Quãng đời cay nghiệt, bị miệt thị vì bỏ chồng của nữ danh ca nức tiếng
(Dân trí) - Nữ danh ca Họa Mi từng gánh bao miệt thị của người đời, bị mang tiếng "tham phú phụ bần" bỏ chồng bệnh tật đơn côi. Có người ví, giai đoạn này, Họa Mi như cánh chim cô đơn trên vòm trời vô định.
Từ cô con gái rượu trở thành trẻ mồ côi
Họa Mi tên thật là Trương Thị Mỹ. Cô sinh ra trong một gia đình khá giả. Cứ ngỡ tuổi thơ bình yên trôi qua nhưng không ngờ cuộc đời cô sớm trải qua những thử thách.
Khi vừa tròn 11 tuổi, cô đã phải chịu tang cha. Từ đây, cô từ giã cuộc sống "ngậm thìa vàng", vừa đi học, vừa chăm mẹ. Ở tuổi thiếu niên, cô phải ròng rã chở mẹ đi khám chữa mắt khi đôi mắt bà ngày càng mờ đục. Sau đó, mẹ sớm theo cha, Họa Mi trở thành trẻ mồ côi.
Rồi duyên phận cuộc đời đã đưa Trương Thị Mỹ gặp gỡ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Từ một giọng ca vô danh trong các hội đoàn, nhà thờ, cô gái ấy đã được vị nhạc sĩ nức tiếng trao cho nghệ danh "Họa Mi".
Mới đây, trên sóng truyền hình, với chương trình "Lời tự sự", nữ danh ca kể: "Khi hát đêm đầu tiên, tôi nhìn lên tấm bảng thì không thấy tên mình. Cũng là bài hát đó nhưng người biểu diễn là Họa Mi. Lúc đó tôi 19 tuổi nên rất sợ, không biết ai hát thế chỗ mình".
Sau đó, nữ danh ca chạy vào gặp nhạc sĩ vì nghĩ có sự nhầm lẫn thì ông đáp lại: "Kể từ tối hôm nay, cháu là Họa Mi".
Cuộc đời của cô bước sang một trang mới. Dưới sự dẫn dắt của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, Họa Mi nhanh chóng trở thành cái tên được khán giả chú ý và yêu mến.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ dặn cô không được lấy chồng sớm, phải tới 27 tuổi mới kết hôn. Họa Mi nhớ mãi lời nhắn nhủ của người nhạc sĩ đáng kính: "Cháu không có cha mẹ, cháu phải có thời gian làm nghề để có nhà cửa, xe cộ, tự lo cho cháu".
Đám cưới nghèo, chăm chồng bệnh tật
Khi đang là nghệ sĩ hàng top thời bấy giờ, Họa Mi đã cất bước sang ngang, cô chấp nhận rũ bỏ ánh đèn để nên duyên cùng nghệ sĩ saxophone Lê Tấn Quốc trong cảnh nghèo khó vào năm 1976.
Vì nghèo túng, Tấn Quốc - Họa Mi tự đãi tiệc cưới tại nhà và chiêu đãi bạn bè bằng... cơm đĩa. Nhà chồng cũng phải bán bớt bàn tủ để mua nhẫn và hoa tai cho nàng dâu trẻ.
Thiếu tình thương gia đình từ bé, nữ ca sĩ đã dồn hết chữ hiếu để phụ trợ cho 18 nhân khẩu nhà chồng.
Hạnh phúc chưa bao lâu, chứng "thoái hóa võng mạc" khiến mắt nghệ sĩ Lê Tấn Quốc ngày càng hẹp, cướp đi ánh sáng của anh.
Từ ấy, Họa Mi vừa là mẹ vừa là cha của các con, là đôi chân đưa chồng đi muôn nẻo trên hành trình trị bệnh. Bên cạnh giọng hát, cái tên Họa Mi bỗng chốc trở thành một "biểu tượng" với cảnh "vợ nhỏ chở chồng to".
