Quốc phục Việt: Đừng đẽo cày giữa đường...

"Tôi có quan niệm cái gì chẳng phải là Tây cũng chẳng phái là Tàu thì là Việt. Bởi lẽ như Cụ Hồ có lần định nghĩa văn hoá Việt Nam là sự kết hợp giữa Đông và Tây. Bộ áo dài khăn đóng đáp ứng cái chuẩn ấy"... - Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định.

Mới đây, việc chọn trang phục làm Quốc phục một lần nữa lại được Bộ VHTTDL đem ra hội thảo, tham luận để lựa chọn. Nhưng 9 người 10 ý và cho đến nay chưa có sự thống nhất trang phục nào được lựa chọn. Là một nhà sử học, xin ông cho biết đó có phải là điều cần thiết? Tại sao khởi xướng từ gần chục năm nay rồi mà đến nay vẫn chưa có kết quả?
 
Thực ra khởi động việc thiết kế Quốc phục không phải là 10 năm mà trước đó nhiều năm, nó xuất phát từ nhu cầu đối ngoại, rồi bước vào thế kỷ XXI cũng là thời điểm Giỗ Tổ Hùng Vương thành Quốc lễ thì được Bộ Văn hoá-Thông tin (tên gọi lúc đó) triển khai nhằm phục vụ cho ngày lễ trọng này.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

 
 
Việc chuẩn bị rất bài bản, huy động việc nghiên cứu và thiết kế để cuối cùng ra được một mẫu thì người lẽ ra phải mặc trong ngày Giỗ Tổ là ông Chủ tịch Quốc hội thì ông ấy lại từ chối không mặc.
 
Cuối cùng chỉ có ông Chủ tịch Phú Thọ và một đại diện Bộ là nghệ sĩ Tiến Thọ lúc đó mới là Cục trưởng lại là một người có giọng đọc văn tế rất hay mặc để hành lễ.
 
Lễ năm ấy diễn ra suôn sẻ và sau đó không lâu, Tổ phù hộ ông Cục trưởng được đề bạt làm Thứ trưởng. Kể từ đó bộ cánh này được duy trì như lễ phục của lễ Giỗ Tổ.
 
Rồi trước Hội nghị APEC, theo thông lệ nước chủ nhà sẽ có một trang phục đặc sắc hay đặc trưng nào đó cho nguyên thủ các nước tham dự mặc, tỏ rõ sự trân trọng các giá trị di sản của nước chủ nhà. Một bộ trang phục bằng gấm màu sắc với áo dài và khăn xếp được thiết kế. Các vị nguyên thủ xúng xính mặc áo chụp ảnh chung... Và cũng chỉ một lần thoáng qua mà thôi. Nhiều người nhận xét... chưa đạt.
 
Cuộc hội thảo mới đây cũng lại do bức xúc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân than phiền rằng lần tổ chức Ngày văn hoá Việt-Hàn, đại diện lãnh đạo của nước bạn mặc bộ cánh truyền thống rất đẹp một cách đầy tự hào, còn mình vẫn cứ comlê caravat như Tây mà thấy chạnh lòng.
 
Thế là cuộc hội thảo ấy được coi như “hâm nóng” lại hay tái khởi động việc làm Quốc phục mà thôi. Khó gọi đó là một cuộc hội thảo mà mới là một cuộc trao đổi để thống nhất một số điều cho Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh là cơ quan được giao phụ trách chuẩn bị một dự án và với một quyết tâm mong đạt được điều mà đã được khởi động từ lâu lắm rồi.
 
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng chuyện Quốc phục chỉ là chuyện “phú quý sinh lễ nghĩa”, mang nặng tính phô trương, hình thức như chuyện hình thành đề án Quốc tửu của những người “no cơm ấm cật” như trước đó đã nêu?
 
 Tôi không nghĩ vậy. Quan điểm của tôi là nếu có cũng tốt, cũng là một trào lưu chung trong xu thế hội nhập toàn cầu nên mỗi quốc gia cũng muốn tôn vinh cái riêng.
 
Trang phục là một loại hình văn hoá mang tính biểu tượng cao. Riêng tôi thì cho rằng Quốc phục là trang phục mang đậm tính truyền thống dân tộc, khác với Âu phục mà từ hơn một thế kỷ nay nó đã phổ biến đến mức có lúc lấn át hoàn toàn Quốc phục. Trong Quốc phục và Âu phục cũng phải chia làm 2 loại: thường phục và lễ phục.
 
