Quán quân game show: Người “mất hút”, kẻ loay hoay…
(Dân trí) - Hạnh phúc đến… trào nước mắt khi được xướng tên ngôi vị quán quân tại các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng âm nhạc nhưng cho đến thời điểm này Yasuy, Quốc Thiên, Vũ Thảo My, Đức Phúc… người thì “mất hút”, kẻ thì rơi vào cảnh “con kiến mà leo cành đa”…
Sau ngôi quán quân thì “về quê chăn lợn”?
Giành ngôi vị quán quân Giọng hát Việt 2013 khi mới 16 tuổi, là học trò của Đàm Vĩnh Hưng cũng như là cháu ruột của cựu siêu mẫu Vũ Thu Phương, những tưởng Vũ Thảo My sẽ nhanh chóng gặt hát thành công trên con đường ca hát. Tuy nhiên, một thời gian dài sau cuộc thi, cô gái gốc Nam Định vẫn khá im ắng, hầu như không xuất hiện trên truyền hình, thậm chí có thời điểm “mất hút”.
Phải đến năm 2015, Vũ Thảo My mới ra mắt một số sản phẩm âm nhạc mini, MV… nhưng vẫn chưa tạo được dấu ấn cũng như hiệu ứng với khán giả. Trong khi cô học trò nhỏ của Đàm Vĩnh Hưng vẫn đang “lẩn khuất” đâu đó thì Giọng hát Việt đã có quán quân mới và khán giả cũng bị cuốn theo vô số các chương trình gameshow khác.
Tương tự như Vũ Thảo My, quán quân Giọng hát Việt 2015 Đức Phúc đã hạnh phúc đến… bật khóc khi trở thành người chiến thắng trong đêm chung kết. Dù không được đánh giá cao về giọng hát cũng như ngoại hình nhưng cậu học trò nhút nhát của Mỹ Tâm vẫn đàng hoàng đứng trên bục cao nhất nhận giải thưởng.
Sau cuộc thi, Đức Phúc có ra mắt MV “Chỉ một câu” với sự hậu thuẫn của Mỹ Tâm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, cái tên Đức Phúc nếu xuất hiện trên mặt báo cũng chỉ là những thông tin đời tư...
Nhưng nói về quán quân game show âm nhạc “mất hút” thật sự phải kể đến chàng quán quân Vietnam Idol 2012, Yasuy. Ngay từ khi đăng quang Vietnam Idol, chàng trai người dân tộc Chu Ru đã gây tranh cãi vì anh hoàn toàn không phải đối thủ cân sức với “người đẹp, hát hay” như Hoàng Quyên. Khán giả bình chọn cho anh vì tính cách mộc mạc của chàng trai “rời ruộng lên sân khấu”, vì những câu chuyện đời sống cảm động bên lề… thay vì cảm nhận chuẩn xác giọng hát của anh.
Đó chính là “bi kịch” của Yasuy! Sự kỳ vọng của khán giả đã tạo cho anh áp lực không lối thoát. Sau cuộc thi, sự nghiệp ca hát của anh dậm chân tại chỗ. Đến ước mơ sau khi giành chiến thắng của anh cũng là dành tiền thưởng… mua đàn lợn mới. Và, nếu có xuất hiện trên mặt báo cũng chỉ là thông tin thần tượng âm nhạc bỏ nuôi lợn đi trồng cà phê hay scandal ầm ĩ chuyện con rơi khiến Ya Suy bị chỉ trích gay gắt…
Dù sở hữu ngoại hình ưa nhìn, giọng hát tình cảm nhưng “thần tượng âm nhạc” 2008 Quốc Thiên cũng lận đận không kém. Sau cuộc thi Vietnam Idol 2008, Quốc Thiên cũng có vài ca khúc gây sự chú ý nhưng anh vẫn không thể bứt phá lên như Uyên Linh.
Ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, loay hoay trong việc lựa chọn dòng nhạc khiến sự nghiệp âm nhạc của Quốc Thiên không biến chuyển nhiều. Được Bằng Kiều “nâng đỡ” khi “anh Bầu” mới về nước, hay gần đây “Nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên ngỏ ý giúp đỡ Quốc Thiên đến với dòng nhạc xưa nhưng vẫn chưa thể nói trước con đường âm nhạc phía trước của quán quân này…
“Giải thưởng chỉ là phù du, đừng nên ngủ quên trên chiến thắng”
Không ai phủ nhận, nhiều người đã “đổi đời chỉ sau một đêm” nhờ game show, nhờ giành ngôi vị tại các chương trình truyền hình thực tế. Không ít người trẻ nhanh chóng tìm thấy ánh hào quang, nổi tiếng và sự giàu có nhờ danh hiệu tại các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc. Nhưng trên thực tế, cũng không ít trường hợp vụt sáng với danh hiệu quán quân rồi “lụi tắt” hoàn toàn sau cuộc thi, vì sao?
Vì thực chất các game show chỉ như một trò chơi mang tính giải trí, quyền định đoạt thuộc về… khán giả nhưng phần quyết định lại thuộc về nhà sản xuất (!?). Có người đã ví von, trong cuộc chơi các thí sinh, giám khảo cũng như các con cờ trên một bàn cờ, đi nước nào, ăn con nào thì cuối cùng quyền “xoay vần” cũng không thuộc về mình. Một thí sinh được đánh giá tốt về giọng hát, ngoại hình chưa hẳn đã là người chiến thắng. Nó còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đôi khi phụ thuộc vào khả năng thu hút sự chú ý của khán giả, phụ thuộc vào HLV thí sinh đó là ai? Đã có nghi vấn đặt ra khi Thảo My và Đức Phúc đoạt ngôi vị quán quân Giọng hát Việt, rằng tại sao họ không phải là những thí sinh nổi bật nhất về giọng hát và ngoại hình nhưng vẫn được bình chọn? Phải chăng, vì HLV của họ là Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm; những nghệ sĩ “hot” và có lượng fan đông đảo nhất nhì showbiz Việt?
Phải chăng, đối với những quán quân không có thực lực thật sự thì sự đuối sức, bế tắc và “mất hút” sau cuộc thi là điều dễ hiểu?
Tất nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nằm ở bản thân các quán quân game show. Họ phải xác định, danh hiệu tại cuộc thi chỉ như một bàn đạp, như một “tấm vé” để họ bước tiếp vào cuộc đua ngoài đời khốc liệt hơn nhiều. Muốn thành công thật sự thì tài năng chỉ là một phần, sự trau dồi, nỗ lực vươn lên, xác định đường hướng đúng sở trường và cả sự may mắn nữa. Quốc Thiên thiếu sự may mắn, còn Yasuy là hệ quả của sự bình chọn “cảm tính” của khán giả…
Xin tạm khép lại bài viết bằng lời nhắn nhủ của ca sĩ Tùng Dương, HLV X Factor 2016: “Kết quả không quan trọng bằng những bước đi sau này của người đoạt Quán quân. Giải thưởng chỉ là phù du, đừng nên ngủ quên trên chiến thắng.”
Nguyễn Hằng