Quảng Bình: Biển, đảo Việt Nam qua góc nhìn truyền hình

(Dân trí) - Ngày 18/12, trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) đã diễn ra Diễn đàn “Tuyên truyền về biển, đảo trên truyền hình”, nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về công việc của những người làm truyền hình về vấn đề biển đảo.

Tham dự Diễn đàn truyên truyền về biển, đảo trên truyền hình hôm nay có GS.TSKH Lịch sử Vũ Minh Giang, Nguyên PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ; ông Phạm Việt Tiến, Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam;… cùng đông đảo các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, sinh viên trường Đại học Quảng Bình đã đến tham dự.

Clip: Diễn đàn tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam

Hiện nay, vấn đề tuyên truyền về biển, đảo được xác định là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đất nước. Tuy nhiên, chiến lược, nội dung và cách thức tổ chức truyên truyền về lĩnh vực này trên truyền hình còn chậm đổi mới khiến việc phát sóng để tuyên truyền về biển, đảo ở một số địa phương còn gặp nhiều hạn chế. Nhiều vấn đề “nóng” mang tính chính trị ít nhận được sự chỉ đạo hoặc rất chậm, định hướng từ cấp trên nên nhiều phóng viên khi tác nghiệp, đưa tin tuyên truyền về vấn đề biển đảo còn gặp không ít khó khăn, rủi ro.

Hiện nay, vấn đề tuyên truyền biển đảo được xem là nhiệm vụ quan trọng của đất nước
Hiện nay, vấn đề tuyên truyền biển đảo được xem là nhiệm vụ quan trọng của đất nước

Bên cạnh đó, nhiều khái niệm, đề tài lịch sử, văn hóa liên quan đến vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam chưa có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương nên một số Phóng viên truyền hình địa phương khi làm về vấn đề này thường chỉ mang tính khái quát, thiếu tính thuyết phục,… Một số phóng viên truyền hình còn hạn chế về kiến thức chuyên môn, chuyên sâu về biển đảo và chưa được trang bị lập trường chính trị vững vàng khiến việc tác nghiệp gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm. Vì vậy, làm thế nào để  tuyên truyền biển đảo trên truyền hình đạt hiệu quả cao nhất quả là một điều rất khó khăn.

Chia sẻ tại diễn đàn, TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh: “ Hiện nay, vấn đề về biển, đảo được xem là nhiệm vụ quan trọng của đất nước., sau những sự việc như: Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan 981 trên vùng biển Việt Nam, bồi đắp các đảo nhân tạo trên quần đảo của Việt Nam,… đều được dư luận, nhân dân đặc biệt quan tâm. Truyền hình được xem là một kênh thông tin nhanh nhạy và có sức lan tỏa rộng lớn, do đó cần trang bị cho các phóng viên, biên tập viên những kiến thức cụ thể, chuyên sâu hơn về vấn đề biển đảo được xem là cần thiết, cấp bách để từ đó có thể chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất, chính xác và hiệu quả tuyên truyền cao nhất đến công chúng”.

Cũng tại diễn đàn, nhiều phóng viên đã đề xuất nên xây dựng một chiến lược cụ thể, thường xuyên, trọng điểm và có sự thống nhất từ các Đài Trung ương đến địa phương về vấn đề tuyên truyền biển, đảo trên truyền hình. Để những phóng viên khi đưa tin về vùng, vấn đề “nhạy cảm” trên biển, đảo có thể yên tâm và khai thác hết những thông tin cần thiết để đưa đến cho khán giả một cái nhìn khách quan, chân thực nhất.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã được các phóng viên chia sẻ về những kinh nghiệm, nghiệp vụ khi tác trên biển, đảo hiện nay.
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng đã được các phóng viên chia sẻ về những kinh nghiệm, nghiệp vụ khi tác trên biển, đảo hiện nay.

Bên cạnh đó, cần xác định cho phóng viên biết cần tuyên truyền đến đâu, đến mức độ nào, vùng nào là vùng nhạy cảm, với những vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay thì mỗi địa phương cần có người phát ngôn với báo chí, cung cấp thông tin tại thời điểm đó một cách nhanh nhất, thường xuyên, kịp thời nhất cho phóng viên biết để chuyển tải đến công chúng.

Tại buổi diễn đàn hôm nay, các đại biểu cũng đã được nghe các phóng viên chia sẻ về những kiến thức nghề nghiệp, nghiệp vụ khi tác nghiệp và những khó khăn, vất vả và sự nguy hiểm khi đưa tin về những vấn đề, sự kiện trên biển, đảo hiện nay.

Văn Lịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm