Quanh việc triển khai “nhà hát online”: Cục Nghệ thuật biểu diễn nói gì?

Hà Tùng Long

(Dân trí) - Trước những trăn trở và lo lắng của các nhà hát về tính khả thi của đề án “nhà hát online”, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đã có cuộc trao đổi với Dân trí.

 Trong buổi làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn hồi tháng 5/2020, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông đề nghị sớm triển khai đề án “nhà hát online”. Vậy việc này đã được Cục triển khai đến đâu, thưa ông?

Trước hết, phải nói dự án này không hẳn là “nhà hát online” mà là hoạt động nghệ thuật trên nền tảng kỹ thuật số. Nói “nhà hát online” là để mọi người dễ hình dung, mường tượng ra về hình thức và quy mô của ý tưởng này.

Quanh việc triển khai “nhà hát online”: Cục Nghệ thuật biểu diễn nói gì? - 1

Ông Trần Hướng Dương - Cục Phó Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Ý tưởng này sẽ được xây dựng thành một đề án hoàn chỉnh để trình lên Bộ trên tinh thần quảng bá các hoạt động nghệ thuật; lưu trữ tư liệu về các chương trình, vở kịch, tiết mục, trích đoạn nghệ thuật đặc sắc của các nhà hát.

Ở thời điểm hiện tại, Cục vẫn đang nghiên cứu để thể hiện ý tưởng thành văn bản. Chúng tôi sẽ thành lập một ban biên tập gồm nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng bạc bạc, thảo luận và cùng xây dựng đề án này.

Theo ý tưởng đó, trước mắt, Cục sẽ đưa các chương trình nghệ thuật có sẵn của 12 nhà hát thuộc Bộ VHTT&DL để phát trên nền tảng kỹ thuật số, sau đó sẽ mở rộng ra tất cả các nhà hát trên toàn quốc.

Khán giả có thể truy cập vào kênh này để xem một số tiết mục, chương trình hoặc vở diễn của một số nhà hát. Chúng tôi sẽ hướng tới việc làm sao để các chương trình được phát trên nền tảng kỹ thuật số này hấp dẫn nhất để thu hút đông đảo khán giả.

Ngoài ra, khán giả cũng có thể cập nhật các chương trình biểu diễn của các nhà hát ở nhiều địa điểm và thời gian khác nhau trên cả ba miền để mua vé đến xem. Ngoài ra, bất kỳ ai muốn tìm những tư liệu liên quan đến các hội diễn, hội thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, vở diễn, chương trình nghệ thuật… đều có thể tìm thấy ở đây.

Vậy Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ hỗ trợ cho các nhà hát như thế nào để xây dựng các vở diễn, tiết mục, chương trình phục vụ cho ý tưởng này?

Tất nhiên, Cục cũng sẽ có những hình thức kích cầu để hỗ trợ các nhà hát trong việc tập luyện, dàn dựng và địa điểm biểu diễn. Ví dụ, có một số nhà hát đã dựng xong tiết mục, chương trình, vở diễn nhưng không diễn được thì Cục sẽ hỗ trợ các đơn vị đưa lên mạng để giới thiệu đến với công chúng.

Ngoài ra, với những vở diễn kinh điển đòi hỏi phải phục dựng lại hoặc làm mới thêm để ghi hình phát trên nền tảng kỹ thuật số thì Cục sẽ có nguồn phí nhất định để hỗ trợ. Đấy coi như một hình thức trả bản quyền cho các nhà hát để nhà hát có kinh phí chi trả cho việc tập luyện, dàn dựng, địa điểm…

Phải nhấn mạnh rằng, điều chúng tôi ưu tiên số 1 là biểu diễn trực tiếp để mang lại cảm xúc cho công chúng và sự thăng hoa cho nghệ sĩ. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh nói riêng và tiến tới xu hướng tiệm cận thời đại kỹ thuật số nói chung thì cũng phải nghĩ tới chuyện “số hoá” sân khấu để các hoạt động nghệ thuật biểu diễn đến rộng hơn với công chúng. Bởi chúng ta đều hiểu rằng, đâu phải ai cũng có điều kiện đến các nhà hát mà xem biểu diễn thường xuyên được.

Quanh việc triển khai “nhà hát online”: Cục Nghệ thuật biểu diễn nói gì? - 2

Hình ảnh trong chùm hài kịch "Đời cười" từng diễn hàng trăm suất của Nhà hát Tuổi trẻ.

Và kho lưu trữ trên nền tảng kỹ thuật số này sẽ mang tính lâu dài cũng như phục vụ nhiều mục đích khác nhau chứ không chỉ mỗi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Những người nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn hoặc muốn tìm tư liệu cho các dự án nghệ thuật đều có thể tìm thấy ở kho tư liệu này.

Vấn đề mà nhiều nhà hát quan tâm hiện nay đó là họ sẽ kiếm nguồn thu như thế nào khi đưa các vở diễn, chương trình, tiết mục của họ lên phát trên nền tảng kỹ thuật số?

Tôi cho rằng, đây là vấn đề quan trọng nhất và các nhà hát họ quan tâm là điều chính đáng. Khi triển khai đề án thì cũng phải tính tới việc mang lại lợi nhuận cho các nhà hát để họ còn có kinh phí duy trì và tái sản xuất hoạt động nghệ thuật biểu diễn về lâu, về dài. Cơ quan quản lí nhà nước sẽ không thể đảm đương được việc này mà phải có một đơn vị trung gian đứng ra làm việc đó. Họ sẽ kết nối với các doanh nghiệp để đưa ra các hình thức xã hội hoá phù hợp hoặc kết nối với nhà mạng để tạo ra các giá trị như thế nào đó nhằm mang lại nguồn thu cho nhà hát. Bài toán kinh doanh phải được tính toán rất chặt chẽ mà cơ quan quản lý nhà nước chỉ đặt đầu bài thôi, còn đáp án và phép tính sẽ do đơn vị trung gian đó thực hiện.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

NSND Nguyễn Quang Vinh - Q. Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Trước mắt, đề án tổ chức hoạt động nghệ thuật trên nền tảng kỹ thuật số chưa coi việc kiếm nguồn thu là mục đích chính. Về lâu dài, các đơn vị nghệ thuật có thể chủ động phối hợp với nhà mạng để chia sẻ mục đích, lợi nhuận từ việc cung cấp chương trình.

Kể cả các nhà hát cũng có thể tận dụng, coi đây là cơ hội để giới thiệu – quảng bá các chương trình mới của mình để khi dịch bệnh đã được kiểm soát thì khôi phục các hoạt động biểu diễn tại các địa điểm cũng là rất cần thiết”.