở những cuộc thi về trí tuệ người ta không đòi hỏi nhan sắc hoa hậu mà tại sao ở cuộc thi hoa hậu lại đòi hỏi về tuyệt đỉnh trí tuệ? Đó là điều vô lý, là cái nhìn còn lạc hậu phong kiến của nhiều người Việt trước hoa hậu. Nếu vẫn còn suy nghĩ đó, tôi cho rằng đó là suy nghĩ kì quái”.

Nhà thơ Dương Kỳ Anh cho biết, ngay từ khi sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thì tiêu chí “thi hoa hậu là thi nhan sắc” đã được lấy làm tôn chỉ. Tuy nhiên, càng ngày, ngôi vị hoa hậu càng được lựa chọn theo một tiêu chí an toàn khiến vị  “cha đẻ” không khỏi phiền lòng.

Đào Bích

Quy chế bắt hoa hậu phải tốt nghiệp THPT chưa hợp lý! - 2