Với thường phục thì việc chọn Quốc phục hay Âu phục là tuỳ ý muốn của người mặc. Và trên thực tế thì không cần đến quy định của nhà nước thì người dân đã lựa chọn theo tập quán, tuổi tác. Áo dài khăn xếp đủ màu sắc, chất liệu thì đã trở nên rất bình thường.
 
Theo tôi vấn đề là lễ phục thì cũng có lễ phục theo Âu phục và Quốc phục. Với dân chúng thì vẫn là bộ complê hay bộ khăn đóng áo dài nhưng với chất liệu có phần trang trọng hơn thường phục. Vấn đề còn lại là thiết kế một lễ phục theo Quốc phục mang tính nhà nước để vận trong một số trường hợp đặc thù cần đến sự thể hiện bản sắc văn hóa (như các lễ trọng mang tính truyền thống) và đặc biệt là những nghi thức ngoại giao quan trọng.
 
Nếu hiểu hình thức là những yếu tố mang tính biểu trưng và sáng tạo mà con người làm ra để thể hiện một giá trị nào đó thì tôi thấy hình thức cũng quan trọng. Vấn đề là lễ phục nhà nước cũng nên có 2 lựa chọn (Âu phục và Quốc phục) để sử dụng đúng lúc, đúng việc mà thôi.
 
Theo đánh giá của ông, bộ Quốc phục của Việt Nam sẽ có quy chuẩn như thế nào? Trang phục nào sẽ là phù hợp để tôn vinh làm Quốc phục? Và nếu như vậy thì ai sẽ là người mặc chúng và phải mặc như thế nào cho đúng, tránh rơi vào tình trạng chỉ chọn để cho chúng ta yên tâm có Quốc phục?
 
Tôi có quan niệm cái gì chẳng phải là Tây cũng chẳng phái là Tàu thì là Việt. Bởi lẽ như Cụ Hồ có lần định nghĩa văn hoá Việt Nam là sự kết hợp giữa Đông và Tây. Bộ áo dài khăn đóng đáp ứng cái chuẩn ấy.
 
Có thể nói đến thế kỷ XX thì bộ cánh ấy bắt nguồn từ nhiều yếu tố truyền thống nhưng đến thời thuộc địa thì nó cũng được chuẩn hoá hơn theo xu thế “tiện nghi” kiểu hiện đại.
 
Thí dụ bỏ cái tay thụng, dựng khuôn áo bớt lùng thùng, khăn quấn được cải tiến thành khăn xếp (đóng sẵn). Tôi thấy những cải cách của Vua Bảo Đạo khi từ Pháp về chấp chính (1932) tạo ra khuynh hướng ấy một cách khá chuẩn mực. Đến nay tuy có những thay đổi nhưng nó đã trở nên khá “kinh điển” rồi.
 
Cũng như với bộ Âu phục thì muốn trở thành lễ phục phải có quy định thống nhất về màu sắc (trắng, đen hay một màu thể hiện sự sang trọng); kiểu cách (vạt sau có đuôi tôm hay xẻ kiểu nào), vạt trước khuy cài kiều gì (vắt chéo hay khuy giữa)...
 
Cả Âu và Quốc phục có thể quy định thêm vài phụ kiện, ví như ông Bảo Đại là vua thì khăn vàng, áo vàng có khi lại thêm cái áo choàng. Ở các nước khác tùy cương vị có thể thêm dải băng vắt chéo người biểu trưng quốc kỳ v.v...
 
Cái này thì phải để các nhà thiết kế chuyên nghiệp tính toán, tôi chỉ gợi ý ra những ý tưởng để tham khảo thôi. Vì lĩnh vực này phải có nghề chứ đừng “đẽo cầy giữa chợ”.
 
Nhiều ý kiến cho rằng áo dài lâu nay đã là biểu tượng đại diện cho các giá trị Văn hóa Việt và nhìn từ mọi góc độ thì áo dài xứng đáng được tôn vinh làm Quốc phục. Tuy nhiên, theo như tôi hiểu, từ giữa thế kỷ 20 mới có áo dài. Và như ông thấy, càng ngày chiếc áo dài càng mất vẻ trong sáng và thêm phần hở lộ liệu nó có xứng đáng là Quốc phục hay không? Và vì sao? Nếu áo dài được chọn thì phải điều chỉnh như thế nào?
 