Gánh bao cay nghiệt, nhiều năm sau mới được "giải oan"
Không dứt bệnh, nghệ sĩ Tấn Quốc phải sang tận Liên Xô thử phương pháp chữa trị mới, chích thẳng thuốc vào đáy mắt, đau đớn như hành hình. Thế nhưng, mọi phương pháp đều phải chào thua căn bệnh lạ này.
Năm 1988, Họa Mi được mời sang Pháp trình diễn. Đứng giữa kinh đô ánh sáng, niềm tin đôi mắt chồng có thể nhìn lại được cháy bỏng trong lòng cô. Từ chuyến lưu diễn ngắn ngày, Họa Mi chấp nhận sống tha hương suốt gần hai năm để chờ giấy bảo lãnh chồng sang Pháp chữa trị.
Tuy nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng, khi cô đưa được chồng sang, bác sĩ ở đây cho biết, thoái hóa võng mạc sắc tố là bệnh hiếm trên thế giới và y học chưa chữa trị được.
Nhìn lại quãng thời gian đó, Họa Mi chiêm nghiệm: "Cuộc đời mình tới đó là phải xảy ra chuyện đó, nên mình không tiếc. Ví dụ nó vui thì mình cảm ơn, nếu nó buồn thì mình phải chịu".
Sống trong bốn bức tường trên xứ người là một cực hình đối với Lê Tấn Quốc khi thấy vợ phải thay mình làm mọi điều. Anh nói với cô việc muốn trở lại Việt Nam vì ở quê hương xứ sở, anh có thể kiếm sống bằng tài năng nghệ thuật của mình, cũng như nhẹ gánh phần nào áp lực cho cô.
Nhưng cũng từ đây, Họa Mi đã phải trải qua quãng thời gian gánh bao miệt thị của người đời, bị mang tiếng bỏ chồng, "tham phú phụ bần" để chồng bệnh tật đơn côi.
Những cay đắng, tủi hờn ấy khiến Họa Mi tắt tiếng hát. Ai đó đã ví giai đoạn này, Họa Mi như "loài chim đơn thân", lịm dần những ý chí vẫy vùng trên vòm trời vô định.
Một năm sau, Lê Tấn Quốc thông báo mình đã tìm được một nửa mới trong đời với sự chúc phúc của chính Họa Mi. Với những thăng trầm đó, nhạc sĩ Lam Phương đã viết nên ca khúc "Em đi rồi" để riêng Họa Mi giãi bày cùng số phận mình.
Công việc ca hát bị ngắt quãng, Họa Mi tạm thời gác lại đam mê để mưu sinh bằng công việc bán kem, bánh mì. Nhờ vậy, cô quen và nên duyên cùng ông xã hiện tại của mình.
Từng lỡ một lần đò, nên người chồng mới hiểu rõ những truân chuyên mà Họa Mi đang gánh gồng. Với tình yêu và tình thương, ông chấp nhận thay cha ruột nuôi ba con riêng của Họa Mi như máu mủ của mình.
Ngày tái hôn của Họa Mi tại Việt Nam, nghệ sĩ Lê Tấn Quốc đã có mặt. Sau này, chính nghệ sĩ Tấn Quốc đã chia sẻ trên chương trình Sau ánh hoàng quang: "Thấy vợ mới chở vợ cũ của tui đi mua bánh trái mà cả xóm đứng ngó". Tấn Quốc giải tỏa những điều tiếng mà Họa Mi phải chịu đựng khi cả hai chia tay.
"Người chồng mới rất tốt với tôi và các con, nhưng ông ấy không muốn tôi đi hát. Tôi thành bà chủ, đi làm việc chung với ông ấy, nhưng tôi rất cực vì phải quán xuyến tất cả mọi việc. Thời gian bên Pháp, tôi làm việc không thấy mặt trời. Có những lúc lái xe mà tôi rớt nước mắt vì buồn, nhưng tôi ráng chịu vì các con còn nhỏ, tôi phải lo cho con", Họa Mi kể trong Lời tự sự.
Ba người con của bà hiện tại đều trưởng thành, lập nghiệp và kết hôn tại Pháp. Chính các con là người động viên Họa Mi trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật để thỏa nỗi nhớ nghề. Đó là lí do, bà quyết định quay lại nghệ thuật ở tuổi 60.