Quan họ ngửa nón nhận tiền: Nhỏ và không nhỏ!

Nếu di sản mang lại lợi ích về thương hiệu kéo theo những những lợi ích khác về thương mại hoặc vị thế cho địa phương, nhưng bản thân chủ thể văn hóa lại không được hưởng lợi từ thương hiệu đó, sẽ là bất hợp lý.

Một trong những nội dung quan trọng trong công tác tổ chức Hội Lim năm được Ban tổ chức nhấn mạnh đó là Nghiêm cấm một số hoạt động. Một số nội dung cấm rất đáng hoan nghênh như các dịch vụ trò chơi điện tử, xiếc, mô tô bay, quảng cáo sử dụng loa máy công suất lớn. Cấm hát những hình thức nhạc khác ngoài quan họ...

Bên cạnh đó, các Chủ tịch xã có các CLB Quan họ địa phương phải ký cam kết không ngửa nón nhận tiền đối với các CLB quan họ hát phục vụ tại lễ hội. Đồng thời, các liền anh liền chị cũng bị cấm sử dụng âm thanh loa máy trong lúc hát.

Huyện Tiên Du, Bắc Ninh thể hiện quyết tâm rất cao trong việc giữ gìn hình ảnh của Quan họ.

"Tròng trành vì quy định"!

"Tôi hát quan họ hơn 40 năm rồi, xưa chỉ có chút gừng, chút muối, chúng tôi ngồi hát canh với nhau cả đêm. Bây giờ xã hội đổi mới, công nghệ tiên tiến, cuộc sống thay đổi, quan họ tất nhiên cũng vậy!" Ông Nguyễn Văn Đặng, Chủ nhiệm CLB Quan họ thôn Lũng Giang, chia sẻ.

Dòng tâm sự dài hồi cố tri tân của liền anh làng Lim được chốt lại bằng quy định của BTC, cụ thể ở ba điểm: 1, không nhận tiền; 2, không sử dụng âm thanh loa máy; 3, không mời bạn hát trong hội. Như ông nói, khiến "quan họ năm nay tròng trành vì quy định".

Nhìn lại những lễ hội trước, có thể thấy BTC hoàn toàn đúng và rất đáng hoan nghênh khi đưa ra những quy định nghiêm khắc. Cảnh các liền anh liền chị áp sát thuyền vào bờ, chìa nón đón tiền quả là không đẹp, ở nghĩa nào đó có thể nói hơi phản cảm, mang tính thúc giục ép buộc. Ngay những nghệ sĩ đường phố nước ngoài cũng không có bất cứ động thái nào thúc giục mời chào, ai đi đường, ai bỏ tiền hay không cũng được. Nên động thái chủ động đó bị phản ứng là dễ hiểu.

Chuyện âm thanh loa máy cũng không ngoại lệ, hai nhóm quan họ cách nhau vài mét bật loa hết cỡ xối vào tai khách thì chả ai chịu nổi. Thêm trò chơi điện tử, quảng cáo phụ họa thì...
 
Ông Nguyễn Văn Đặng và vợ
Ông Nguyễn Văn Đặng và vợ
 
Nhưng cấm hoàn toàn?

Thử hình dung một không gian cả ngàn người, với đủ loại âm thanh và vật thể thu hút sự chú ý, làm thế nào các liền anh liền chị hát vo trong không gian hỗn tạp và kéo dài như thế? Trừ khi đưa họ vào hát ở Nhà hát Lớn hoặc phạm vi thôn bản như xưa. Chuyện từ chối công nghệ nghe qua có vẻ hợp lý, đặc biệt hợp ý những nhà nghiên cứu bảo tồn quan họ, nhưng trên thực tế lại là thách thức.

Và nhận tiền? Đây chắc chắn là vấn đề mang tính thời đại và phổ quát, không chỉ cho quan họ mà cho tất cả những di sản đã và đang được chờ đợi công nhận nói chung.

Ông Đặng thành thực: quan họ là niềm tự hào của địa phương, được công nhận tầm thế giới thì càng tự hào, nhưng tự hào cũng gắn liền với mong đợi. "Suy cho cùng liền anh liền chị cũng là những người dân lao động, khi di sản được quan tâm hơn, thì chúng tôi cũng có thêm chút tiền từ người yêu quan họ cũng là điều đáng mừng. Hơn nữa, khách yêu mến tặng, chúng tôi không nhận cũng phụ lòng họ"

Ông cho biết thêm để được tham gia hát trong lễ hội, CLB cũng phải thuê bơm nước vào ao đình, chuẩn bị sắm sanh... tức cũng mất chi phí để tham gia. Các liền anh liền chị cũng mong nhận về là đương nhiên, và hào hứng. "Trước đây vùng này có nhiều nhóm quan họ lắm, giờ họ bỏ lo miếng cơm manh áo, chỉ còn vài nhóm. Giờ cứ hô cấm đoán này kia thì anh em chán. Họ đâu phải nghệ sĩ ăn lương, vui thì tham gia, không thì họ rút"

Suy nghĩ của ông Đặng hoàn toàn chính xác, đáng để những nhà khoa học - quản lý văn hóa chia sẻ và đặt vấn đề trong phương pháp nghiên cứu và bảo tồn di sản chung.

Thử hình dung, nếu không phải quan họ, mà di sản là một cộng đồng hoang sơ chẳng hạn thì nhà khoa học - quản lý cũng không thể duy ý chí bắt họ phải "hoang sơ" mãi cho thiên hạ ngắm.
 
Đám rước Thành Hoàng xã Nội Duệ, một trong những nội dung hội Lim
Đám rước Thành Hoàng xã Nội Duệ, một trong những nội dung hội Lim
 
Di sản phi vật thể, theo định nghĩa của UNESCO, "là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng và kèm theo đó là những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ", rõ ràng gìn giữ "phi vật thể" nguyên vẹn kiểu bảo tàng là không thể.

Việc di sản bị tác động bởi sự phát triển là đương nhiên, cũng như mong đợi của các chủ thể văn hóa trong việc được hưởng lợi từ di sản cũng đúng đắn, và chỉ như thế nghệ nhân và di sản mới tiếp tục sống được trong cộng đồng.

Nếu di sản mang lại lợi ích về thương hiệu kéo theo những những lợi ích khác về thương mại hoặc vị thế cho địa phương, nhưng bản thân chủ thể văn hóa lại không được hưởng lợi từ thương hiệu đó, sẽ là bất hợp lý.

Giống như việc nhận tiền của quan họ, phải chăng thay vì Cấm thì nên có hình thức đón nhận tinh tế khéo léo hơn thôi. Hoặc chuyện công nghệ có thể dàn xếp bằng giãn không gian, chia ca kíp.

Cũng như công tác di sản văn hóa đương nhiên gắn với du lịch, chỉ là du thế nào nằm ở tư duy của những nhà quản lý và cố vấn. Chắc chắn không phải cách bóp méo, bôi xanh bôi đỏ, chạy đua kỷ lục nọ kia.

Bảo tồn khác với phô trương, bày trò!

Theo Hoàng Hường
VietNamNet