Phú Yên:
Quần thể 20 cây xoài Di sản chùa Đá Trắng kêu cứu khẩn cấp
(Dân trí) - 20 cây xoài Di sản chùa Đá Trắng thuộc xã An Dân, huyện Tuy An (Phú Yên), vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam đang lâm bệnh cần cấp cứu khẩn cấp.
Theo quan sát, quần thể các cây xoài, cây lớn nhất có đường kính 1,2m, tán rộng hàng chục mét đang có “hiện tượng” lạ, đó là rầy bay xào xạc, lá cây bị thâm đen. Bà Nguyễn Thị Mận (pháp danh Đồng Thiện), người quản lý trông coi chùa cho biết: “Cách nay 3 tháng, xoài ra bông đơm lên như mâm xôi, không hiểu sao sau đó rụng dần, một số hoa đậu vừa ra trái non bằng ngón tay cái thì rụng sạch. Khách tham quan đến hỏi “xin lộc” trái xoài cổ, nhưng tìm một trái làm thuốc cũng không có. Mỗi sáng quét lá khô dưới đất thì thấy xung quanh gốc xoài có lớp bột màu đen, lâu nay chưa từng có”.
Theo ông Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: “Hiện tại 20 cây xoài đang bị rầy bông và bệnh muội than gây hại rất nặng nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, để trễ thêm e sẽ không còn phương cứu chữa, xoài sẽ bị chết’.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ văn Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết: “Sở đã báo với Sở NN-PTNT và Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Phú Yên, đây là 2 cơ quan chuyên môn phối hợp quan tâm giúp đỡ bảo vệ kịp thời, giữ cho xoài này tồn tại và tiếp tục phát triển vì giống xoài hết sức quý hiếm”.
Theo những bậc cao niên ở đây cho biết, xoài Đá Trắng khi chín có màu vàng tươi, vị ngọt thanh và có mùi thơm dịu nhẹ. Trước đây là loại quả quý để cung tiến Vua nên còn gọi là xoài ngự, xoài tiến. Trải qua hơn 200 năm, những cây xoài vẫn ra hoa hàng năm nhưng ít trái. Tuy nhiên, dịp rằm tháng tư năm nay, chùa Đá Trắng thu hút hàng ngàn phật tử, khách du lịch đến thăm viếng chùa, nhiều người hết sức ngỡ ngàng vì 20 cây xoài di sản không ra trái vì bị bệnh nặng.
Cách đây 3 tháng, tỉnh Phú Yên tổ chức đón bằng công nhận quần thể 20 cây xoài cổ tại chùa Đá Trắng là Cây Di sản Việt Nam. Vườn xoài này do Hòa thượng Pháp Chuyên (hiệu Luật Truyền, đời thứ 36 thuộc dòng phái Lâm Tế), năm 1793, trong lúc đến chùa Đá Trắng xây thảo am để dịch kinh Hoa Nghiêm. Ngay từ khi đó, thiền sư đã cho trồng nhiều cây xoài xung quanh am. Xoài được trồng ở gần núi Đá Trắng nên còn gọi là xoài Đá Trắng. Năm 1797, ngôi thảo am được kiến tạo thành một ngôi chùa lớn. Đến năm 1899, vua Thành Thái ban sắc tứ cho chùa, từ đó chùa có tên là “Từ Quang tự”.
Nhạn Sơn – Doãn Công