Ở trên là tôi nói chủ yếu đến trang phục nam. Còn với nữ cũng vậy có cả Âu phục và Quốc phục và mỗi loại cũng có lễ phục và thường phục.
 
Lễ phục là Quốc phục nữ thì cái áo dài là đã định hình, chỉ có điều vì là lễ phục và nhất là lễ phục nhà nước thì nó cũng phải có những chuẩn mực về màu sắc, chất liệu, kiểu cách và phụ kiện đế cho khác với áo dài thường phục rất đa dạng.
 
Tôi nhớ rằng có lần Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nêu vấn đề phải làm rõ được việc này, ví như trong một bữa tiệc thì quan khách Việt là nữ mặc áo dài và các nữ phục vụ cũng mặc áo dài, không có quy định thì lẫn lộn, đôi khi các chị phục vụ lại ăn mặc sang, đẹp hơn cả quan khách.
 
Vấn đề không phải là cứ truyền thống là phải thật xưa, nếu thế thì chỉ có nam đóng khố và nữ mặc váy đụp mà thôi. Truyền thống cũng chính là phát triển. Nói cách khác nó phải là thời trang của những loại hình trang phục đặc trưng cho một dân tộc hay một quốc gia vào thời đương đại.
 
Quan điểm của ông thế nào khi có nhiều người đề cử yếm là Quốc phục?
 
Cái yếm thì đẹp mấy cũng không thể là quốc phục chỉ vì ngày xưa các chị, các bà đều sử dụng trước khi có nội y của Tây...
 
Tương tự như yếm, khố cũng là trang phục lâu đời, xuất hiện trên mặt trống đồng. Vậy thay vì tư duy áo the khăn xếp, chọn khố làm quốc phục thì ông nghĩ sao?
 
Nếu ta nhớ đến bộ Quốc phục nhà binh mà người Pháp thực dân thiết kế cho binh lính bản xứ thời thuộc địa.
 
Có hai loại là lính khố xanh (chức năng đối nội bảo vệ trị an) và lính khố đỏ (lính chiến để bảo đảm quốc phòng), thì chữ “khố” gợi lại một thứ trang phục truyền thống rất phổ biến của nam giới hồi đó, nhưng nó chỉ được biểu trưng bằng một vạt vải màu (xanh hay đỏ để phân biệt sắc lính), còn về căn bản vẫn là loại Âu phục có cải biến cho hợp với binh lính (quần xà cạp hay nón có vạt vải che gáy...).
 
Trong hình dung của ông, mẫu Quốc phục của nam giới sẽ như thế nào?
 
Ông Dương Trung Quốc: - Hình dung thì cũng đơn giản thôi, cứ xem các cụ bộ trưởng thời Chính phủ Cụ Hồ 1945-1946 như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, hay ông Bảo Đại khi về nước làm vua, hay các chính khách Âu hoá sâu sắc như ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu trong vai nguyên thủ vẫn dùng Quốc phục khăn đóng áo dài mà thấy đâu có “gai mắt”.
 
Đương nhiên thời đại thay đổi cũng có những gia giảm cần thiết cho đẹp hơn, sang hơn và Việt hơn mà thôi... Có ảnh tư liệu chụp hình ông Lê Duẩn khi còn trẻ khăn đóng áo the hồi làm ký ga xe lửa, hay ảnh Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi đến thăm Đại học FPT được chủ nhà khoác áo dài khăn đóng trông cũng thuận mắt. Nếu đầu tư làm đẹp hơn, chuẩn hơn thì... cũng ổn.
 
Tôi xin nhắc lại rằng ta đang bàn đến Quốc phục và cụ thể hơn là một lễ phục nhà nước dành cho nam giới và cũng chỉ vận lễ phục ấy vào những dịp thích hợp và cần thiết mà thôi. Vì vẫn còn bộ lễ phục theo Âu phục tiện giao tiếp trong những dịp không cần đến Quốc phục.
 
Xin cám ơn ông!
 
Theo Khải Nguyên
Báo Đất Việt